Tận dụng lợi thế đồng vốn

(ĐTTCO) - Vay vốn, sử dụng vốn để tối ưu hóa lợi ích là điều mà các doanh nghiệp (DN) mong muốn, nhưng vẫn còn nhiều DN chưa biết cách để đồng vốn sinh lợi tốt nhất. 
Xung quanh vấn đề này, ĐTTC ghi lại chia sẻ của bà ĐẶNG THỊ THANH LÊ, Giám đốc cao cấp bán sản phẩm thị trường tài chính, Khối thị trường tài chính VPBank, để cung cấp thêm giải pháp tối ưu hóa lợi từ nguồn vốn sẵn có và vốn vay dành cho các DN xuất nhập khẩu.
Gửi dài, vay ngắn để có lợi

Năm 2011, lãi suất VNĐ trên thị trường liên NH từ kỳ hạn qua đêm cho đến 3 tháng rất cao, có những thời điểm lên trên 45%/năm và bản thân các DN trong thời kỳ này cũng chịu lãi vay rất cao. Lãi suất thị trường tăng cao ngoài sự tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính còn do nội tại nền kinh tế Việt Nam diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là hoạt động của thị trường vàng.
Đến năm 2012, thị trường ổn định sau khi NHNN bắt đầu có sự kiểm soát khắt khe hơn đối với thị trường vàng, trong đó có cấm hoạt động cho vay vàng, huy động vàng trả lãi đối với khách hàng. 

Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài thay vì rút tiền ra khỏi thị trường Việt Nam dưới sự tác động rủi ro tỷ giá và lãi suất đã bắt đầu đầu tư khá nhiều vào thị trường Việt Nam và đã ổn định đến hiện nay. Và đến năm 2016, lãi suất các NH vay lẫn nhau trên thị trường liên NH chỉ xung quanh mức gần 0% cho đến 3%/năm, tức các NH vay lẫn nhau rất rẻ, lãi suất ngắn rẻ hơn lãi suất kỳ hạn dài và thanh khoản thị trường rất tốt. Do đó, năm 2016 các DN cũng được vay với lãi suất rẻ hơn so với những năm trước đó và điều này đang tiếp diễn trong năm nay.

