Thâu tóm “ngầm”?

Khi thị trường chứng khoán èo uột đầu tư cổ phiếu có nhiều rủi ro, đồng thời là cơ hội cho những mục tiêu đầu tư dài hạn, trong đó cổ phiếu NH là đích nhắm của nhiều nhà đầu tư trong nước. Đặc biệt, gần đây trên thị trường xuất hiện nhiều tin đồn về việc đang diễn ra những cuộc thâu tóm “ngầm” trong lĩnh vực NH.

Khi thị trường chứng khoán èo uột đầu tư cổ phiếu có nhiều rủi ro, đồng thời là cơ hội cho những mục tiêu đầu tư dài hạn, trong đó cổ phiếu NH là đích nhắm của nhiều nhà đầu tư trong nước. Đặc biệt, gần đây trên thị trường xuất hiện nhiều tin đồn về việc đang diễn ra những cuộc thâu tóm “ngầm” trong lĩnh vực NH.

Từ chuyện STB

Tuần trước cổ phiếu STB (Sacombank) đã trở thành hiện tượng “lạ” trên TTCK khi con gái và con dâu ông Đặng Văn Thành (Chủ tịch HĐQT Sacombank) đăng ký bán toàn bộ 8,7 triệu STB đang nắm giữ (thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 11-7 và kết thúc trong vòng 2 tháng) với lý do giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân. Vợ ông Thành là bà Huỳnh Bích Ngọc cũng dự kiến sẽ bán ra 6 triệu cổ phiếu STB từ ngày 12-7 đến 12-9. Như vậy, tổng số cổ phiếu STB được gia đình họ Đặng dự kiến bán ra là 14,8 triệu cổ phiếu.

Việc chuyển nhượng sẽ được thực hiện thông qua khớp lệnh hoặc giao dịch thỏa thuận. Điều này đã khiến TTCK chú ý bởi gia đình ông Thành và nhóm cổ đông liên quan sở hữu gần 30% lượng cổ phần niêm yết của Sacombank. Đặc biệt, trong thời gian gần đây bất chấp sự lình xình của TTCK, cổ phiếu STB trong 7 phiên đã có 6 phiên giao dịch thỏa thuận rất mạnh với khối lượng trên 4 triệu cổ phiếu mỗi phiên và đều ở giá sàn.

Trong khi trước đó CTCP Sản xuất thương mại Thành Thành Công - nơi bà Huỳnh Bích Ngọc làm Chủ tịch HĐQT - đăng ký mua vào 15 triệu cổ phiếu STB (thời gian 1-6 đến 1-8-2011).

Giao dịch tại Sacombank. Ảnh: LÃ ANH

Giao dịch tại Sacombank. Ảnh: LÃ ANH

Dư luận đặt ra nhiều câu hỏi xoay quanh các sự việc này. Có ý kiến nghi ngờ sự dịch chuyển vốn từ sở hữu cá nhân sang sở hữu tổ chức phải chăng là chiêu làm giá cổ phiếu STB và không loại trừ khả năng bước tiếp theo sẽ chuyển nhượng cổ phiếu Thành Thành Công.

Tuy nhiên, gần đây cũng xôn xao tin đồn có nhà đầu tư trong nước đang âm thầm gom cổ phiếu STB và đã nắm một tỷ lệ khá lớn trên 20%, có thể chi phối và thâu tóm Sacombank trong tương lai. Việc công bố bán ra cổ phiếu STB của gia đình ông Thành mới đây càng củng cố thêm tin đồn này.

Để minh bạch thông tin và tránh gây hoang mang cho nhà đầu tư, cuối tuần qua ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Sacombank đã gặp gỡ báo chí giải đáp các thắc mắc xoay quanh các sự việc trên. Ông Thành cho biết trước đây gia đình ông đứng tên sở hữu cổ phiếu STB, nay bán ra là muốn Thành Thành Công quản lý và đầu tư tài chính chuyên nghiệp hơn. Thay vì cá nhân, nay tổ chức đứng ra đầu tư nên đây là việc bình thường.

