Thanh khoản eo hẹp, đẩy lãi suất tăng

(ĐTTCO) - Thanh khoản của hệ thống NH trong quý III khá eo hẹp, do đó cuộc đua lãi suất huy động để hút tiền gửi của các NHTM ngày càng nóng lên, gây ra lo ngại về lãi suất cho vay trong những tháng cuối năm.
Liên tục điều chỉnh lãi suất huy động
Maritime Bank vừa công bố biểu lãi suất mới áp dụng từ ngày 5-10, trong đó tăng lãi suất huy động ở một số kỳ hạn. Cụ thể, các kỳ hạn 7-8 tháng tăng thêm 0,9% lên mức 6,9%/năm, các kỳ hạn 10-13 tháng tăng 0,1% lên 7,2%/năm áp dụng cho khoản tiền gửi từ 1 tỷ đồng trở lên; kỳ hạn 18 tháng lãi suất lên 7,2%/năm, tăng 0,2%.
Đối với gửi tiền trực tuyến kỳ hạn 2 tháng, Maritime Bank điều chỉnh tăng lãi suất đến 0,95% lên 5,25%/năm so với biểu lãi suất trước đó. Đáng chú ý, khách hàng tham gia gói tiết kiệm M-Saving có số dư bình quân tài khoản thanh toán từ 5 triệu đồng, số dư bình quân sổ tiết kiệm trực tuyến từ 1 triệu đồng sẽ được cộng thêm lãi suất từ 0,5-2%/năm. Theo đó, người gửi tiền có thể hưởng lãi suất lên tới 8,9%/năm.
NHTMCP tăng lãi suất cũng là việc thường diễn ra trong hệ thống. Tuy nhiên, gần đây các NHTM có vốn nhà nước cũng bắt đầu gia nhập mạnh hơn vào xu hướng này. Mới đây, Vietinbank và BIDV vừa tiếp tục tăng lãi suất huy động thêm 0,1-0,4% ở nhiều kỳ hạn. Trên biểu lãi suất niêm yết của Vietinbank, các kỳ hạn huy động đều tăng lãi suất thêm 0,2% so với trước đó.
Cụ thể, các khoản tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng được hưởng lãi suất 4,5%/năm, kỳ hạn 3-4 tháng là 4,8%/năm và kỳ hạn từ 5-6 tháng lãi suất lên 5%/năm; kỳ hạn từ 6-9 tháng là 5,5%/năm… BIDV cũng điều chỉnh tăng 0,2% đối với kỳ hạn 1-2 tháng và kỳ hạn 6 tháng, lần lượt lên mức 4,5%/năm và 5,5%/năm. Lãi suất kỳ hạn 3 tháng tăng 0,4% lên 5%/năm. 
Thanh khoản eo hẹp, đẩy lãi suất tăng ảnh 1 Biểu lãi suất huy động của Maritimebank đã đẩy lên qua nhiều hình thức. 
Sau khi 2 NH này tăng lãi suất, một số kỳ hạn ngắn trên biểu lãi suất huy động mới nhất của Vietcombank cũng được điều chỉnh. Cụ thể, tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng áp dụng lãi suất 4,4%/tháng, tăng 0,1% so với trước; kỳ hạn 3 tháng là 4,8%/năm, kỳ hạn 6 tháng là 5,5%/năm, tăng 0,2%.
Tương tự, Agribank cũng điều chỉnh tăng tất cả lãi suất tiền gửi tiết kiệm các kỳ hạn từ 1 tháng đến 9 tháng. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng tăng từ 4,3%/năm lên 4,5%/năm; kỳ hạn 2 tháng tăng từ 4,2%năm lên 4,5%/năm; kỳ hạn 3 tháng tăng từ 4,6%/năm lên 4,8%/năm. Đây là lần thứ 2 các NHTM có vốn nhà nước tăng lãi suất huy động trong năm nay.

