Tạo thêm động lực cho chương trình kết nối NH-DN

(ĐTTCO) - Doanh nghiệp (DN) Việt Nam hầu hết là DN nhỏ và vừa (DNNVV), với điểm yếu là thiếu vốn, thiếu công nghệ, trang thiết bị, nguồn nhân lực, nhưng khó khăn lớn nhất là tiếp cận vốn NH.

 Đến nay dù từng bước được tháo gỡ thông qua chương trình kết nối NH-DN, song trao đổi với ĐTTC, ông TRẦN VIỆT ANH, Chủ tịch Hiệp hội DN quận Thủ Đức, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, cho rằng cần cải tiến để hỗ trợ các DNNVV.

PHÓNG VIÊN: - Là người theo suốt chương trình kết nối NH-DN từ những ngày đầu, ông nhận định như thế nào về hiệu quả của chương trình này đối với các DNNVV trên địa bàn TPHCM?
Ông TRẦN VIỆT ANH: - Cách đây hơn 10 năm, DNNVV đều quan niệm NH và DN là 2 thành phần khác biệt, không chung một sân chơi, sân chơi của NH chỉ có những DN nhà nước và DN tư nhân lớn. Với DNNVV nếu có được mối quan hệ với lãnh đạo NH mới dám nghĩ đến chuyện vay vốn. Quen được lãnh đạo NH giống như trong kinh doanh quen được một khách hàng VIP. Nhiều DNNVV khi xây dựng kế hoạch kinh doanh đều đưa vấn đề xây dựng mối quan hệ với các NH vào mục tiêu chiến lược. Bởi lẽ tín dụng là nguồn duy nhất và khi không tiếp cận được sẽ không phát triển hoạt động. Trong khi đó các DN lớn cảm thấy dễ dàng khi vay vốn, nên đầu tư tràn lan và không tập trung vào sản phẩm cốt lõi. Đã có thời gian một số DN ngành nhựa đi kinh doanh bất động sản, DN kinh doanh thực phẩm đi trồng đậu phộng… Đến khi xảy ra khủng hoảng kinh tế năm 2008, nhiều DN không trụ được, rất nhiều thương hiệu lớn đã rời khỏi thị trường sau hàng chục năm tồn tại. Khi những DN này ra đi, những khoản nợ vẫn còn ở lại không trả được, và tình hình các NHTM cũng không sáng sủa hơn. Từ đó NH trở nên khắt khe hơn với DN, khiến cộng đồng DN gặp nhiều khó khăn và đặc biệt là DNNVV càng khó tiếp cận vốn hơn. 
 Hiện các nước trong khu vực như Malaysia, Indonesia lãi suất trung và dài hạn chỉ 5-7%/năm đối với vay nội tệ và ngoại tệ của ASEAN là 3-4%/năm. Đặc biệt tại Thái Lan, những DN ngành nhựa có giấy chứng nhận sản xuất sản phẩm công nghệ cao phục vụ cho sản phẩm iPhone còn được vay với lãi suất chỉ 0,1%/năm.

