Tái cấu trúc thị trường tài chính

(ĐTTCO) -Thị trường tài chính (TTTC) đóng vai trò quan trọng, chủ chốt đối với tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô. Luân chuyển vốn thông suốt của khu vực tài chính sang khu vực kinh tế thực, phân bổ vốn hiệu quả vào các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên, có ý nghĩa quan trọng trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, hỗ trợ khu vực tư nhân - động lực chính của tăng trưởng. 

Tái cấu trúc thị trường tài chính ảnh 1  
Đảm bảo cung ứng vốn nền kinh tế
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn biến phức tạp, nền kinh tế toàn cầu đứng trước rủi ro suy giảm tăng trưởng, kinh tế Việt Nam năm 2018 là điểm sáng trong các nền kinh tế mới nổi. Các thành tựu ổn định kinh tế vĩ mô giai đoạn 2016-2017 tiếp tục được duy trì, tăng trưởng đạt mức cao, lạm phát được kiểm soát, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng cao nhờ vào nỗ lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh.
Đóng góp vào những thành công đó, hệ thống tài chính Việt Nam không chỉ đảm bảo tốt chức năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng, phục vụ hiệu quả tái cấu trúc nền kinh tế, mà còn phát triển nhanh, lành mạnh, an toàn.
 TTTC Việt Nam trong giai đoạn tới cần chú trọng đến độ sâu hơn là theo chiều rộng. Một nền tài chính hiện đại sẽ đóng vai trò chủ chốt hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức cao và bền vững, không những thúc đẩy việc luân chuyển dòng vốn thông suốt trong khu vực kinh tế thực, còn phải đảm bảo việc phân bổ hiệu quả nguồn lực tới các ngành ưu tiên phát triển, trở thành kênh huy động, dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế.
Cuối năm 2018, tổng tài sản của các định chế tài chính Việt Nam khoảng 11,4 triệu tỷ đồng, tương đương 203% GDP. Vai trò của các định chế tài chính phi ngân hàng (NH) trong hệ thống tài chính được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng tổng tài sản của các định chế tài chính phi NH đạt bình quân 25%/năm giai đoạn 2016-2018, tăng so với bình quân giai đoạn 2014-2016 (17%/năm).
Mức đóng góp vào cung ứng vốn cho nền kinh tế từ thị trường vốn đang dần gia tăng. Giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu so với GDP tăng từ 32% năm 2015 lên 75% năm 2018, vượt mục tiêu đề ra cho năm 2020. Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) so với GDP tăng gần gấp đôi từ 3,4% năm 2015 lên 6,7% năm 2018, tương tự thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) so với GDP cũng tăng từ 16,1% lên 27%. Giá trị phát hành TPDN trong năm 2018 đạt gần 200.000 tỷ đồng, cho thấy tiềm năng phát triển mạnh trong các năm tới.
Thị trường vốn đóng vai trò không thể thay thế trong công tác cổ phần hóa (CPH), thoái vốn nhà nước tại các DNNN. Trong giai đoạn 2011-2018, cả nước đã CPH hơn 600 DNNN, tổng giá trị thu về cho ngân sách từ bán vốn nhà nước thông qua CPH, thoái vốn đạt khoảng 200.000 tỷ đồng.
Hiệu quả sản xuất kinh doanh, chất lượng quản trị DN của DNNN sau CPH được cải thiện đáng kể. Đối với DN tư nhân, thị trường vốn đã tạo nên kênh huy động vốn linh hoạt, trực tiếp, hiệu quả đối với các nguồn vốn trong xã hội và từ các nhà đầu tư nước ngoài, tạo ra các DN có vốn hóa thị trường hàng tỷ USD như Vingroup, Techcombank…

