Tài chính vi mô - Cơ hội cho người nghèo vẫn không thông

(ĐTTCO) - Tài chính vi mô (TCVM) được xác định là một trong những trụ cột quan trọng, hướng tới phát triển tài chính toàn diện, qua đó góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế Việt Nam bền vững. Tuy nhiên, đến hiện tại hoạt động của các tổ chức TCVM vẫn còn hiện hữu nhiều khó khăn.

 Quy mô còn quá nhỏ
Thế giới đang đứng trước 3 thách thức lớn: nghèo đói, bất bình đẳng, di cư. Dịch vụ tài chính là nền tảng quan trọng để giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu này, là tiền đề hướng tới các mục tiêu phát triển.
Người nghèo cần nhiều loại sản phẩm và dịch vụ tài chính khác nhau (tiết kiệm, bảo hiểm, chuyển tiền, thanh toán và tín dụng), nhưng họ cũng cần được hỗ trợ để có thể tiếp cận các dịch vụ tài chính đó. TCVM là loại hình cung cấp khoản vay nhỏ, hỗ trợ người nghèo phát triển  sản xuất và vươn lên thoát nghèo.
Thực ra việc cung cấp dịch vụ tài chính thường xuyên ngay tại nơi sinh sống của người nghèo/người thu nhập thấp, sẽ hỗ trợ khách hàng có thể tiết kiệm, giúp các hộ gia đình quản lý các nguồn thu chi, tích trữ vốn; đầu tư tài sản và phát triển sản xuất kinh doanh; hỗ trợ kế hoạch tài chính để chủ động trang trải chi phí định kỳ, như học phí, chi phí điện, nước; giảm thiểu những rủi ro phát sinh khẩn cấp như y tế, tử vong, hoặc thiên tai; mang lại những lợi ích tổng thể cho hộ gia đình nghèo và người thu nhập thấp ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và khu vực đặc biệt khó khăn tại Việt Nam.
Tài chính vi mô - Cơ hội cho người nghèo vẫn không thông ảnh 1
Gần 3 thập niên qua, hoạt động TCVM  tại Việt Nam  không ngừng đổi mới, phát triển cả về quy mô, sự đa dạng, có đóng góp khá quan trọng trong việc thực hiện chiến lược tài chính toàn diện của đất nước. Một số TCVM phát triển khá mạnh như Tổ chức vi mô tình thương (TYM), được NHNN cấp phép thành lập và hoạt động năm 2010, đến nay đã có hơn 1,3 triệu lượt khách hàng siêu nhỏ, cá nhân, tổ chức gửi tiền tiết kiệm, tiền gửi  vay vốn với số tiền giải ngân gần 14.000 tỷ đồng, giúp cho hơn 120.000 phụ nữ và hộ gia đình thoát nghèo.
Hay như Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế (MOM) ở tỉnh Tiền Giang, thành lập năm 2010 với thông điệp “MOM đồng hành cùng phụ nữ nghèo cải thiện cuộc sống”. Đến 31-10-2018, MOM đã phát triển trên toàn tỉnh Tiền Giang với 43.800 thành viên vay vốn, dư nợ trên 269 tỷ đồng. Khách hàng vay của MOM chủ yếu để chăn nuôi, trồng trọt (chiếm 73,65% tổng dư nợ), buôn bán nhỏ, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp và các mục đích khác.
Qua 8 năm hoạt động, MOM và dự án TCVM cho phụ nữ nghèo tỉnh Tiền Giang đã hỗ trợ phụ nữ nghèo, khó khăn và phụ nữ có thu nhập thấp với hơn 280.000 khoản vay với số tiền giải ngân trên 1.800 tỷ đồng.
Khó khăn lại quá lớn
Giám đốc một tổ chức TCVM tâm sự, đi đến đâu cũng bị phân biệt đối xử, bị ghẻ lạnh. Điều đó thật không sai. Nói như GS.TS Muhammad Junut, người cha của TCVM với đoàn Việt Nam đầu tiên sang thăm Ngân hàng Grameen của ông, rằng: “Nếu như lá cây rừng của các lục địa trên trái đất này có thể biến thành giấy. Nếu như nước trong các đại dương trên thế giới này có thể biến thành mực. Thì giấy kia và mực nọ cũng không  thể ghi hết những gì mà Grameen Bank đã phải trải qua”. Và thực tế, làm  TCVM ở Việt Nam cho đến nay cũng  vẫn còn nhiều rất nhiều khó khăn liên quan đến nguồn vốn, quy định pháp lý, đối tượng khách hàng, mạng lưới...
Theo đại diện của MOM, tổ chức luôn thiếu vốn hoạt động để phát triển thành viên mới và nâng mức vay cho khách hàng, đặc biệt là dịp tết. Theo quy định tổ chức tài chính nói chung và TCVM nói riêng chỉ được thực hiện các hoạt động huy động vốn:  Nhận tiền gửi bằng đồng Việt Nam dưới các hình thức tiết kiệm bắt buộc; tiền gửi tự nguyện; vay vốn của tổ chức trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, với đối tượng khách hàng nghèo của TCVM thì tiết kiệm và gửi tự nguyện rất ít, còn vay vốn các tổ chức trong nước TCVM  khó vay được  vì không có tài sản thế chấp.  Riêng nguồn nước ngoài là một kênh chủ yếu của các chương trình TCVM được đăng ký (cơ bản các nguồn được chuyển từ tài trợ thành cho vay ưu đãi để đảm  bảo tính hoạt động bền vững). 
Hiện nay, dự thảo vay nợ nước ngoài của Chương trình TCVM dự kiến không được phép thực hiện. Như vậy nếu không có hướng xử lý nút thắt này hoạt động của TCVM ở Việt Nam rất khó khăn, vì theo nhóm Mô hình TCVM bán chính thức (VieED) “đây là vấn đề sống còn của các chương trình TCVM khi được đăng ký”.
Về đối tượng khách hàng, TCVM theo Thông tư 03/2018 của NHNN không có hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình, cá nhân có thu nhập thấp như quy định khách hàng TCVM của Quyết định 20/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đại diện TYM cho rằng nếu không sửa Thông tư 03, TYM có nguy cơ phải đóng cửa do phải giải quyết đầu ra nhóm cho những thành viên không thuộc hộ nghèo, cận nghèo, doanh nghiệp siêu nhỏ.

Các tin khác