Thận trọng các liệu pháp hạ nhiệt lãi suất

Nhằm mục đích hạ nhiệt lãi suất trong nền kinh tế, có ý kiến (đăng tải trên một số phương tiện thông tin ĐẠI chúng) đề xuất nên thực hiện tái cấp vốn cho các ngân hàng nhỏ trên cơ sở thế chấp vốn điều lệ và tăng dự trữ bắt buộc cùng với lãi suất dự trữ bắt buộc. Tuy nhiên, theo tôi cách làm này có nhiều bất cập.

Nhằm mục đích hạ nhiệt lãi suất trong nền kinh tế, có ý kiến (đăng tải trên một số phương tiện thông tin ĐẠI chúng) đề xuất nên thực hiện tái cấp vốn cho các ngân hàng nhỏ trên cơ sở thế chấp vốn điều lệ và tăng dự trữ bắt buộc cùng với lãi suất dự trữ bắt buộc. Tuy nhiên, theo tôi cách làm này có nhiều bất cập.

Tái cấp vốn thế chấp vốn điều lệ

Thứ nhất, không tuân thủ luật Ngân hàng nhà nước (NHNN). Theo Khoản 1 Điều 11 của Luật NHNN 2010, “tái cấp vốn là hình thức NHNN cấp tín dụng nhằm cung ứng vốn ngắn hạn và phương tiện thanh toán cho các ngân hàng”.

Đồng thời, Khoản 2 Điều 11 cũng ghi rõ: “NHNN quy định và thực hiện việc tái cấp vốn cho các tổ chức tín dụng theo các hình thức cho vay có bảo đảm bằng cầm cố các giấy tờ có giá, chiết khấu giấy tờ có giá khác và các hình thức tái cấp vốn khác”.

Giao dịch tại VietBank. Ảnh: LÃ ANH

Giao dịch tại VietBank. Ảnh: LÃ ANH

Mặc dù NHNN không nói rõ các hình thức vốn khác là gì, nhưng theo cách hiểu thông lệ, đó có thể là cho vay lại các hồ sơ tín dụng. Như vậy có thể thấy vốn điều lệ không nằm trong số các hình thức vốn khác theo luật định để các ngân hàng thương mại (NHTM) đem đi thế chấp nhằm vay vốn.

Xét về khía cạnh nghiệp vụ, tái cấp vốn (và cả tái chiết khấu) phải có tài sản đảm bảo là các giấy tờ có giá hay các hồ sơ tín dụng, nghĩa là các tài sản đảm bảo phải là những tài sản có giá trị. Vốn điều lệ của ngân hàng chỉ là một khái niệm tượng trưng, không phải là một tài sản có giá trị nên không thể đem ra làm tài sản bảo đảm.

Thứ hai, về nguyên tắc quản trị tài chính doanh nghiệp, không ai đem toàn bộ vốn hay phần lớn vốn đi thế chấp để vay vốn ngắn hạn, vì như vậy rất rủi ro. Trên thế giới, có một hình thức tài trợ vốn có thể “tạm xem” là  tương đồng với ý tưởng thế chấp vốn điều lệ, đó là “nợ bảo đảm bằng vốn cổ phần tư nhân” (private equity-backed debt).

Nghĩa là các doanh nghiệp đi vay nợ và đem phần vốn (equity) của mình làm tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, hình thức này chỉ diễn ra ở các công ty cổ phần tư nhân (private equity) và được xem là hình thức đầu tư mạo hiểm của các quỹ đầu tư mạo hiểm (venture capital), hoặc các quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân (private equity fund).

Do đó, hình thức này chưa có tiền lệ xuất hiện trong lĩnh vực ngân hàng trên thế giới, bởi phần vốn điều lệ của ngân hàng được đảm bảo cho các chủ thể trong nền kinh tế gửi tiền tại ngân hàng. Hơn nữa, cần phải hiểu rằng vốn vay trong hoạt động tái cấp vốn là vốn vay ngắn hạn.

Việc thế chấp phần lớn vốn điều lệ để được vay vốn từ NHNN sẽ khiến cho tỷ trọng nợ vay ngắn hạn cao, dẫn đến rủi ro về thanh khoản. Do đó, sẽ không có ngân hàng nào dám đi thế chấp vốn điều lệ để vay ngắn hạn.

Tăng lãi suất dự trữ bắt buộc

Ở đây tôi không bàn đến việc tăng dự trữ bắt buộc, mà chỉ nói đến việc tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc VNĐ lên 12-13%/năm (hiện lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc VNĐ chỉ là 1,2%/năm). Đây là một trong những giải pháp được các ngân hàng trung ương trên thế giới như FED thực hiện vào tháng 9-2008 để hạ lãi suất.

Trước năm 2008, FED chưa từng thực hiện điều này. Việt Nam cũng đã từng thực hiện hình thức này vào năm 2008 khi tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc từ 1,2%/năm lên mức 3,6%/năm vào ngày 1-9-2008 để giảm lãi suất cho vay trong nền kinh tế.

Việc tăng lãi suất trả cho tiền gửi bắt buộc sẽ góp phần làm giảm “chi phí cơ hội” của tiền gửi bắt buộc mà các NHTM đang dự trữ tại NHNN, giảm chi phí trong lãi suất cho vay nền kinh tế, từ đó hạ được lãi suất. Nhưng đây là một cách suy diễn theo tài chính chuẩn tắc, còn hành vi của nhà quản trị ngân hàng có giảm lợi nhuận để hạ lãi suất cạnh tranh trên thị trường hay không còn tùy thuộc tính hiệu quả của thị trường tiền tệ quốc gia đó. Vấn đề đặt ra là mức lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc bao nhiêu là phù hợp?

Lãi suất tiền gửi dự trự bắt buộc được FED trả thấp hơn 10-75 điểm cơ bản so với lãi suất tài trợ liên bang (federal fund rate). Nói cách khác, lãi suất tài trợ liên bang là mốc chuẩn để FED đưa ra mức lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc cho phù hợp. Cần nhớ lãi suất tái chiết khấu thường cao hơn lãi suất tài trợ liên bang.

Ở Việt Nam, lãi suất cơ bản (tương ứng với lãi suất tài trợ liên bang của Hoa Kỳ - có thể xem thêm bài trên báo ĐTTC số ra ngày 25-7-2011) gần như vô hiệu nên việc đưa ra mức lãi suất phù hợp rất khó khăn (lãi suất này hiện đang ở mức 9%/năm).

Tuy nhiên, nếu so sánh với mức lãi suất tái chiếu khấu 13%/năm hiện nay thì việc đưa lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc lên 12-13%/năm có vẻ không phù hợp. Việc tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc VNĐ lên ngang bằng với lãi suất tái chiết khấu sẽ khiến cho các NHTM không có nhu cầu mua trái phiếu chính phủ làm công cụ tái chiếu khấu.

Nói cách khác, tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc là một chủ trương đúng đắn nhưng cần phải được sử dụng đồng bộ với các công cụ lãi suất khác để tạo nên sự phù hợp giữa các loại lãi suất.

Các tin khác