Tham vọng tiền ảo Facebook

(ĐTTCO) - Trong thế giới tiền ảo, những lời hứa của những tên tuổi không phải là hiếm. Nhưng với Libra của Facebook, mọi thứ hoàn toàn thay đổi, đơn giản vì sức mạnh tuyệt đối của người khởi xướng là mạng xã hội lớn nhất thế giới; các đối tác bao gồm một số công ty tài chính, công nghệ, tiền điện tử và bán lẻ lớn nhất thế giới…

Trở lại và lợi hại hơn xưa 
Với Libra, Facebook đang hồi sinh giấc mơ xây dựng mạng lưới thanh toán trước đây công ty đã nhăm nhe vào năm 2015 với Messenger Payments, nhưng tính năng cho phép người dùng gửi và nhận tiền trên Messenger này đã chết yểu. Hiện nay mọi thứ đã rất khác năm 2015.
Facebook đang cố gắng tham gia vào tiền ảo một lần nữa, nhưng lần này được trang bị một hệ thống có một số đặc điểm tốt nhất của tiền điện tử hiện có, và một đội quân cùng đối tác hùng hậu để hỗ trợ và thúc đẩy việc áp dụng.
 Nếu hoạt động như một công cụ chuyển tiền, Facebook sẽ phải tuân thủ các quy tắc chống rửa tiền của Mỹ, xác minh ai đang gửi giao dịch qua nền tảng của mình và báo cáo các giao dịch đáng ngờ cho chính phủ.
Libra không chỉ là tiền ảo, mà có 3 thứ được mang tên Libra, gồm: Blockchain Libra, tiền tệ Libra và Hiệp hội Libra. Hiệp hội Libra là tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ, chi phối Libra và được điều hành bởi các Thành viên sáng lập, bao gồm Facebook - nhưng nhà mạng này không có ưu tiên đặc biệt trong tiến trình ra quyết định.
Blockchain Libra là một loại blockchain mới, được thiết kế chủ yếu để hỗ trợ tiền điện tử Libra, nhưng cũng cho phép bất cứ ai xây dựng các hợp đồng thông minh từ nó. Tiền ảo Libra là một loại tiền điện tử đặc biệt, một loại tiền ổn định, có nghĩa là giá trị của nó không thay đổi nhiều so với một số tài sản trong thế giới thực ổn định. Nó được hỗ trợ bởi tiền và các khoản tương đương thực tế, được nắm giữ bởi những bên giám hộ được lựa chọn bởi Hiệp hội Libra.

Biệt đội siêu anh hùng Facebook với 2,38 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng, kết hợp với 1,5 tỷ người dùng của WhatsApp, sẽ cung cấp cơ sở người dùng khởi đầu hùng hậu cho Libra.
Tham vọng tiền ảo Facebook ảnh 1
Nhưng lịch sử đã chỉ ra rằng, đôi khi ngay cả một người khổng lồ như Facebook cũng không đủ để thúc đẩy sự chấp nhận của người dùng. Do đó, Facebook đã hợp tác với nhiều tập đoàn từ tài chính và bán lẻ, cũng như một số tổ chức phi lợi nhuận, để thúc đẩy sự chấp nhận của người dùng, để thấy rằng Libra không phải là một dự án của Facebook mà giống như dự án toàn cầu. Chẳng hạn về thanh toán có Mastercard, Visa và PayPal. Về bán lẻ và công nghệ có sự tham gia của Uber, Spotify và gã khổng lồ thương mại điện tử eBay cũng có mặt. 
Phó Chủ tịch hoạt động của Calibra, lưu ý Libra là một sản phẩm blockchain hoàn toàn mới và khác biệt với các dự án blockchain trước đây. Blockchain Libra dựa trên giao thức HotStuff, được VmWare ra mắt vài tháng trước. Vì quá mới, cho đến nay chưa thể nói chính xác về điểm mạnh và điểm yếu của nó so với các dự án blockchain khác. Nhưng dưới đây là một vài điểm quan trọng.
Chẳng hạn Libra sử dụng cây Merkle để lưu trữ toàn bộ lịch sử sổ cái và mô hình đồng thuận chịu lỗi của Byzantine (có nghĩa là nó có khả năng chống lại tới 1/3 mắt xích trong mạng bị lỗi hoặc không trung thực). Một ưu điểm khác không giống như Bitcoin, vốn đòi hỏi sức mạnh tính toán to lớn để chạy, Libra không sử dụng thuật toán đồng thuận.
Điều này có nghĩa là việc chạy Libra sẽ không lãng phí một lượng năng lượng khổng lồ.
Tuy nhiên, Libra sẽ khởi đầu như một blockchain có kiểm soát và từ từ chuyển sang blockchain phi kiểm soát.
Điều này rất quan trọng, bởi Bitcoin và Ethereum là các mạng phi kiểm soát, có nghĩa là bất kỳ ai cũng có thể tham gia và vận hành một mắt xích, trở thành một phần của cơ sở hạ tầng của blockchain nếu liên kết với Libra.
Nói tóm lại, Libra sẽ không phải là một đồng tiền phi tập trung khi ra mắt. Trong khi đó, chính tính phi tập trung đã làm nên tên tuổi của các loại tiền ảo như Bitcoin và Ether, khiến các đồng tiền này khác với những đồng tiền có chủ quyền (tập trung) của các nước. 

Thách thức với các nhà chức trách
Một phần đáng kể trong số phận của Libra sẽ thuộc về các nhà hoạch định chính sách toàn cầu. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nói rằng, Facebook có thể tự do phát hành một công cụ giao dịch, nhưng Libra không nên thay thế các loại tiền có chủ quyền, với lý do có thể được sử dụng để tài trợ cho khủng bố.
“Chủ quyền phải giữ trong tay các quốc gia, chứ không phải các công ty tư nhân đáp ứng lợi ích riêng tư” - ông Le Maire nói. Ông cho biết sẽ yêu cầu các thống đốc ngân hàng trung ương của các nước G-7 chuẩn bị một báo cáo về những gì đảm bảo yêu cầu từ Facebook, để tránh những rủi ro như vậy trước cuộc họp của các bộ trưởng tài chính dự kiến vào giữa tháng 7 ở Chantilly, phía Bắc Paris.
Các nhà lập pháp Mỹ kêu gọi điều trần về các kế hoạch tiền điện tử của Facebook, các đảng viên Dân chủ và Cộng hòa trong Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện đã đặt câu hỏi về động thái này. Chủ tịch Hội đồng điều hành, nghị sĩ Maxine Waters, đã yêu cầu nhà mạng xã hội tạm dừng dự án cho đến khi Quốc hội và các nhà quản lý kiểm tra những vấn đề này và có hành động thích hợp.
Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC), nhà giám sát của Phố Wall, đã nổi lên như là người điều hành mạnh mẽ nhất các dự án tiền điện tử của Mỹ, nhưng quyền hạn của nó chỉ bao gồm các tài sản được coi là chứng khoán. Điều đó có nghĩa là các khoản đầu tư được thực hiện với kỳ vọng lợi nhuận. Giá trị đầu tư cũng phải được gắn với một doanh nghiệp hỗ trợ và tìm cách tăng tiền bằng cách bán nó.

Các tin khác