CHỦ TỊCH HĐQT SACOMBANK DƯƠNG CÔNG MINH:

Sacombank: Tạo sức bật từ sự năng động, đột phá

(ĐTTCO) - LTS: Ngày 30-6-2017, NHTMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm tài chính 2016-2017
Bầu HĐQT và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2017-2021, với nhiệm vụ trọng yếu thực hiện Đề án tái cơ cấu Sacombank theo các định hướng đã được NHNN phê duyệt: Tái cấu trúc bộ máy và nhân sự; đẩy mạnh hoạt động kinh doanh; quyết liệt xử lý và thu hồi nợ xấu; cải cách quy trình kinh doanh đảm bảo an toàn, phát triển bền vững… Ông Dương Công Minh được bầu làm Chủ tịch HĐQT. 
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, sau 1 tháng nhận nhiệm vụ, Sacombank hoạt động ra sao? Giới đầu tư và cổ đông rất quan tâm đến hiệu quả kinh doanh của Sacombank khi có nhân sự lãnh đạo mới?
 Chủ động, sáng tạo từ bên dưới; đột phá từ bên trên để tạo ra hiệu quả cao nhất cho NH. Với phương châm trên, thời gian tới chắc chắn Sacombank sẽ đảm bảo hiệu quả hoạt động và tạo ra lợi nhuận phù hợp, đáp ứng kỳ vọng của cổ đông cũng như của xã hội.
Ông DƯƠNG CÔNG MINH
Ông DƯƠNG CÔNG MINH: - Sacombank là NH có quy mô lớn; có tổng tài sản và mạng lưới lớn nhất trong khối NHTMCP. Tính tới thời điểm hiện tại tổng tài sản của Sacombank đạt 355.973 tỷ đồng; hệ thống mạng lưới có 109 chi nhánh, 432 phòng giao dịch, 11 quỹ tiết kiệm và 6 công ty con trải dài khắp cả nước, ngoài ra còn có chi nhánh hoạt động ở Lào và Campuchia.
Do có mảng bán lẻ và dịch vụ tốt, nên mảng bán lẻ của Sacombank chiếm 52,9%/tổng dư nợ của NH và mảng dịch vụ mang lại 27,5%/lợi nhuận trước thuế. Có thể nói thương hiệu Sacombank đã được định hình, tạo được dấu ấn và có một vị trí nhất định đối với khách hàng.

Chính điều này đã tạo nên hiệu quả hoạt động của NH. Tháng 7-2017, tròn 1 tháng sau khi tổ chức ĐHCĐ, Sacombank đạt tổng lợi nhuận trước thuế 552 tỷ đồng; trong đó hạch toán chính thức lợi nhuận tháng 7 là 158,9 tỷ đồng, trích lập dự phòng 147 tỷ đồng, trích trước lương kinh doanh 6 tháng cuối năm 150 tỷ đồng, trích bảo hiểm tiền gửi quý III 96 tỷ đồng. Có thể nói Sacombank đang có đà phát triển tốt để tiến tới xử lý hiệu quả “cục nợ xấu” trước đây.

- Việc khởi tố ông Trầm Bê, nguyên thành viên HĐQT và ông Phan Huy Khang, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc có ảnh hưởng đến hoạt động và lợi nhuận của Sacombank?

- Việc này Sacombank có ý kiến như sau: Việc khởi tố ông Trầm Bê và ông Phan Huy Khang do có liên quan đến vụ án xảy ra tại NHTMCP Xây Dựng. Theo kết luận giám định của NHNN, Sacombank không có thiệt hại trong việc cho vay đối với 6 công ty liên quan đến ông Phạm Công Danh.
Các khoản vay trên, Sacombank đã thu hồi vốn và lãi đầy đủ từ tháng 4-2014. Ông Trầm Bê không còn đảm nhiệm bất kỳ chức vụ quản trị - điều hành nào tại Sacombank từ ngày 23-2-2017 và từ ngày 3-7-2017 đối với ông Phan Huy Khang. 