Trong thời điểm đó, sáng kiến kết nối NH-DN của NHNN và UBND TPHCM được đưa ra khiến các hiệp hội, các DNNVV còn không tin nổi, thậm chí rụt rè, e ngại không dám tham gia, nhưng sau khi nhiều DN được ký kết, giải ngân vốn thật sự đã tạo niềm tin cho các DNNVV.
Là Chủ tịch Hiệp hội DN Thủ Đức thuộc vùng ven, tôi cũng tham gia nhiều buổi ký kết quận Thủ Đức, quận 2, quận 9 và nhận thấy nguồn vốn giải ngân rất lớn. Điều này cho thấy NH đã đi tìm DN, trở thành bạn của DN và các DNNVV hiện giờ cũng xem NH như là DN chứ không xa cách như trước. Hơn nữa, NH không chỉ có vốn mà còn có công nghệ hiện đại, nên khi vay vốn DNNVV còn được hỗ trợ tiếp cận kiến thức, kỹ năng hoạt động, nhất trong vấn đề thương mại quốc tế. 
- Vậy theo ông DNNVV mong muốn NHNN tháo gỡ thêm một số vấn đề vướng mắc để có điều kiện tiếp cận vốn như thế nào?
- Thứ nhất là tháo gỡ vấn đề nợ xấu của DNNVV, đây là thực trạng khiến các DN nhỏ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận NH. Lấy đơn cử năm 2015 có 1 DN cơ khí chế tạo máy chế tạo thiết bị sản xuất bánh kẹo không qua nhập khẩu, có khoản nợ 80 triệu đồng mà không trả được và bị đưa vào danh sách những DN bị nợ xấu tại Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC).
Cũng trong năm 2015, DN này đã cố gắng trả hết khoản nợ cả gốc và lãi nhưng tên DN trong danh sách nợ xấu không được gỡ xuống, vì theo quy định lịch sử tín dụng của DN có nợ xấu, dù chỉ là số tiền nhỏ và đã hoàn thành trả nhưng 5 năm sau mới bị xóa. Như vậy phải đến năm 2020 mới xóa được, và trong thời gian này DN đang có điều kiện phát triển sản xuất, có nhu cầu vay vốn cũng không NH nào kết nối, hỗ trợ được.
Tạo thêm động lực cho chương trình kết nối NH-DN ảnh 1
Thứ hai là về lãi suất. Mức lãi suất áp dụng cho vay ngắn hạn hiện tại đối với ngoại tệ 3,5%/năm và VNĐ 6,5%/năm là chấp nhận được. Tuy nhiên, lãi suất trung và dài hạn cần được xem xét. Hiện nay DNNVV rất cần thay đổi, đầu tư để cạnh tranh vì các DN từ các nước lân cận bắt đầu chuyển hoạt động sang Việt Nam. Như tại Trung Quốc, giá tiền điện đang gấp đôi Việt Nam, lương công nhân thấp nhất 3.000 nhân dân tệ/tháng, tương đương 10 triệu đồng, nên họ đang hướng đến Việt Nam vì giá điện và nhân công rẻ.
Mới đây một đoàn gồm 200 DN từ Quảng Đông đã đến thăm và cho biết các nhà máy của họ tại Trung Quốc đang bắt đầu đóng cửa, họ đến đây với mục đích tìm đầu mối mở nhà máy và thuê nhân công. Kể cả các DN Thái Lan cũng đang có xu hướng này. Do đó, nếu không đổi mới công nghệ, đổi mới đầu tư kịp thời, khi các DN nước ngoài tràn vào, các DN Việt Nam sẽ rất khó khăn. Song muốn đổi mới, đầu tư cần phải có tiền, nhưng mức lãi suất trung hạn 8-10%/năm như hiện nay khá cao nhiều DN chưa dám đầu tư đổi mới. 
- Chương trình kết nối NH-DN trên địa bàn TPHCM những năm qua đã hỗ trợ được DNNVV trong mọi lĩnh vực tiếp cận vốn, nhưng điểm nhấn của chương trình năm 2017 là sẽ tập trung cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; DN mới chuyển đổi từ hộ sản xuất, kinh doanh thành DN và DN khởi nghiệp. Ông nhận định như thế nào khi chương trình xác định đối tượng cụ thể như vậy?
- Chương trình kết nối NH-DN đã thực hiện tốt suốt 5 năm qua bây giờ nên bắt đầu đi vào chuyên đề như vậy. Chúng ta cũng có thể kết nối NH-DN cho những DN chuyên làm rau sạch, hay cho những DN chuyên làm sản phẩm phụ trợ cho ngành điện thoại hoặc may mặc.
Mỗi năm Việt Nam nhập hàng tỷ đồng nguyên phụ liệu cho ngành may, những chương trình hỗ trợ khuyến khích DN phát triển những ngành nghề như vậy là rất cần thiết. Trước đây, NHTM thông qua chính quyền để ký kết các hợp đồng cho vay, thì khi đi vào chuyên đề có thể thông qua các tổ chức hiệp hội ngành nghề để “chọn mặt gửi vàng”, đúng nơi đúng chỗ, giúp DN tiếp cận được nguồn vốn tín dụng.
Bởi hiện có rất nhiều DN nhỏ có sản phẩm rất sáng tạo nhưng lại đang phải vay người này, vay người kia để hoạt động. Nếu không hỗ trợ tín dụng, những ý tưởng sáng tạo của họ sẽ không phát triển được, hoặc bị các DN nước ngoài mua hết.
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác