Sức nóng tín dụng, vốn chảy vào đâu?

(ĐTTCO) - Tín dụng đến cuối tháng 4 đã lên tới 5,76%, cao nhất trong vòng 8 năm. Xu hướng này dấy lên lo ngại tín dụng tăng cao từ đầu năm có thể dẫn đến nguy cơ bong bóng.
Cũng như tín dụng đang chảy vào xuất nhập khẩu, bất động sản hay sản xuất. Do vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng phân bổ tín dụng đều cho các tháng sẽ giảm áp lực dồn toa vào cuối năm và chưa lo bong bóng nếu tín dụng xuất phát từ nhu cầu của nền kinh tế.
Rủi ro chênh lệch kỳ hạn, lệch pha nguồn vốn

 Tăng trưởng tín dụng cao trong những tháng đầu năm là do đẩy vốn vay ra nhiều trong đó có lĩnh vực rủi ro là bất động sản, nên cho vay tăng trưởng tốt ngay từ đầu năm có mặt lợi nhưng cũng có rủi ro. Tuy nhiên, với vai trò của cơ quan chức năng, NHNN chắc chắn đang tìm cách kiểm soát vấn đề này.
Trước đó, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia ước tính hết tháng 4 tín dụng tăng khoảng 5,2% (cùng kỳ 2016 tăng 4,2%). Trong đó nhóm NHTM có vốn nhà nước dẫn đầu với tốc độ tăng trưởng 4,9%; các NHTMCP cũng đã đẩy mạnh tín dụng khá cao như LienVietPostBank tăng 11%, Kienlongbank 10,3%, SCB 9%, ACB 8,3%...
Tuy nhiên, tại Hội nghị Thủ tướng gặp gỡ doanh nghiệp (DN) mới đây, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết đến cuối tháng 4 tín dụng tăng 5,76% so với cuối năm 2016, cao hơn so với cùng kỳ các năm gần đây, trong đó tín dụng VNĐ tăng 5,87% và tín dụng ngoại tệ tăng 4,64%. Tại TPHCM, theo số liệu của Sở Kế hoạch-Đầu tư tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn ước đến cuối tháng 5 đạt 1,596 triệu tỷ đồng, tăng 8,3% so với cuối năm 2016 và tăng 22,04% so cùng kỳ năm ngoái. Những con số này cho thấy tín dụng đã có mức tăng trưởng rất mạnh ngay từ đầu năm.

Hiện cơ cấu tín dụng tập trung chủ yếu lĩnh vực sản xuất kinh doanh với tỷ trọng khoảng 80%, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, các dự án lớn, trọng tâm trọng điểm (chiếm khoảng 50% tổng dư nợ). Trong đó tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn chiếm khoảng 19%, tín dụng đối với DNVVN khoảng 22% tổng dư nợ của nền kinh tế.
Tuy vậy, tỷ trọng dư nợ cho vay trung, dài hạn chiếm 53% tổng dư nợ tín dụng, trong khi nguồn vốn huy động trung, dài hạn toàn hệ thống TCTD chỉ khoảng 15%, đang tạo sức ép và rủi ro chênh lệch kỳ hạn cho hệ thống NH. Để tạo nguồn vốn đầu tư, NHNN vẫn đang cho phép các TCTD sử dụng tối đa 50% vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu của DN, trong khi lẽ ra nguồn vốn này phải được huy động từ thi trường vốn, thị trường chứng khoán.  Không chỉ chênh lệch kỳ hạn, tăng trưởng huy động và tín dụng còn có dấu hiệu lệch pha. Theo đó, huy động vốn 4 tháng đầu năm tăng trưởng chậm hơn so với cùng kỳ và chậm hơn so với tăng trưởng tín dụng, dẫn đến tỷ lệ tín dụng/huy động tăng nhẹ từ 86,3% lên 87%. Điều này đã khiến thanh khoản của hệ thống NH có dấu hiệu khó khăn cục bộ, biểu hiện qua mức lãi suất liên NH khá cao. Tuy nhiên thanh khoản đã được cải thiện từ đầu tháng 5.
Sức nóng tín dụng, vốn chảy vào đâu? ảnh 1 Ảnh minh họa: L.THANH 
Chưa có dấu hiệu nhưng vẫn lo bong bóng
Kể từ khi NHNN công bố mức tăng trưởng tín dụng ấn tượng trong 4 tháng đầu năm đã dấy lên nhiều ý kiến lo ngại xảy ra bong bóng tín dụng. Tuy nhiên, theo ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC, không nên nhìn tăng trưởng tín dụng quá mạnh trong 4 tháng là dấu hiệu nguy hiểm, vì tăng đều các tháng trong năm vẫn tốt hơn dồn vào 3 tháng cuối năm để chạy chỉ tiêu, đó không phải là bài toán hay cho thị trường.
Hiện nay một lượng vốn vẫn được bơm vào bất động sản, vào các dự án cơ sở hạ tầng như đường sá, cầu cống. Đây là 2 lĩnh vực NHNN đã cảnh báo các NH phải thận trọng, vì nguồn vốn cho vay ra kỳ hạn dài trong khi vốn huy động ngắn hạn. Bản thân các NH cũng thấy đây là lĩnh vực có tiềm ẩn rủi ro nên cũng sẽ thận trọng hơn để không đi vào tình trạng năm 2008-2009 tăng trưởng tín dụng 30-40%, lạm phát tăng cao, bất động sản bị vỡ. 

Trước nhiều ý kiến lo ngại tín dụng đang đổ mạnh vào bất động sản, nhiều chuyên gia cho rằng dù NHNN không công bố thông tin về tỷ trọng tín dụng bất động sản trong tổng tín dụng, nhưng chắc chắn lượng vốn đổ vào bất động sản hoặc liên quan đến bất động sản không ít. Đẩy nhiều tín dụng cho bất động sản có 2 rủi ro.
Thứ nhất, tín dụng vào kinh doanh bất động sản tự thân có nhiều rủi ro, đó cũng là nguyên nhân NHNN tăng hệ số rủi ro kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200% từ đầu năm nay.
Thứ 2, các NH rất mặn mà cho vay bất động sản vì có tài sản thế chấp, nhu cầu vốn lớn, lãi suất có thể cao. Song tín dụng nếu đẩy nhiều vào bất động sản sẽ tạo nhiều tiền trong lĩnh vực này, từ đó sẽ đẩy giá bất động sản lên, đến lúc nào đó giá bất động sản không phù hợp với giá trị thực, tạo ra bong bóng và đến lúc nổ sẽ đẩy giá xuống rất nhanh gây ra thiệt hại cho NH, người đi vay và cho cả nền kinh tế. 

Những năm trước, cuối năm khi không đạt chỉ tiêu nhiều NH tạo ra tín dụng ảo như cấp tín dụng cho 1 khách hàng rồi khách hàng dùng tiền đó gửi lại NH để bảo đảm cho món vay đó. Hay có NH nhờ DN đến vay rồi 1-2 tháng sau trả lại cho NH. Đó là loại tín dụng mang tính kỹ thuật.
Vì thế, phân bổ tín dụng đều cho các tháng sẽ tránh được tình trạng này. Tuy nhiên, việc phân bổ tín dụng phải đi theo nhu cầu tín dụng của nền kinh tế. Nếu nền kinh tế không có nhu cầu cao hoặc chỉ có nhu cầu ở một vài phân khúc thị trường, NH đẩy tín dụng quá nhiều vào đó sẽ có nguy cơ bong bóng.

Các tin khác