Thanh toán ảo, hạn chế tiền mặt

(ĐTTCO) - Ngành NH đã phát triển trong vài năm qua thành ngành dịch vụ theo định hướng khách hàng. Các giải pháp thanh toán điện tử, đặc biệt trên điện thoại di động (ĐTDĐ) đang tạo tiện ích cho người mua và cả người bán. 

 Nhanh chóng, tiện ích
Giao dịch thanh toán điện tử ở Việt Nam chủ yếu thông qua ATM, POS, internet, ĐTDĐ và các kênh giao dịch điện tử khác. Dịch vụ hỗ trợ thanh toán gồm hỗ trợ thu hộ, chi hộ, chuyển tiền điện tử và dịch vụ ví điện tử.
Một thực tế đang diễn ra từ năm 2017 đến nay là doanh số sử dụng thẻ đa phần để rút tiền mặt đang giảm dần. Doanh số thanh toán qua ĐTDĐ đang tăng nhanh chóng. Lý do khách hàng thích những giải pháp giúp tiết kiệm thời gian.
Theo Vụ Thanh toán NHNN, đến cuối 2017 đã có 41 NH triển khai dịch vụ thanh toán trên ĐTDĐ (mobile banking) và 27 tổ chức được NHNN cấp phép trung gian thanh toán, trong đó 23 tổ chức cung ứng ví điện tử. Hợp tác NH - fintech ở Việt Nam đang ngày càng phát triển. Bằng chứng ứng dụng ví điện tử của một số NH và các công ty fintech đang giúp khách hàng có thể thanh toán ảo, không cần phải trả tiền trực tiếp cho người bán. 
Thanh toán ảo, hạn chế tiền mặt ảnh 1 Thanh toán qua ví điện tử Momo bằng smartphone. 
Thí dụ, dùng ví Momo để mua vé xem phim, sau khi chọn các nội dung cần như tên rạp, phim, chỗ ngồi… và đồng ý thanh toán bằng cách chạm vân tay là hoàn tất việc mua vé, chỉ việc đến rạp, nhận vé, vào phòng xem phim. Đặt xe Grab cũng vậy, khách hàng lưu thông tin khoản thanh toán trong ứng dụng sẽ được tự động thực hiện khi khách hàng tới đích. Khách xuống xe không phải phải làm động tác trả tiền cho lái xe.
Thanh toán ảo đang ngày càng trở nên thông dụng, trong khi ở Việt Nam những ứng dụng trên di động của các công ty fintech chủ yếu tập trung vào tiện ích khách hàng, trên thế giới nhiều công ty đã bắt đầu cung cấp sự tiện ích cho cả người dùng và người bán khi khi sử dụng và quản lý ứng dụng thanh toán. Như Công ty Bizworks của Hàn Quốc, đã phát triển giải pháp đặt chỗ/đặt hàng/thanh toán cho các nhà hàng dựa trên thiết bị di động gọi là GT-Pay, có tích hợp hệ thống POS được triển khai từ năm 2017. Bằng cách này, người bán hàng có thể quản lý nhà hàng của mình để nhận đơn đặt hàng và thanh toán. 
GT-Pay hỗ trợ các phương thức thanh toán gồm thẻ tín dụng credit card, mobile payment và ghi nợ trực tiếp. Còn người dùng tạo đơn hàng và thanh toán với ứng dụng di động bằng quét thông tin của GT-Pay, không phải giao dịch với nhân viên nhà hàng. Tất cả thông tin khách hàng quét được chuyển tự động đến hệ thống POS trong nhà hàng, nhân viên phục vụ nhà hàng không phải chuyển thông tin đặt hàng đến POS theo cách thủ công, giúp tránh bị nhầm lẫn đơn hàng.

Thay đổi mô hình kinh doanh
Thanh toán bằng cách quét và chạm (tự động hóa), không cần làm việc với thu ngân hoặc dùng các loại máy móc và dùng thẻ vật lý, sẽ là xu hướng trong thời gian tới. Xu hướng này được dự báo lan tỏa nhanh chóng trên lĩnh vực bán lẻ. Thí dụ, Barclaycard đang tìm cách “vô hình hóa” quá trình thanh toán, giúp khách hàng trải nghiệm mua sắm thuận tiện hơn, bằng cách cho phép họ dùng điện thoại thông minh (smartphone) để bỏ qua quầy thu ngân.
Ứng dụng Grab+Go của Barclaycard (nhà cung cấp dịch vụ thanh toán và thẻ tín dụng đa quốc gia, có hơn 10 triệu khách hàng ở Vương quốc Anh), đã biến smartphone thành “thiết bị checkout bỏ túi”, cho phép khách hàng cầm món hàng cần mua lên và quét rồi hoàn tất giao dịch mua hàng với cú nhấn, sau đó cứ thế bước ra khỏi cửa hàng. 
Barclaycard cũng tạo ra giải pháp Dine & Dash cho các nhà hàng, thực khách ngồi vào bàn, chạm điện thoại của mình vào thiết bị đặt trên bàn đặt món, xem hóa đơn, chia tiền ăn giữa những người bạn trong nhóm, tự động tính tiền boa và thanh toán hóa đơn ngay trong ứng dụng. Hoặc họ cũng có thể bước ra khỏi quán và hóa đơn sẽ được thanh toán tự động.
Xu hướng tiêu dùng và thanh toán mới tiện ích cho cả người dùng và người bán đang thay đổi mô hình kinh doanh toàn nền kinh tế, trong đó bao gồm cả NH. Cho dù còn rất nhiều trở ngại nhưng hệ thống NH số với các giải pháp thanh toán vô hình sẽ là hệ thống NH mới. 
65% dân số Việt Nam hiện đang sử dụng smartphone, 50 triệu người sử dụng internet, mạng di động 3G/4G phủ sóng tới hầu hết tỉnh, thành trong cả nước, nhu cầu về sử dụng dịch vụ NH số gia tăng và mạnh mẽ là tất yếu. Nhận thức rõ điều này các NH Việt Nam phải học hỏi kinh nghiệm và chủ động triển khai sản phẩm dịch vụ phù hợp với điều kiện thị trường, nếu muốn giữ và mở rộng được thị trường.

Các tin khác