Siết quản lý Quỹ tín dụng nhân dân

(ĐTTCO) - Tại nhiều địa phương, Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) đang cung cấp vốn tín dụng hiệu quả cho nông dân, tiểu thương chưa đủ điều kiện tiếp cận vốn NH. 
Siết quản lý Quỹ tín dụng nhân dân

So với với các loại hình TCTD khác, tỷ lệ nợ xấu của các QTDND ở mức thấp nhất, chỉ dưới 1%. Tuy nhiên, do quản lý chưa chặt chẽ, một số quỹ đã làm sai quy định, dẫn đến thiệt hại cho người gửi tiền.

Nhiều sai phạm nghiêm trọng
Ngày 20-11, nhiều người dân đã đến QTDND Thái Bình (phường Tân Hòa, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) để đòi tiền sau khi ông Giám đốc Vũ Công Liêm vắng mặt và không thể liên lạc được. Bước đầu, cơ quan chức năng đã xác định QTDND Thái Bình mất khả năng chi trả số tiền trên 50 tỷ đồng huy động từ hơn 80 người dân. QTDND Thái Bình hoạt động theo mô hình HTX, chịu sự kiểm tra, giám sát của NHNN chi nhánh Đồng Nai và quản lý hành chính của chính quyền địa phương. 
 Cả nước hiện  có 1.200  QTDND huy động hơn 82.000 tỷ đồng, cấp tín dụng cho khoảng 9 triệu người với hơn 76.000 tỷ đồng. Nếu phát huy được vai trò một cách tích cực, loại hình tín dụng này sẽ đóng góp lớn trong phát triển kinh tế xã hội địa phương, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi nhất là ở khu vực nông thôn. 
Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Nai, cho biết vi phạm tại QTDND Thái Bình được đơn vị phát hiện từ cuối tháng 4, đã chuyển hồ sơ sang cơ quan công an tỉnh Đồng Nai và cơ quan này đã khởi tố vụ án. Về phần mình, NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Nai đã thực hiện việc kiểm soát đặc biệt đối với QTDND này, đồng thời phối hợp chính quyền địa phương thực hiện các giải pháp thu giữ tài sản, thu nợ người vay quá hạn để có nguồn tiền trả cho người gửi tiền. Việc bỏ trốn của ông Vũ Công Liêm đã làm một số người gửi tiền lo lắng và tập trung đến QTDND này để đòi tiền gửi. NHNN và các cơ quan chức năng của tỉnh đã giải thích rõ, mọi việc đã ổn định.
Trước đó, năm 2016 cũng đã phát hiện tại QTDND Phùng Xá (Hà Nội) ông Phạm Đình Phúc lợi dụng chức danh Chủ tịch HĐQT chỉ đạo ban giám đốc và cán bộ lập khống 18 hồ sơ rút số tiền 9,1 tỷ đồng trong thời gian từ tháng 5-2013 đến tháng 4-2014 để trả nợ và tiêu xài cá nhân. Năm 2014, ông Nguyễn Hữu Nha, nguyên Giám đốc Quỹ TDND Hoằng Đồng, đã bị khởi tố vì vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các TCTD theo Điều 179 BLHS.
Theo đó ông này đã cho bên ngoài vay gần hết nguồn vốn của quỹ không thu hồi được. Để hợp thức hóa các khoản vay, ông Nha và các đối tượng liên quan đã lập khống 326 hồ sơ cho 326 cá nhân vay, khiến hàng trăm người không vay mượn nhưng vẫn có “sổ nợ” hàng trăm triệu đồng. Mới đây, QTDND Tân Tiến (phường Tân Tiến, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) cũng đã được NHNN chi nhánh Đồng Nai đưa vào diện kiểm soát đặc biệt để tiến hành kiểm tra, thống kê, xem xét lại hồ sơ, sổ sách, đối chiếu các khoản tiền gửi, tiền vay… vì sử dụng vốn sai mục đích quy định của pháp luật, mất thanh khoản. 

Cần quản lý chặt chẽ
Để quản lý các QTDND, trong Thông tư 39/2011 của NHNN quy định các QTDND có tổng tài sản từ 50 tỷ đồng trở lên phải thực hiện tiến hành kiểm toán độc lập. Sau đó, Thông tư 44/2011 của NHNN cũng có quy định riêng biệt áp dụng đối với các QTDND dựa trên những đặc thù về quy mô, trình độ, khả năng áp dụng. Năm 2014, NHNN ban hành Thông tư 03 quy định về Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống QTDND.
Đáng chú ý, Thông tư 04/2015 của NHNN quy định về QTDND đã quy định chặt chẽ hoạt động huy động tiền gửi và cho vay, người vay vốn từ QTDND bắt buộc phải là thành viên của quỹ, phải đóng phí hàng năm để công tác kiểm tra giám sát chặt chẽ hơn… Tuy nhiên, cho đến nay, bên cạnh nhiều quỹ hoạt động hiệu quả, hỗ trợ tốt cho nông dân và tiểu thương vay vốn, vẫn tồn tại không ít QTDND vi phạm quy định dẫn đến bị rủi ro, thất thoát tài sản gây nguy cơ đổ vỡ, phá sản, làm ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi và niềm tin của người gửi tiền.
Trở lại với vụ việc tại QTDND Thái Bình, ông Trần Quốc Tuấn cho biết hiện các cơ quan chức năng đang xử lý vụ việc theo đúng quy định của pháp luật. NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Nai đang giám sát chặt chẽ hoạt động của QTDND này, tập trung chỉ đạo QTDND thu hồi nợ quá hạn và đến hạn của người vay, thu giữ và xử lý các tài sản của QTDND để có nguồn vốn trả lại tiền gửi của khách hàng gửi tiền. Trong trường hợp cần thiết, NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Nai sẽ có những biện pháp xử lý thông qua nguồn hỗ trợ thanh khoản trong hệ thống QTDND. Sự việc này một lần nữa gióng lên cảnh báo về vấn đề quản lý các QTDND.
Trước nay, trong quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD, NHTM vẫn là đối tượng được chú trọng nhiều nhất, quan tâm nhiều nhất. Còn các QTDND tuy có được nhắc đến trên đề án và có quy định cần thiết nhưng vẫn chưa được siết chặt quản lý, đã dẫn đến tình trạng một số quỹ cố tình sai phạm. Vì vậy, sau những sự cố đã xảy ra, NHNN không chỉ cần khắc phục về mặt vật chất mà còn cần sớm có những thay đổi về quản lý để các QTDND hoạt động theo chiều hướng tích cực, gây dựng lại niềm tin của người dân với loại hình TCTD này.

Các tin khác