Đầu ra cho vay buộc phải tăng
Công ty chứng khoán TPHCM vừa công bố khảo sát lãi suất hàng tháng, trong đó tháng 7 và tháng 8 lãi suất biến động không đồng nhất, một số NH nâng lãi suất tiền gửi trong khi một số khác giảm.
Tuy vậy, xu hướng tăng lãi suất tiền gửi đã trở nên rõ ràng hơn trong tháng 9, khi lãi suất nhìn chung tăng trong cả tháng. Mức tăng của tháng 9 đã hoàn toàn bù trừ với mức giảm trong những tháng trước và lãi suất tiền gửi bình quân hiện quay về mức tương đương vào cuối năm 2017. 
Ghi nhận tại từng NH, Vietcombank và LienVietPostBank đã nâng 0,2% lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn và nâng 0,1% lãi suất tiền gửi một số kỳ hạn dài. VPBank nâng lãi suất tiền gửi mạnh hơn với lãi suất kỳ hạn ngắn tăng 0,4%, kỳ hạn 12 tháng tăng 0,2% còn kỳ hạn trên 12 tháng tăng 0,1%. MB nâng lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn từ 1-9 tháng thêm 0,1-0,5%. Techcombank và PVCombank nâng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-9 tháng thêm 0,2%. OCB mặc dù giảm nhẹ lãi suất tiền gửi một số kỳ hạn ngắn (từ 0,1-0,2%) nhưng nâng mạnh lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng thêm 0,5%.
Theo số liệu Tổng cục Thống kê, tính tới thời điểm 20-9-2018, tăng trưởng tín dụng đạt mức 9,52% so với tháng 12-2017, thấp hơn so với cùng kỳ 2 năm trước (năm 2016 là 10,46%; năm 2017 là 11,02%). Bên cạnh đó, tăng trưởng huy động vốn của các NHTM đạt 9,15%, cũng thấp hơn so với cùng kỳ 2 năm trước. Huy động vốn thấp nên thanh khoản hệ thống cũng có phần eo hẹp. Một ước tính được đưa ra gần đây cho biết, thanh khoản hệ thống NH hiện khoảng 220.000- 250.000 tỷ đồng, giảm xấp xỉ 100.000 tỷ đồng từ đỉnh vào đầu tháng 7. 
TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách nhận định, trong quý III-2018, tình hình thanh khoản eo hẹp do chênh lệch lãi suất huy động - tín dụng và NHNN bán ra ngoại tệ để bình ổn tỷ giá, cũng làm cho tổng phương tiện thanh toán tăng chậm hơn. Một hệ quả tất yếu là lãi suất trên thị trường liên NH bị đẩy lên cao, đặc biệt trong khoảng thời gian từ giữa tháng 8 tới giữa tháng 9. Lãi suất kỳ hạn qua đêm và 1 tuần nhiều thời điểm đã tiệm cận mức 4,7%. Sự eo hẹp của thanh khoản hệ thống chính là nguyên nhân dẫn tới nhiều NHTM đã có động thái tăng lãi suất huy động trên thị trường 1.
Tại thời điểm này, việc các NHTM chạy đua tăng lãi suất huy động đang làm tăng nỗi lo về lãi suất cho vay trong những tháng cuối năm, vì đây là thời điểm nhu cầu vay vốn thường rất cao. Theo các chuyên gia nghiên cứu thị trường, sau vài tháng gần như giữ nguyên, lãi suất cho vay đã bắt đầu tăng vào tháng 8 và tháng 9.
Cụ thể, lãi suất cho vay VNĐ bình quân tăng đã 0,25% lên 9,5% trong tháng 9 từ mức 9,25% trong tháng 8. Đến cuối tháng 9, lãi suất cho vay bình quân đã cao hơn 0,46% so với tại thời điểm cuối năm ngoái là 9,04%. Hiện lãi suất cho vay kỳ hạn ngắn rơi vào 7-9%, còn trung dài hạn rơi vào 9-12,5%.
Do đó, khi xu hướng tăng lãi suất huy động chưa dừng lại, việc giảm lãi suất từ nay đến cuối năm cũng sẽ gặp nhiều rào cản, thậm chí giữ được ổn định mặt bằng lãi suất cho vay như hiện tại cũng sẽ là một nỗ lực rất lớn của các NH.

Các tin khác