Theo Đề án tái cơ cấu NH đã được NHNN phê duyệt, chúng tôi xác định một số trọng tâm hoạt động trong thời gian tới là nhanh chóng tái cấu trúc bộ máy và tái cấu trúc nhân sự; quyết liệt xử lý và thu hồi nợ xấu bảo đảm tuân thủ các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định.
Hiện Sacombank vẫn hoạt động bình thường và tăng trưởng ổn định. Tính đến ngày 31-7-2017, tổng huy động đạt 326.633 tỷ đồng, tăng gần 8% so với đầu năm; cho vay đạt 218.572 tỷ đồng, tăng 12,2% so với đầu năm; dịch vụ tăng 28% so với cùng kỳ và lợi nhuận lũy kế 7 tháng đầu năm đạt 586 tỷ đồng (lợi nhuận hợp nhất là 753 tỷ đồng), đạt 129% kế hoạch.
Sacombank: Tạo sức bật từ sự năng động, đột phá ảnh 1 Khí thế mới tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2017 tại Sacombank.  
- Lãi trước thuế tăng mạnh và dịch vụ tăng trưởng đã mang về lợi nhuận khả quan, tuy nhiên bên cạnh đó nợ xấu cũng tăng. Vậy ông nhìn nhận mặt yếu của Sacombank là gì, làm gì để NH lấy lại vị thế đã có?
- Mặt mạnh như tôi đã nêu trên, còn mặt yếu, trên cương vị Chủ tịch HĐQT tôi cũng thấy rõ để cơ cấu lại bộ máy hoạt động hiệu quả thời gian tới, bộc lộ như sau: Mô hình tổ chức quản lý lạc hậu, rườm rà, phức tạp. Ngay trong nội bộ cũng không thể phân biệt được đâu là tổ chức của quản trị, đâu là tổ chức của điều hành.
Nhìn chung vị trí nhân sự chủ chốt còn chưa đủ tầm. Năng suất lao động thấp. So với ACB - NH cùng hình thành và phát triển với Sacombank, nhưng năng suất lao động của ACB đạt 127 triệu đồng/nhân viên, Sacombank chỉ đạt 25 triệu đồng/nhân viên.

Giải pháp để lấy lại vị thế theo tôi là phát huy mặt mạnh, khắc phục điểm yếu, cụ thể: HĐQT đã xây dựng lại mô hình tổ chức quản lý phù hợp với thực trạng của Sacombank hiện nay và tạo điều kiện, cơ sở để có thể đón đầu được cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bố trí lại nhân sự đúng người, đúng việc, nhất là các nhân sự chủ chốt. Thúc đẩy tăng năng suất lao động.
Quan điểm của HĐQT là tăng đãi ngộ để thúc đẩy cống hiến. HĐQT đã thưởng 1 tháng lương cơ bản cho toàn thể CBNV NH sau khi tổ chức thành công ĐHCĐ để động viên và tăng lương 5% cho toàn hệ thống, đồng thời với việc tăng cường khoán việc, khoán tài chính để quản lý được năng suất lao động của CBNV toàn NH.

Điểm nghẽn cốt lõi của Sacombank là nhân sự chủ chốt, là đội ngũ lãnh đạo. ĐHCĐ đã bầu ra HĐQT mới bao gồm 6 thành viên, trong đó có 3 thành viên là nhân sự cũ và 3 thành viên mới. Điều này vừa đảm bảo tính kế thừa vừa tạo ra tính đột phá để Sacombank luôn giữ vững là NH tốp đầu trong các NH TMCP của Việt Nam.

- Vấn đề nổi cộm của Sacombank là nợ xấu, các tồn tại chung quanh việc sáp nhập với NHTMCP Phương Nam. Theo lộ trình cho phép phải thực hiện 7 năm, ĐHCĐ đề ra trong 5 năm, riêng ông quyết tâm xử lý trong vòng 2-3 năm. Thực chất vấn đề này đến mức nào? 

- Hiện nay nợ quá hạn của Sacombank rất lớn. HĐQT đã đề ra giải pháp đột phá và quyết liệt để xử lý nợ; phân cấp, phân quyền để toàn hệ thống phải tham gia xử lý nợ.
Trong đó tích cực xử lý nợ xấu, đẩy nhanh việc thanh lý các tài sản cấn trừ và gán nợ để khoảng 3 năm phải xử lý xong nợ xấu thì 5 năm sau mới tái cơ cấu xong Sacombank, trước thời gian quy định.

- Thưa ông, định hướng phát triển Sacombank thời gian tới là gì, mục tiêu chiến lược NH đề ra?

- Mục tiêu chiến lược của NH là lấy bán lẻ và dịch vụ làm cốt lõi, đưa NH số chiếm lĩnh thị trường để trở thành NH bán lẻ hàng đầu Việt Nam. Để làm được điều này, Sacombank cần tái cấu trúc lại tổ chức nhân sự đảm bảo tính kế thừa và tính đột phá; lấy ổn định hệ thống làm trọng tâm, tập trung đẩy mạnh kinh doanh trên cơ sở phát huy được thế mạnh nội tại của Sacombank về mạng lưới, con người, thương hiệu, sản phẩm; tái sắp xếp lại các công ty con, NH con và mạng lưới giao dịch.

Tái cơ cấu nhân sự nhằm mục đích sử dụng đúng người, đúng việc, phát huy sở trường, khắc phục sở đoản của toàn thể CBNV của NH. Tôi cho rằng, thời gian tới Sacombank sẽ tạo ra sức bật mạnh mẽ, đáp ứng kỳ vọng của cổ đông cũng như của xã hội.

 -  Xin cảm ơn ông.

Các tin khác