Song song đó, lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) của nền kinh tế Việt Nam cũng dần có sự ổn định. Năm 2011, lợi suất TPCP có sự bất hợp lý khi lợi suất kỳ hạn 1 năm lại cao hơn kỳ hạn 5 năm. Đến năm 2014-2015, lợi suất TPCP đã giảm dần và trở về đúng nguyên tắc của thị trường, lợi suất kỳ hạn ngắn thấp hơn kỳ hạn dài. Trong năm 2014, TPCP kỳ hạn 10 năm cũng đã được phát hành thành công với lãi suất xung quanh mức 6%/năm.
Năm 2017, phát hành thành công TPCP kỳ hạn 30 năm, ban đầu chỉ có các công ty bảo hiểm mua nhưng hiện nay các NH đã bắt đầu tham gia. Hiện lợi suất TPCP kỳ hạn 15 năm xoay quanh mức 6%/năm, kỳ hạn 30 năm chỉ xoay quanh mức 6,5%/năm. Diễn biến này cho thấy, lãi suất VNĐ sẽ ổn định ở mức thấp không chỉ về ngắn hạn mà về dài hạn cũng tiếp tục ổn định. Như vậy, DN cũng sẽ được vay VNĐ với lãi suất rẻ.  Trong bối cảnh như vậy, các DN xuất khẩu có nguồn tiền tốt có thể gửi dài, vay ngắn bằng cách chuyển USD sang VNĐ gửi tiền kỳ hạn 13 tháng, 18 tháng và vay USD hoặc VNĐ kỳ hạn 3 tháng hoặc 6 tháng để tối ưu lợi ích. Thông thường, các DN xuất khẩu Việt Nam có xu hướng thu USD về để đó chờ giá cao bán, nhưng từ đầu năm đến nay giá lại không cao. Song theo dự báo tỷ giá USD/VNĐ của Bloomberg tính theo trung bình dự báo của các định chế tài chính nước ngoài, tỷ giá tại Việt Nam vào quý III-2017 đạt 22.800 đồng/USD và đến quý IV đạt 22.950 đồng/USD. 
Tận dụng lợi thế đồng vốn ảnh 1 Ảnh minh họa: LONG THANH 
Quản trị chi phí vốn
Từ năm 2010 đến nay, lãi suất USD trên thị trường liên NH trong xu hướng giảm, lãi vay USD trên liên NH hiện quanh mức 1-2,5%/năm và thanh khoản USD rất tốt. Trong thời gian gần đây, bắt đầu có đề nghị huy động USD với mức lãi suất tương đối thay vì huy động với lãi suất 0%. Nếu NHNN mở rộng việc huy động ngoại tệ và có cơ chế rõ ràng sẽ tiếp tục hỗ trợ thanh khoản cho các DN xuất khẩu vay USD với lãi suất rẻ hơn 2-3 lần.  Tuy nhiên, khi vay USD, các DN phải lưu ý việc bảo vệ rủi ro tỷ giá. Nếu tỷ giá hôm nay ở mức 22.725 đồng/USD nhưng lô hàng trị giá 1 triệu USD trong 3 tháng nữa mới giao hàng, DN xuất khẩu nên chốt trước tỷ giá cho nguồn thu về sau 3 tháng. Trước đây, tâm lý người Việt Nam không nghĩ tỷ giá giảm nên không bán USD trước. Nhưng năm nay, tỷ giá từ đầu năm là 22.750 đồng/USD và hiện giá đã giảm xuống xung quanh 22.730 đồng/USD nên chốt bán trước sẽ giảm rủi ro. Với hình thức bán kỳ hạn, nếu NH chốt giá 22.799 đồng/USD, khi đến hạn, dù tỷ giá thấp hơn mức này, NH vẫn thu vào với giá đã chốt.
Đối với khách hàng nhập khẩu, nếu nghĩ rằng đến cuối năm tỷ giá tăng, DN nhập khẩu nên mua trước để đến cuối năm tỷ giá tăng NH vẫn giữ giá bán đã chốt trước. Để mua bán kỳ hạn, DN chỉ cần đặt cọc 1 khoản tiền tại NH và sẽ được trả lại khi DN bán USD thật cho khách hàng. Đó là nghiệp vụ kỳ hạn, giúp DN hiện thực hóa được giá thành sản phẩm bán hàng. 

Ngoài ra, hiện một số DN có khả năng cũng đang sử dụng công cụ đầu tư tài chính để tăng thu nhập. Như một tập đoàn có tiếng trong ngành nông sản và xuất nhập khẩu có doanh thu tại thị trường Việt Nam là 780 triệu USD trong năm 2016 đang thu mua được rất nhiều nông sản và bán với giá rất rẻ so với các DN khác nhờ việc quản lý chi phí vốn chặt chẽ.
Tập đoàn này thành lập phòng kinh doanh ngân quỹ hoạt động như một NH nhỏ để điều phối vốn, kinh doanh chênh lệch lãi suất giữa thị trường quốc tế và thị trường Việt Nam. Họ vay USD từ nước ngoài với lãi suất khoảng 1%/năm chuyển về nước hoặc vay tài trợ xuất khẩu với lãi suất 3%/năm sau đó chuyển USD thành VNĐ và đầu tư vào trái phiếu DN với lãi suất đến 9%/năm.
Hiện tỷ giá ở mức 22.725 đồng/USD, vậy tính đến cuối năm, biến động tỷ giá khoảng 200 đồng, chưa đến 1% nên giữ USD cũng không có lợi nhiều. Còn nếu bán USD lấy VNĐ, hiệu quả của VNĐ sẽ lên đến 6-7%/năm trong khi biến động tỷ giá chỉ khoảng 1-2%/năm. DN bán USD ngay hoặc bán kỳ hạn sẽ được hưởng thu nhập tài chính và khi cần vốn vay USD sẽ rẻ hơn, tạo ra giá thành hàng hóa tốt hơn.

Các tin khác