Tài chính di động tại Việt Nam có phát triển như Internet?

(ĐTTCO)-Một điểm tích cực là người Việt thể hiện thái độ cởi mở với các phương thức thanh toán mới, là cơ hội cho tài chính di động phát triển ở Việt Nam.
Tài chính di động tại Việt Nam có phát triển như Internet?

Theo ông Nguyễn Triệu Huy, CEO The Disruptive Group, chuyên gia Fintech, tài chính trên thiết bị di động (mobile finance), gọi tắt là tài chính di động, là quan trọng khi mà nhiều người sử dụng điện thoại thông minh để quản lý tài khoản ngân hàng, hay sử dụng dịch vụ thanh toán. 

Kênh thanh toán mới, có tốc độ phát triển nhanh

Tại Việt Nam, theo cập nhật của Vụ Thanh toán của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các phương tiện, dịch vụ thanh toán điện tử tại Việt Nam gần đây đang có xu hướng phát triển mạnh và đa dạng (như thẻ ngân hàng, thanh toán qua điện thoại di động, thanh toán qua Internet,…). Hơn nữa, xu hướng sử dụng điện thoại di động làm phương tiện giao dịch thanh toán trong những năm gần đây đã và đang hỗ trợ các ngân hàng mở rộng mạng lưới tiếp cận tới khách hàng, cho phép ngân hàng cung ứng dịch vụ thanh toán di động.

Đặc biệt, đến nay, tại Việt Nam đã có trên 41 ngân hàng thương mại triển khai cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động với số lượng, giá trị giao dịch tăng trưởng nhanh. Trong 9 tháng đầu năm 2017, số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt trên 90 triệu giao dịch, với giá trị giao dịch đạt trên 423.000 tỷ đồng (tương ứng đạt 93% và 139% so với năm 2016; đạt 153% và 316% so với năm 2015). 

Nắm bắt xu thế phát triển công nghệ thanh toán trên thế giới, một số ngân hàng và công ty công nghệ thông tin, viễn thông tại Việt Nam đã và đang nghiên cứu, hợp tác và đưa vào ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại vào hoạt động thanh toán trên thiết bị điện thoại di động, với việc áp dụng xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt, sinh trắc, sử dụng mã QR Code, Tokenization, thanh toán phi tiếp xúc, công nghệ mPOS,... mang lại tiện lợi và an toàn trong giao dịch thanh toán điện tử.

Với thực tế đó, "thanh toán qua điện thoại di động đang trở thành một xu hướng, kênh thanh toán mới, có tốc độ phát triển nhanh, phát huy hiệu quả, nhất là tại các nước đang phát triển có tỷ lệ người dân tiếp cận với dịch vụ ngân hàng còn thấp."- Vụ Thanh toán nhận định.

Thanh toán đi động, khách chỉ tốn 0,1 USD thay vì 2 USD tại quầy

Ông Nguyễn Triệu Huy, CEO The Disruptive Group, cho rằng tài chính di động không đơn thuần là dịch vụ tài chính mà nó là hạ tầng cho ngành tài chính. Những hạ tầng khi phát triển tới gần giai đoạn bão hoà, chúng sẽ tạo điều kiện cho hạ tầng khác phát triển, từ đó thúc đẩy vòng xoắn tăng trưởng kinh tế lên tầm cao hơn.  

Trong kỷ nguyên số, theo ông Huy, cơ sở hạ tầng số đã có một bước tiến kỳ diệu, phát triển nhanh gấp 5 lần điện hay điện thoại. Nói cách khác, kể cả những quốc gia có tài nguyên hạn hẹp cũng có thể tiếp cận cơ sở hạ tầng Internet nhanh hơn nhiều so với các loại cơ sở hạ tầng khác. 

"Cho đến nay, việc  xây dựng một cơ sở hạ tầng tài chính vẫn rất tốn kém, và đó là lý do vì sao 400 triệu người Đông Nam Á chưa có tài khoản ngân hàng. Đơn giản là một ngân hàng thương mại sẽ không có lãi khi cung cấp dịch vụ tài chính thông qua hệ thống chi nhánh cho khách hàng có thu nhập thấp vì chi phí quá cao, và doanh thu cũng không thể bù đắp. Tuy nhiên, sự thay đổi lớn nhất của ngành tài chính trong thế kỷ 21 chính là tài chính di động. Nếu khách hàng mất 2 USD khi giao dịch tại quầy, họ có thể chỉ tốn 0,1 USD thậm chí ít hơn khi thực hiện qua điện thoại. "- ông Huy phân tích.

Và "dĩ nhiên, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số hiện hữu chính là đòn bẩy quan trọng cho sự phát triển hạ tầng tài chính di động. Vì vậy, không cần bỏ quá nhiều chi phí đầu tư (Capital Expenditure CAPEX), mà chủ yếu là chi phí vận hành (Operating Expense OPEX). Mô hình tài chính di động siêu tăng trưởng này đã xuất hiện ở Trung Quốc  (Ant Financial với trên 500 triệu khách hàng) hay Ấn Độ (Paytm với hơn 250 triệu khách hàng).

Từ thực tế đó, ông Nguyễn Triệu Huy tin tưởng: "Giống như cách Internet đã giúp hàng trăm triệu người tìm thấy cơ hội mới, tài chính di động cũng sẽ nhanh chóng giúp hàng trăm triệu người lần đầu tiên được tiếp cận dịch vụ tài chính. Tài chính di động cũng như Internet - Đây là cơ hội lớn để xây dựng cơ sở hạ tầng khổng lồ với chi phí thấp và nhanh chóng. Và có thể sẽ là lĩnh vực đầu tư tốt nhất trong tương lai." 

Cũng tin tưởng tài chính di động, trong đó có thanh toán di động sẽ phát triển tại Việt Nam, ông Nguyễn Quang Hiền Huy, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc Điều hành ngành hàng Thiết bị Di động Công ty Điện tử Samsung Vina, cho rằng: Một điểm tích cực là người Việt thể hiện thái độ cởi mở với các phương thức thanh toán mới, theo báo cáo của tổ chức Visa mới đây.

Cụ thể, có 9 trên 10 người tiêu dùng sẵn sàng thử các phương thức thanh toán mới, với 88% nói rằng họ rất có thể sẽ sử dụng smartphone để thanh toán, 83% người tiêu dùng Việt cho biết họ sẽ chọn thanh toán không tiếp xúc (nếu có) thay cho tiền mặt. Theo đó, điện thoại thông minh sẽ là công cụ hỗ trợ tích cực người dùng Việt Nam tiếp cận các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt. 

Các tin khác