Tăng sức cho thị trường ngoại hối

Sau một loạt giải pháp được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) triển khai từ tháng 4 đến nay, thị trường ngoại hối có nhiều chuyển biến tích cực.

Sau một loạt giải pháp được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) triển khai từ tháng 4 đến nay, thị trường ngoại hối có nhiều chuyển biến tích cực.

Đến nay, trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng thương mại được cải thiện, tâm lý thị trường ổn định, thị trường ngoại tệ tự do được kiểm soát chặt chẽ.

Theo báo cáo mới đây của NHNN, trong tháng 5 và tháng 6, lượng ngoại tệ các ngân hàng thương mại mua được lớn hơn nhiều so với lượng ngoại tệ bán ra. Tuy nhiên, như nhận định của nhiều chuyên gia, để thị trường ngoại hối thực sự ổn định, vẫn cần những giải pháp dài hơi hơn.

Vì thế, các giải pháp mới sắp triển khai được kỳ vọng là động lực để tiếp tục bình ổn, củng cố thị trường ngoại hối thời gian tới. Trong đó, kết hối ngoại tệ đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước được coi là cơ chế hiệu quả để khắc phục tình trạng găm giữ ngoại tệ - vốn là một trong những nguyên nhân gây biến động thị trường.

Theo Thông tư 13 của NHNN, từ ngày 1-7 các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước (bao gồm doanh nghiệp thành viên có vốn nhà nước trên 50%) sẽ phải thực hiện nghĩa vụ bán ngoại tệ cho ngân hàng. Việc mở rộng đối tượng doanh nghiệp phải bán ngoại tệ cho ngân hàng (so với Thông tư 26 trước đây của NHNN chỉ gồm 7 tập đoàn và tổng công ty nhà nước) sẽ tạo nguồn cung lớn để ổn định thị trường ngoại hối, giảm áp lực lên tỷ giá.

Theo ước tính của một số chuyên gia, sau khi Thông tư 13 có hiệu lực, nguồn ngoại tệ các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải bán cho ngân hàng khoảng 6-8 tỷ USD. Có thể, đây sẽ là thời cơ để NHNN tiếp tục mua ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối quốc gia. Theo nguyên lý, để làm điều này phải có nguồn cung VNĐ tương ứng bơm ra thị trường.

Kịch bản này đặt ra nhiều băn khoăn: liệu có gây áp lực lên lạm phát và chiều hướng của tỷ giá VNĐ/USD sẽ ra sao? Đương nhiên, đây là bài toán tổng thể sẽ được cơ quan điều hành chính sách tiền tệ là NHNN giải đáp. Cụ thể phải bơm và hút lượng VNĐ ra khi mua ngoại tệ một cách hài hòa, đồng thời có giải pháp để tỷ giá không xảy ra đột biến.

Đầu tháng 6, khi tiến hành mua ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu từng giải thích: NHNN có trong tay nhiều công cụ chính sách, nghiệp vụ để chủ động điều tiết lượng tiền cung ứng ở từng thời điểm, nên không cần quá lo ngại việc mua ngoại tệ sẽ ảnh hưởng tới lạm phát. Tuy nhiên, khi lượng cung ngoại tệ tăng đột biến, vẫn cần phải có những phương án ứng phó linh hoạt và chủ động để tránh các tình huống xấu có thể xảy ra.

Ở phía ngược lại của vấn đề, việc kết hối ngoại tệ của các doanh nghiệp nhà nước có được thực hiện đúng theo quy định là điều không đơn giản. Thực tế trước đây khi thực hiện Thông tư 26, 7 tập đoàn và tổng công ty nhà nước bán ngoại tệ cho ngân hàng đạt kết quả rất thấp. Các doanh nghiệp này chỉ bán “lấy lệ” và tình trạng găm giữ ngoại tệ vẫn diễn ra phổ biến.

Để Thông tư 13 thực sự có hiệu quả, cần có những quy định rõ ràng nhằm giám sát số lượng bán, mua, mức giá cũng như cơ chế kiểm tra tài khoản tiền gửi ngoại tệ của doanh nghiệp… để tránh tình trạng “đầu voi đuôi chuột” như từng xảy ra khi thực hiện Thông tư 26.

Một thông tin khá mới: từ ngày 1-7, một cuộc kiểm kê tài sản quy mô lớn nhất từ trước tới nay đối với các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trực thuộc các tập đoàn và tổng công ty sẽ được Bộ Tài chính thực hiện. Kết quả kiểm kê sẽ góp phần hỗ trợ đắc lực cho ngành ngân hàng trong việc thực hiện cơ chế mua ngoại tệ từ các doanh nghiệp nhà nước.  

Bên cạnh cơ chế kết hối, định hướng giảm giới hạn trạng thái ngoại tệ của các tổ chức tín dụng cũng được đưa ra, đó là điều chỉnh chính sách để phù hợp hơn với thực tế. Đầu tuần này, NHNN đã công bố dự thảo thông tư quy định về trạng thái ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo dự thảo này, tổng trạng thái ngoại tệ dương và âm của các tổ chức tín dụng không được vượt quá 20% vốn tự có, giảm 10% so với quy định hiện hành (±30% vốn tự có).

Ngoài hạn chế khả năng đầu cơ, việc thu hẹp trạng thái ngoại tệ của các tổ chức tín dụng là cần thiết để giúp giải phóng lượng ngoại tệ bị “đọng” ở những ngân hàng tích trữ quá lớn, đưa vào lưu thông, góp phần ổn định tỷ giá. Cùng với kết hối ngoại tệ, việc điều chỉnh trên sẽ góp phần tạo sự cộng hưởng của chính sách để củng cố, bình ổn thị trường ngoại hối.

ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH

Các tin khác