Tăng nóng tín dụng tiêu dùng

(ĐTTCO) - Hiện nay thị trường tài chính tiêu dùng nước ta có quy mô khoảng 26,5 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng rất nhanh. 
Theo đó tỷ trọng tiêu dùng chiếm đến 78% GDP, tương đương 3,8 triệu tỷ đồng, cao hơn cả Hoa Kỳ và nhiều nước châu Âu. Điều này xem ra không bình thường đối với một nước đang phát triển như Việt Nam.
Lo ngại biến tướng

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính - NH, cần xem xét lại thành tựu trong những năm qua về tín dụng tiêu dùng. Cụ thể hoạt động cho vay tiêu dùng thời gian qua chủ yếu mua nhà và ô tô, không tạo ra thanh khoản thực sự trên thị trường. Do đó, nếu không giám sát chặt chẽ tín dụng tiêu dùng sẽ biến tướng.
“Phải phát triển tín dụng tiêu dùng một cách bài bản, ít nhất là dạng kinh doanh có điều kiện, có đăng ký, kế toán, nộp thuế, giám sát...”. TS. Nghĩa nhấn mạnh. 

Từ góc độ luật pháp, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO, nhìn nhận cho vay tiêu dùng phát triển góp phần giảm cho vay nặng lãi, tín dụng đen. Hiện có 3 kênh chính cho vay tiêu dùng là cầm đồ, tín dụng đen; NH, quỹ tín dụng nhân dân; công ty tài chính. Trong đó, tín dụng đen hoạt động bất hợp pháp, còn tại các NH lại quy định điều kiện vay rất chặt chẽ. Do đó, phát triển mô hình công ty tài chính tiêu dùng sẽ góp phần hạn chế nạn cho vay nặng lãi, dù tính cạnh tranh của các công ty này chưa cao.
Hiện cả nước có 5-6 công ty cho vay tiêu dùng song chỉ có 3-4 công ty hoạt động khá tốt. Tuy nhiên, người vay cần lưu ý khi tiếp cận dịch vụ tín dụng tiêu dùng, cần đọc kỹ những điều khoản về lãi suất, thời hạn vay, điều kiện vay, công thức tính toán... trong hợp đồng nhằm tránh những phiền phức không đáng có khi trả lãi vay. 

Ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách chiến lược, NHNN, cho biết lĩnh vực cho vay tiêu dùng tại Việt Nam trong 5 năm trở lại đây đã tăng trưởng vượt bậc, xuất phát cả từ phía cung và cầu. Tuy nhiên sự bùng nổ cho vay tiêu dùng cũng đang đặt ra nhiều thách thức đối với cơ quan quản lý nhà nước.
Cuộc khủng hoảng thẻ tín dụng tại Hàn Quốc năm 2003 khi hệ thống NH đổ xô cho vay tiêu dùng vào năm 2000, là thí dụ điển hình về nguy cơ tăng trưởng quá nhanh của hoạt động cho vay tiêu dùng, mà Việt Nam cần rút kinh nghiệm.

Khi vay tiêu dùng cần đọc kỹ các điều khoản. 

Hành lang pháp lý bảo vệ người vay

Về hành lang pháp lý với tín dụng tiêu dùng, ông Nguyễn Tú Anh cho biết từ năm 2016 NHNN đã ban hành Thông tư 39/2016 và Thông tư 43/2016 điều chỉnh hoạt động cho vay, trong đó có cho vay tiêu dùng. Đây không chỉ là hành lang pháp lý tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng (TCTD) hoạt động, mà còn bảo vệ người vay, như quy định về minh bạch lãi suất, đưa ra hạn mức vay…
Tuy vậy, vẫn cần có thêm công cụ bảo vệ khách hàng - cũng chính là để bảo vệ TCTD. Bởi thị trường cho vay tiêu dùng sẽ tiếp tục phát triển mạnh thời gian tới, đối tượng khách hàng cho vay tiêu dùng cũng sẽ được mở rộng. Trong đó có nhiều khách hàng với kiến thức ít ỏi về pháp luật và tài chính sẽ rất dễ tổn thương trước các hoạt động cạnh tranh cho vay tiêu dùng. Điều này đòi hỏi phải tăng cường bảo vệ người đi vay và lợi ích chính đáng của người cho vay.

Một chuyên gia ngành NH cũng thừa nhận, mức lãi suất cho vay của công ty tài chính thoáng nhìn có vẻ cao, nhưng xét về bản chất đã đáp ứng phân khúc nhóm khách hàng này cũng như là kênh chính thức do Nhà nước quản lý, có thu nhập và đóng thuế, thay vì để nhóm khách hàng tiếp cận kênh tín dụng đen mang đến nhiều rủi ro.
Có nhiều nguyên nhân khiến lãi vay tiêu dùng của các công ty tài chính thường cao hơn NHTM. Thứ nhất, đối tượng khách hàng phục vụ và phương thức hoạt động của công ty tài chính tiêu dùng khác so với NHTM, dẫn đến mức độ rủi ro của khoản vay cũng khác nhau. Các công ty tài chính tiêu dùng thường cung cấp các khoản vay nhỏ, không tài sản đảm bảo, phục vụ nhu cầu mua sắm trang thiết bị gia đình, xe máy, tiền mặt phục vụ nhu cầu đột xuất… thủ tục nhanh chóng, thuận tiện. 

Thứ hai, mức độ rủi ro cao nên phần bù rủi ro trong yếu tố cầu thành lãi suất tăng cao. Thứ ba, chi phí vốn đầu vào cao của các công ty tài chính tiêu dùng xuất phát từ việc họ phải hoạt động bằng vốn tự có, cộng với phát hành trái phiếu cho các pháp nhân là người mua, đi vay các NHTM, không được trực tiếp huy động vốn từ dân cư.
Cuối cùng, chi phí hoạt động tính ra trên một khoản vay của các công ty tài chính tiêu dùng khá cao vì khoản vay giá trị nhỏ, kỳ hạn vay ngắn 6-18 tháng. Bên cạnh đó, các chi phí  thu hồi nợ, quản lý, phí phục vụ đều cao hơn bình thường… dẫn đến các công ty tài chính tiêu dùng buộc phải áp dụng mức lãi suất cao.

Các tin khác