Những tồn tại và giải pháp
Bên cạnh những thành tựu đạt được, TTTC vẫn tồn tại sự mất cân đối giữa 2 khu vực thị trường tiền tệ và thị trường vốn, theo đó hệ thống TCTD vẫn giữ vai trò chủ đạo trong hệ thống tài chính. Cung ứng vốn từ khu vực NH chiếm tỷ trọng chính trong tổng cung ứng vốn cho nền kinh tế. Tổng tài sản của các TCTD chiếm 96% tổng tài sản toàn hệ thống tài chính.
Tỷ trọng tín dụng trên GDP hiện đã ở mức 1,34 lần, do đó cần được kiểm soát và có lộ trình giảm dần.Trong suốt những năm qua, hệ thống NHTM phải thực hiện vai trò cung ứng vốn cho cả nền kinh tế, nên có thể tạo ra những rủi ro kỳ hạn, rủi ro thanh khoản hệ thống trong dài hạn.
Thị trường cổ phiếu dù cải thiện về quy mô nhưng nguồn vốn đi vào khu vực kinh tế thực thông qua việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) chưa lớn. Thị trường TPDN chưa đáp ứng các chuẩn mực về minh bạch do chưa có tổ chức định mức xếp hạng. Quy mô thị trường TPDN Việt Nam so với GDP (7% GDP) mới bằng 1/3 mức bình quân các quốc gia khu vực châu Á (21% GDP).
Cơ sở hạ tầng TTTC Việt Nam còn nhiều hạn chế, như sản phẩm tài chính còn sơ khai, thiếu đa dạng; cơ sở nhà đầu tư tổ chức còn nhỏ; chất lượng cung cấp thông tin và minh bạch trên thị trường còn khoảng cách so với quốc tế; khung pháp lý về hoạt động của thị trường chưa hoàn thiện. Tổng tài sản hệ thống tài chính Việt Nam mới đạt khoảng 203% GDP, thấp hơn so với các quốc gia hàng đầu ASEAN (trên 300% GDP).
Các định hướng cơ bản để phát triển TTTC gồm: phát triển thị trường tiền tệ hiện đại, nâng cao năng lực tài chính của NH. Theo đó, gỡ bỏ một số công cụ điều hành trên thị trường tiền tệ mang tính hành chính như trần lãi suất huy động, hạn mức tăng trưởng tín dụng...
Đa dạng hóa các công cụ và phương thức giao dịch trên thị trường tiền tệ, đặc biệt là các công cụ phái sinh về tỷ giá và lãi suất; đa dạng hóa các thành viên tham gia thị trường tiền tệ, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng về thông tin và thanh toán của hệ thống NH thông qua áp dụng công nghệ số, fintech…
Bên cạnh đó, đẩy mạnh tái cơ cấu NHTM và xử lý nợ xấu, tạo lập hệ thống cơ sở hạ tầng tài chính để xử lý nợ xấu, trong đó có hình thành thị trường mua bán nợ, từ đó tăng khả năng cung cấp tín dụng ra nền kinh tế thực. Nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh, năng lực tài chính của các NHTM; bảo đảm các TCTD đủ vốn tự có theo chuẩn mực vốn của Basel II; nâng cao năng lực quản trị rủi ro tại các NHTM, phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Chú trọng hướng dòng vốn tín dụng vào khu vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là DNNVV, DN trong ngành, lĩnh vực hiệu quả, năng suất, công nghệ cao. 
Để phát triển thị trường vốn trở thành kênh cung ứng vốn trung và dài hạn hiệu quả, khắc phục sự mất cân đối trong cơ cấu cung ứng vốn cần phát triển thị trường TPDN. Phấn đấu tới năm 2020, quy mô thị trường TPDN khoảng 9% GDP và tới năm 2030 đạt khoảng 20% GDP.
Thành lập tổ chức xếp hạng tín nhiệm đủ năng lực, trung tâm thông tin TPDN tập trung, yêu cầu TPDN phát hành ra công chúng phải được xếp hạng tín nhiệm. Thúc đẩy việc nâng hạng thị trường chứng khoán lên thị trường mới nổi, thông qua từng bước nới lỏng việc quản lý các giao dịch vốn. Trên cơ sở nâng cao tính chuyển đổi của đồng Việt Nam và cơ chế tỷ giá hối đoái linh hoạt, thành lập thị trường offshore đối với đồng Việt Nam, gỡ bỏ dần các hạn chế của thị trường ngoại hối trong nước.

Các tin khác