Quản lý nợ công: Đầu mối không quan trọng bằng minh bạch

(ĐTTCO)-Theo dự luật Quản lý nợ công hiện nay sẽ có đến ba cơ quan cùng tham gia quản lý nợ công là Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Quy về một đầu mối sẽ giúp cho việc đàm phán nợ công thuận lợi hơn
Quy về một đầu mối sẽ giúp cho việc đàm phán nợ công thuận lợi hơn

Đây là điều mà nhiều người không đồng tình, vì cho rằng khi quản lý phân tán giữa nhiều đầu mối thì sẽ khó xác định được con số thực của nợ công. Việc có đến ba đầu mối cùng quản lý nợ công như thế này cũng không phù hợp với yêu cầu của Bộ Chính trị là phải bảo đảm tập trung thống nhất trong quản lý nợ công nhằm sớm khắc phục tình trạng quản lý nợ công còn chồng chéo, chưa gắn trách nhiệm cân đối ngân sách, vay và trả nợ với phân bổ, sử dụng vốn.

Quy về một đầu mối sẽ không những giảm được biên chế, thủ tục hành chính, phiền hà mà còn giúp cho việc đàm phán nợ công thuận lợi hơn.

Một số ý kiến còn cho rằng thông lệ trên thế giới là quy định rõ một đầu mối quản lý tập trung, thống nhất nguồn lực nợ công. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, việc một người đi đàm phán, một người phân bổ số nợ vay, một người đi trả nợ là bất hợp lý, và khẳng định: “Chẳng quốc gia nào giống như chúng ta”.

Ngược lại, cũng có không ít ý kiến ủng hộ dự luật, và cho rằng quy định như dự luật sẽ không làm xáo trộn chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành. Ví dụ, NHNN đã và đang làm tốt vai trò chủ trì đàm phán với Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nên sẽ thuận lợi hơn nếu để NHNN tiếp tục chủ trì đàm phán, ký kết vay với các tổ chức này. Đồng thời, việc có ba cơ quan cùng quản lý sẽ tạo ra cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực lẫn nhau, hạn chế độc quyền.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho biết: “Nếu soi chiếu kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là các quy định của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hay WB thì cũng không có một mô hình mẫu nào về quản lý nợ công. Tùy theo thể chế, các quốc gia có thể giao một hoặc nhiều bộ, ngành khác nhau quản lý nợ công. Do đó việc tham khảo quốc tế là cần thiết nhưng cần có sự linh hoạt, không cứng nhắc”.

Không có mô hình mẫu trên thế giới

Trước tiên, cần tán đồng với ý kiến rằng không có một mô hình mẫu nào về quản lý nợ công trên thế giới, kể cả khi soi chiếu các quy định của IMF hay WB. Điều này có nghĩa là vẫn có nhiều nước đang có một cơ chế quản lý nợ công phân tán giống như Việt Nam.

Bản chỉ dẫn về quản lý nợ công (sau đây gọi là Bản chỉ dẫn), phiên bản sửa đổi năm 2014 được soạn thảo bởi IMF và WB(1) có nêu rõ rằng thực tế cho thấy có nhiều lựa chọn về đầu mối (cơ quan quản lý chức năng) trong việc phân bổ chức năng quản lý nợ công, gồm một hoặc nhiều hơn trong số những đầu mối sau: Bộ Tài chính, Ngân hàng Trung ương (NHTƯ), hay một cơ quan quản lý nợ công (DMO) độc lập.

Một nghiên cứu của IMF về quản lý nợ công ở các nước thuộc nhóm OECD trong cuối thập kỷ 80 đến thập kỷ 90 cũng cho thấy các nước này có mô hình thể chế về quản lý nợ công rất khác nhau. Trong khi một số nước thành lập cơ quan quản lý nợ công độc lập (SDMO) thì một số nước khác lại không thấy có nhu cầu tại sao phải tách rời các SDMO này với Bộ Tài chính(2).

