Rà soát chức năng ví điện tử

(ĐTTCO) - Ví điện tử (VĐT) được NHNN cấp phép hoạt động với nhiệm vụ trung gian thanh toán. Tuy nhiên, khi xu hướng các VĐT trực thuộc các tập đoàn kinh doanh lớn trên thế giới đang đẩy mạnh cho vay qua ví, đã có nhiều lo ngại VĐT tại Việt Nam sẽ vượt rào để thực hiện tương tự.
Chỉ là trùng tên?
Gần đây, trên thị trường xuất hiện website zalopay.com giới thiệu cho vay đến 70 triệu đồng không cần thế chấp, trả góp trong 6-36 tháng, đáp ứng nhanh chóng các nhu cầu chi tiêu đa dạng và cấp bách. Người vay chỉ cần một trong các loại giấy tờ như bảng lương, hóa đơn tiền điện, hợp đồng bảo hiểm, bằng lái xe gắn máy hoặc sao kê NH.
Với khoản vay 10 triệu đồng trong 1 tháng, đến hạn, người vay sẽ trả 10.234.500 đồng, tức lãi suất hơn 2,34%/tháng, tương đương gần 29%/năm. Với khoản vay tối đa 70 triệu đồng thời hạn 36 tháng, người vay trả góp gần 3,6 triệu đồng/tháng, tức tổng số tiền phải trả lên đến 130 triệu đồng, gần gấp đôi khoản vay.
Do tên miền của website này trùng với tên VĐT ZaloPay nhưng không ghi đơn vị chủ quản, không liên kết với NH nào, nên dù  đơn vị chủ quản ZaloPay là CTCP Zion thông báo đây là trang mạo danh, VĐT ZaloPay không có liên quan, nhưng nhiều người vẫn thắc mắc việc ai đứng sau website này.
 Cần làm rõ việc VĐT có trực tiếp nhận tiền gửi và cho vay, hay chỉ là công cụ trung gian của NH để thực hiện các nghiệp vụ trên. Nếu VĐT chỉ là công cụ để triển khai dịch vụ của các NH, sản phẩm đó là hợp lệ. Thí dụ, NCB kết hợp với VĐT Payoo triển khai dịch vụ thanh toán các khoản vay của khách hàng NCB tại mạng lưới giao dịch của Payoo. Còn nếu VĐT đứng ra thực hiện các nghiệp vụ huy động và cho vay cần xem xét lại.
Theo quy định, chỉ các TCTD được NHNN cấp phép mới được thực hiện huy động và cho vay. Đồng thời để quản lý hoạt động của VĐT, NHNN đã ban hành Thông tư 39/2014 về dịch vụ trung gian thanh toán với những quy định liên quan đến sản phẩm này. Cụ thể, VĐT là dịch vụ cung cấp cho khách hàng một tài khoản điện tử định danh do các tổ chức cung ứng dịch vụ tạo lập trên chip điện tử, sim điện thoại di động, máy tính…
VĐT cho phép lưu giữ một giá trị tiền tệ được đảm bảo bằng giá trị tiền gửi tương đương số tiền được chuyển từ tài khoản thanh toán của khách hàng tại NH vào tài khoản đảm bảo thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ VĐT theo tỷ lệ 1:1, và được sử dụng làm phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Tổ chức cung ứng dịch vụ VĐT không được phép cấp tín dụng cho khách hàng sử dụng VĐT, trả lãi trên số dư VĐT hoặc bất kỳ hành động nào có thể làm tăng giá trị tiền tệ trên VĐT. Theo đó, nếu VĐT triển khai cho vay sẽ vi phạm quy định về hoạt động. 
Tuy nhiên, trước xu hướng cho vay trên VĐT đang phát triển, giúp các đơn vị cùng lúc sở hữu VĐT và cung ứng dịch vụ mua sắm trực tuyến thu được nguồn lợi khổng lồ ở các nước, đã đặt ra lo ngại các công ty tài chính công nghệ sẽ lách luật để thực hiện.
