Room tín dụng gần đầy

(ĐTTCO) - Các NHTM đang lần lượt công bố kết quả kinh doanh quý II và hầu như lợi nhuận nửa đầu năm đều đã đạt hơn 50% kế hoạch đề ra. 
Room tín dụng gần đầy

Lợi nhuận ngân hàng (NH) đến từ nhiều nguồn, nhưng nhìn chung tín dụng vẫn đang là nguồn thu tốt do mức tăng trưởng rất cao, nhiều đơn vị sắp kịch trần hạn mức tín dụng được cấp.

Như thường lệ, nhóm NHTM có vốn nhà nước vẫn là những NH đầu tiên báo cáo kết quả kinh doanh vì đây là nhóm NH luôn có mức tăng trưởng cao và lợi nhuận dẫn đầu thị trường. Theo Vietcombank, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 5.054 tỷ đồng, tăng 20,5% so cùng kỳ năm 2016, đạt 53,2% kế hoạch năm.
Ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc VietinBank, cho biết lợi nhuận trước thuế tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, đạt 54% kế hoạch đề ra, ước đạt 4.700 tỷ đồng. Tại BIDV, lợi nhuận trước thuế cũng đạt 4.200 tỷ đồng, tăng 26,23% so với cùng kỳ và hoàn thành 54,5% kế hoạch cả năm. 

Ở nhóm NHTMCP, mới chỉ có một số NHTM báo lãi nhưng kết quả rất khởi sắc. MB báo lãi trước thuế 2.386 tỷ đồng trong 6 tháng, tăng 30% so cùng kỳ, đạt trên 55% kế hoạch năm. Chỉ 1 tuần sau khi tổ chức ĐHCĐ năm 2017, Sacombank đã thông báo kết quả kinh doanh với mức lợi nhuận trước trích lập dự phòng đạt 490 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 428 tỷ đồng, tăng 70,4% so với cùng kỳ 2016.
Chưa công bố báo cáo tài chính quý II chính thức, nhưng ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank, cho biết lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm nay dự kiến đạt 500 tỷ đồng. Theo công bố của OCB, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của NH đạt 494 tỷ đồng, cao hơn 2% lợi nhuận năm 2016 và gấp đôi so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế của VIB đạt 380 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước, đạt 51% kế hoạch năm. 6 tháng qua, Kienlongbank cũng hoàn thành hơn phân nửa mục tiêu lợi nhuận năm 2017 khi đã đạt 137,07 tỷ đồng, thực hiện 54,83% kế hoạch năm.

Khác với các năm trước, năm nay dư nợ cho vay ra nền kinh tế của các NH tăng trưởng nhanh ngay từ đầu năm và nhiều NH đang trong tình trạng sắp sử dụng hết hạn mức được cấp cho cả năm. Trong ĐHCĐ thường niên năm 2017, VIB đưa ra kế hoạch tăng trưởng tín dụng theo 2 phương án 16% hoặc 32%, tùy thuộc vào hạn mức NHNN cấp. Nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có thông tin về việc NHNN cấp thêm hạn mức tín dụng trong khi dư nợ tín dụng tại NH đã tăng trưởng đến 15,7%, như vậy VIB đang sắp cạn room cho vay.
Tương tự tại OCB, kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2017 là 14%, nhưng trong 6 tháng tổng dư nợ thị trường 1 đã tăng trưởng 13,5% so với năm 2016 và gần 25% so với cùng kỳ, đạt hơn 44.960 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch lũy kế. MB cũng đã đạt được mức tăng trưởng tín dụng 15% trong khi kế hoạch cả năm 2017, tổng dư nợ cho vay tăng 16%. Tại Kienlongbank, dư nợ cấp tín dụng cũng đã tăng 15,8%, hoàn thành 92,67% kế hoạch năm.

Do hạn mức tăng trưởng tín dụng được cấp sắp được lấp đầy, hiện đã có nhiều NHTM gửi đơn đề nghị NHNN nới hạn mức tín dụng. Hạn mức tín dụng được NHNN áp dụng cho các NHTM nhằm kiểm soát tình trạng tăng trưởng nóng đối với tín dụng được NHNN phân bổ cho từng NH hàng năm.
Vài năm gần đây, mặc dù đầu năm NHNN đưa ra hạn mức, nhưng sau đó đã có điều chỉnh tăng hạn mức cho các NH cạn room nhưng năng lực và sức khỏe vẫn được đánh giá tốt. Năm trước, NHNN cấp hạn mức khoảng 18% cho các NHTM, nhưng năm nay hạn mức tín dụng NHNN cấp từ đầu năm chỉ từ 14-16%.
Vài tháng trước, LienVietPostBank cũng đã cho biết hạn mức tăng trưởng tín dụng được NHNN cấp tối đa là 16%, nhưng với kế hoạch đẩy mạnh tín dụng rộng khắp cả nước và vào nông nghiệp nên dự kiến sẽ vượt mức này. Do đó, khi cho vay hết hạn mức được cấp, NH sẽ xin NHNN điều chỉnh mức tăng trưởng tín dụng. 

Hiện Chính phủ cũng đã yêu cầu NHNN khẩn trương tìm giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận được nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là đối với doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời, tăng trưởng tín dụng phải đạt từ 18-20%.
Như vậy, sắp tới có thể nhiều NHTM đang sắp hết room tín dụng sẽ được xem xét nới chỉ tiêu. Tuy nhiên, trong 6 tháng cuối năm nay, khi cho vay ngành NH cũng phải đáp ứng nhiều vấn đề quan trọng Chính phủ yêu cầu, như tín dụng không chảy vào các DN lớn mà phải chảy vào đầu tư sản xuất, cơ sở hạ tầng và hạ lãi suất cho vay. 

Các tin khác