Tăng vốn, tăng áp lực

Không chỉ các NH phải thực hiện lộ trình tăng vốn lên mức 3.000 tỷ đồng cuối năm nay theo yêu cầu của NHNN, mà ngay cả NH có vốn điều lệ cao vẫn đưa ra kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn tại đại hội cổ đông năm nay. Tăng vốn là cần thiết nhưng sẽ tăng thêm áp lực trong bối cảnh kinh doanh khó khăn hiện nay.

Không chỉ các NH phải thực hiện lộ trình tăng vốn lên mức 3.000 tỷ đồng cuối năm nay theo yêu cầu của NHNN, mà ngay cả NH có vốn điều lệ cao vẫn đưa ra kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn tại đại hội cổ đông năm nay. Tăng vốn là cần thiết nhưng sẽ tăng thêm áp lực trong bối cảnh kinh doanh khó khăn hiện nay.

Nâng cao năng lực tài chính

Tính đến đầu năm 2011, vẫn còn khoảng 10 NH cổ phần buộc phải hoàn thành mục tiêu tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng vào cuối năm nay. Đây là áp lực lớn khi những NH này không còn cửa lùi trong bối cảnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng dưới 20% đang đè nặng lên chỉ tiêu tăng vốn và lợi nhuận.

Tuy nhiên, vẫn có NH dù đã hoàn thành kế hoạch tăng vốn theo quy định của NHNN vẫn tiếp tục tăng vốn. Tại ĐHCĐ của Việt Nam Tín Nghĩa NH vào cuối tuần qua, NH đã trình phương án tăng vốn điều lệ từ 3.399 tỷ đồng lên 4.588 tỷ đồng bằng việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phần. Giải thích lý do tăng vốn, NH này cho biết nhằm đáp ứng tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo Thông tư 13 của NHNN.

Nhiều NH chịu áp lực sử dụng nguồn vốn tăng thêm hiệu quả trong bối cảnh thị trường khó khăn. Ảnh: LÃ ANH

Nhiều NH chịu áp lực sử dụng nguồn vốn tăng thêm hiệu
quả trong bối cảnh thị trường khó khăn. Ảnh: LÃ ANH

NH sẽ dùng vốn điều lệ tăng thêm để đầu tư vào lĩnh vực có hệ số rủi ro thấp, tính thanh khoản cao như trái phiếu chính phủ, giấy tờ có giá khác do Chính phủ và NHNN phát hành. Ngoài ra, NH phải tăng dự trữ tiền mặt đáp ứng quy mô mạng lưới ngày càng mở rộng, đầu tư công nghệ và tăng nhu cầu cho vay đầu tư.

Trong ĐHCĐ vừa qua, TrustBank cũng đưa ra kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng vào cuối năm 2011, trong đó dùng 2.000 tỷ đồng tăng thêm để mở rộng mạng lưới, đầu tư công nghệ, kinh doanh dịch vụ thẻ và góp vốn thành lập công ty trực thuộc.

Ông Hoàng Văn Toàn, Chủ tịch HĐQT TrustBank, cho biết hiện nay NH phải huy động vốn trên thị trường 2 (liên NH) khoảng 3.000 tỷ đồng, với lãi suất nhiều thời điểm lên đến 23-24%/năm. Điều này làm tăng mạnh chi phí vốn của NH. Vì thế việc tăng vốn điều lệ sẽ giúp NH giảm mạnh vốn vay trên liên NH và có vốn để kinh doanh. Hoặc như DongABank, dù vốn điều lệ đã khá cao, nhưng ĐHCĐ vừa qua cũng đưa ra kế hoạch tăng từ 4.500 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng.

NH này cho biết việc tăng vốn điều lệ là cần thiết để tiếp tục tăng năng lực cạnh tranh, mở rộng mạng lưới hoạt động và nâng cấp 18 phòng giao dịch tại các tỉnh, thành trên cả nước. Một số NH như HDBank, Sacombank, VietinBank… cũng đưa ra kế hoạch tăng vốn trong năm nay.

Áp lực sinh lời trên đồng vốn

Có thể thấy những lý do tăng vốn của các NHTM đều chính đáng, nhưng làm thế nào để sử dụng nguồn vốn tăng thêm một cách hiệu quả trong bối cảnh thị trường năm nay được dự báo rất khó khăn. Ông Đặng Đức Toàn, Tổng giám đốc WesternBank, cho biết việc sử dụng nguồn vốn tăng đang gặp thách thức lớn do NHNN siết chặt tăng trưởng tín dụng dưới 20%. 

Tổng dư nợ năm ngoái của WesternBank là 4.500 tỷ đồng, nếu tăng trưởng tín dụng năm nay dưới 20% so với năm ngoái, khoản tăng thêm chỉ được 900 tỷ đồng, dưới mức 1.000 tỷ đồng của kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm nay. Cũng theo ông Toàn dù khó khăn nhưng NH vẫn phải thực hiện theo quy định của NHNN về dư nợ cũng như lộ trình tăng năng lực tài chính.

Hơn nữa, hiện nay muốn cho vay NH phải chọn lựa khách hàng tốt vì rủi ro cho vay rất cao. Vấn đề đặt ra cho ban điều hành NH là làm thế nào đảm bảo tỷ lệ chia cổ tức cho cổ đông không quá thấp. Muốn vậy NH phải tăng tối đa hiệu quả sử dụng vốn và phát triển mạnh dịch vụ.

Thực tế khi NH đưa ra kế hoạch tăng vốn, nhiều cổ đông tỏ ra không hào hứng dù giá phát hành chỉ bằng mệnh giá. Nhiều cổ đông cho rằng việc mở rộng mạng lưới là cần thiết nhưng cũng không cần thiết phải chạy đua với các NH khác bằng mọi giá. Vấn đề là NH cần nâng cao chất lượng hoạt động ở những điểm giao dịch hiện tại, bởi trong bối cảnh cổ phiếu NH mất tính thanh khoản, giá thấp, cổ đông không mấy quan tâm đến kế hoạch tăng vốn.

Tuy nhiên, cũng có nhiều cổ đông cho biết sẽ ủng hộ kế hoạch tăng vốn vì mục tiêu phát triển lâu dài của NH. Các cổ đông này đưa ra yêu cầu NH phải phấn đấu đưa cổ tức tăng lên ít nhất cũng bằng tiền gửi tiết kiệm bù lại cho dòng vốn đầu tư của họ tại NH.

Tại ĐHCĐ của Việt Nam Tín Nghĩa NH, cổ đông Nguyễn Dũng đồng tình với kế hoạch tăng vốn nhưng cho rằng trong thu nhập của NH vẫn còn nặng về tín dụng và thiếu những sản phẩm dịch vụ để gia tăng lợi nhuận. Theo ông Dũng nếu NH chỉ chăm bẵm vào cho vay sẽ gặp nhiều rủi ro.

Ông Vũ Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Việt Nam Tín Nghĩa NH, cho biết nguồn thu vẫn chủ yếu từ tín dụng nên NH cũng phấn đấu tăng thu dịch vụ từ 8,8% trong năm 2010 lên 10,8% trong năm 2011. Tuy nhiên, ông Thành thừa nhận muốn làm dịch vụ tốt đòi hỏi NH phải đầu tư công nghệ, đa dạng dịch vụ, có hệ thống khách hàng truyền thống lớn... Chưa kể có những dịch vụ như kinh doanh ngoại hối, vàng lợi nhuận có thể cao nhưng rủi ro cũng không nhỏ, nếu không tính toán cẩn trọng, lỗ lớn là điều khó tránh khỏi.

Các tin khác