Chẳng hạn, tại Trung Quốc, dịch vụ tín dụng Sesame có khả năng đánh giá điểm tín dụng cho hơn 350 triệu người dùng thực đăng ký và 37 triệu doanh nghiệp nhỏ thực hiện các giao dịch mua bán trên Alibaba. Khi người dùng đăng ký Sesame, họ đồng ý cho phép Ant Financial (công ty tài chính trực thuộc Alibaba và là đơn vị điều hành VĐT Alipay) sử dụng dữ liệu giao dịch cá nhân để xác định điểm tín dụng của họ. Theo đó, Ant Financial đã tiếp cận những khách hàng trẻ tuổi, cấp tiền để họ mua sản phẩm của Alibaba từ các khoản vay tín chấp lãi suất 15%/năm thông qua VĐT Alipay.
Rà soát chức năng ví điện tử ảnh 1
Thanh kiểm tra hoạt động VĐT
Thực tế, việc VĐT triển khai cho vay đã xuất hiện từ đầu năm nay, khi LienVietPostBank cho ra mắt sản phẩm tiết kiệm trực tuyến và cho vay cầm cố sổ tiết kiệm trực tuyến trên Ví Việt. Sản phẩm tiết kiệm trực tuyến áp dụng cho cá nhân có tài khoản Ví Việt đồng thời đã có tài khoản tại LienVietPostBank.
Theo giới thiệu, với 2 chức năng gửi tiết kiệm và vay cầm cố tiền gửi tiết kiệm, số tiền nhàn rỗi của khách hàng sẽ tự động sinh lời, khi cần tiêu dùng có thể vay lại dễ dàng với lãi suất ưu đãi. 
Cụ thể, khi có nhu cầu gửi tiết kiệm, khách hàng chỉ cần mở ứng dụng Ví Việt trên điện thoại, chủ động lựa chọn kỳ hạn phù hợp, số tiền cần gửi, hình thức tái tục... để gửi tiền một cách đơn giản, an toàn, mọi lúc, mọi nơi, với kỳ hạn gửi đa dạng từ 1-60 tháng. Đặc biệt, khi gửi tiết kiệm trực tuyến, khách hàng sẽ được nhận lãi suất ưu đãi hơn gửi tiết kiệm tại quầy giao dịch của LienVietPostBank.
Bên cạnh đó, nếu cần gấp một khoản tiền để chi tiêu trong khi chưa đến ngày đáo hạn của tiền gửi tiết kiệm, khách hàng có thể sử dụng chức năng vay cầm cố tiền gửi tiết kiệm. LienVietPostBank sẽ cấp cho khách hàng một hạn mức vay lên đến 98% số tiền gửi tiết kiệm, với thời hạn vay bằng với thời hạn đáo hạn của khoản tiết kiệm cầm cố và lãi suất vay ưu đãi chỉ cao hơn 1% lãi suất kỳ hạn khách đã gửi tiết kiệm. 
Hiện nay, thị trường có hơn 20 VĐT được cấp phép đang cạnh tranh gay gắt khi thường xuyên tung ra các chương trình ưu đãi, khuyến mại, cũng như cải tiến hoạt động, tăng cường các chức năng để đáp ứng đa dạng nhu cầu của người dùng, gia tăng số lượng người sử dụng ví.
Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, VĐT chỉ được phép thực hiện hoạt động trung gian thanh toán, không được cấp phép thực hiện chức năng của một NH điện tử, cũng như các chức năng cơ bản của một NH bình thường. Trước nay, đối với hoạt động của các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, NHNN cũng rất chú ý đến việc đảm bảo an toàn hoạt động và tuân thủ quy định pháp luật. Song việc này chỉ dừng lại ở nhắc nhở, yêu cầu các đơn vị thực hiện.
Trước bối cảnh các đơn vị chủ quản không ngừng nâng cấp hoạt động của VĐT để giành thị phần, thiết nghĩ NHNN cần tiến hành thanh kiểm tra, rà soát lại hoạt động của các VĐT để đảm bảo vận hành đúng luật, tránh xảy ra những rủi ro đáng tiếc.

Các tin khác