Nếu việc mua STB vào thành công, doanh nghiệp này sẽ sở hữu gần 20 triệu cổ phần STB, chiếm 2,1% vốn điều lệ của NH. Liên quan tin đồn thâu tóm Sacombank, ông Thành cho biết đến thời điểm này ông cũng không biết chính xác số lượng cổ phần STB nhà đầu tư trong nước đang thực hiện thâu gom.

Nhưng là một đơn vị niêm yết, Sacombank luôn hướng đến chuẩn mực minh bạch và sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư trong nước lẫn ngoài nước có ý định đầu tư, đồng hành cùng sự phát triển của Sacombank. Các thành viên HĐQT cũng sẵn sàng ủng hộ những người có năng lực, đầy đủ điều kiện theo quy định cùng tham gia điều hành Sacombank theo định hướng HĐQT và Hội đồng sáng lập đề ra trong chiến lược phát triển giai đoạn 2010-2015, tầm nhìn đến 2020.

Tuy nhiên, ông Thành cũng khẳng định nhiệm kỳ Chủ tịch HĐQT mới của ông bắt đầu từ năm 2011-2015 (kết quả bỏ phiếu từ đại hội đồng cổ đông năm 2011), nên từ nay đến 2015 sẽ không có sự biến động về nhân sự như các tin đồn. Vì vậy, nhà đầu tư không nên hoang mang để tránh bị thiệt hại.

Dễ hay khó?

Từ chuyện Sacombank có thể thấy dù các NHTM gặp không ít thách thức và khó khăn từ việc siết chặt tiền tệ chống lạm phát, nhưng cổ phiếu NH vẫn là lĩnh vực tiềm năng được giới đầu tư cá nhân lẫn tổ chức quan tâm. Đầu tư thời điểm này có lợi so với việc phải bỏ vốn ra xin giấy phép thành lập NH mới mất ít nhất 15-20 năm mới có được cơ ngơi như các NH lớn trên thị trường hiện nay.

Theo ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital, giá các cổ phiếu NH niêm yết trên sàn hiện ở mức hấp dẫn để đầu tư. Nếu có tầm nhìn dài hạn, đầu tư vào cổ phiếu NH lúc này là hợp lý. Cầu về cổ phiếu NH luôn có, nhất là những NH có thương hiệu, hiệu quả kinh doanh tốt. Nắm bắt được điều này, nhiều  “ông chủ” lớn của một số NH bắt đầu mua thêm cổ phiếu NH mình. Họ mua không chỉ vì biết tiềm năng NH do mình lèo lái mà còn vì phòng thủ, tránh bị thâu tóm khi giá cổ phiếu đang thấp. 

Vấn đề đặt ra, liệu việc mua gom như trên nếu có thật, các NHTM lớn có dễ bị sáp nhập, thâu tóm, thay tên đổi chủ. Một chuyên gia cho rằng điều này có thể dễ đối với các doanh nghiệp ngành nghề khác, nhưng đối với lĩnh vực NH không đơn giản. Bởi lẽ luật không cho phép cá nhân hay tổ chức, dù có tiềm lực tài chính, mua cả một NH và cũng không cho phép một thể nhân, pháp nhân sở hữu một NH.

Làm một cổ đông NH không khó nhưng làm cổ đông lớn như thành viên HĐQT phải được cơ quan quản lý là NHNN xem xét, chỉ chuẩn y nếu có đủ điều kiện theo quy định. Thực tế trước đây đã có nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu một NH với tỷ lệ rất cao nhưng không được NHNN chấp thuận phê duyệt chức danh HĐQT.

Ông Thành cũng cho rằng trong lĩnh vực NH không chỉ “đối vốn” mà còn phải “đối nhân”. Không phải cứ nắm giữ tỷ lệ cổ phiếu cao là có thể thay đổi, chi phối được NH. Hoạt động NH có mối quan hệ ràng buộc giữa các thành viên HĐQT, nếu không đủ năng lực, trình độ, không được tín nhiệm của cổ đông, khó có ai thực hiện mục tiêu thâu tóm.

Các tin khác