Quan trọng là minh bạch, phối hợp và chịu trách nhiệm

Trở lại với hai luồng ý kiến ủng hộ và phản đối nội dung dự luật nêu trên, có thể thấy luồng ý kiến phản đối việc để cả ba đầu mối cùng quản lý nợ công là chưa có cơ sở chắc chắn, ngoài chuyện nêu không chính xác về kinh nghiệm của thế giới. Không có gì đảm bảo rằng việc tập trung về một mối sẽ tự khắc dẫn đến giảm biên chế, tăng hiệu quả. Bởi kinh nghiệm thực tiễn ở Việt Nam cho thấy việc sáp nhập, hợp nhất các cơ quan quản lý chỉ làm giảm số lượng đầu mối chứ thực ra không làm giảm được mấy nhân sự và vị trí (quản lý).

Việc cho rằng quy về một đầu mối sẽ tránh được tình trạng chồng chéo, chưa gắn trách nhiệm cân đối ngân sách, vay và trả nợ với phân bổ, sử dụng vốn... cũng không nhất thiết là đúng, vì ngay đến chính sách “một cửa” cũng còn lắm vấn đề để nói. Nếu trong bản thân đầu mối thống nhất này có một bộ máy phức tạp, nhập nhằng chức năng, nhiệm vụ thì rốt cuộc mọi thứ vẫn cứ rối tinh lên, vẫn kém hiệu quả, dễ lạm quyền.

Khả năng đàm phán nợ công thuận lợi hơn khi tập trung về một đầu mối cũng không nhất thiết sẽ xảy ra nếu người đàm phán không phối hợp hữu hiệu với các cơ quan chức năng khác như NHNN và Bộ Tài chính để căn cứ vào tình hình và bối cảnh vĩ mô, chính sách tiền tệ, hối đoái... mà có chiến lược đàm phán phù hợp.

Từ việc chưa có cơ sở chắc chắn như nói trên, điều quan trọng rút ra được cho mô hình quản lý nợ công ở Việt Nam là các “từ khóa” sau: phối hợp, minh bạch, và chịu trách nhiệm. Nói cách khác, phân tách thành ba đầu mối hay hợp nhất thành một đầu mối duy nhất không quan trọng bằng việc cần thiết phải đảm bảo thực hiện tốt những yêu cầu này.

Về yêu cầu phối hợp tốt, Bản chỉ dẫn nêu rõ các cơ quan liên đới như DMO (cơ quan quản lý nợ công), Bộ Tài chính và NHTƯ phải cùng hiểu biết chung và chia sẻ về mục tiêu quản lý nợ công và các chính sách tài khóa, tiền tệ, do có sự liên kết chéo và phụ thuộc lẫn nhau trong các công cụ chính sách của các cơ quan này.

Chẳng hạn, DMO và Bộ Tài chính cần phải chia sẻ thông tin về nhu cầu luồng tiền cho ngân sách hiện tại và tương lai; NHTƯ cần phải thông báo cho Bộ Tài chính về các tác động có thể có của mức nợ công lên việc đạt được các mục tiêu của chính sách tiền tệ. Việc phối hợp này phải được đặt trong bối cảnh đảm bảo môi trường vĩ mô lành mạnh.

Cũng cần lưu ý rằng việc phối hợp này không có nghĩa là NHTƯ tạo điều kiện cung cấp tín dụng lãi suất thấp cho Chính phủ bằng cách thi hành chính sách tiền tệ nới lỏng bất cẩn với lý do là hỗ trợ ngân sách, vì đây không phải là sứ mệnh của NHTƯ. Bởi vậy, chức năng và mục tiêu quản lý nợ công cần được tách bạch khỏi chức năng và mục tiêu của chính sách tiền tệ.

Về yêu cầu minh bạch và gắn trách nhiệm, Bản chỉ dẫn nêu rằng cần phân bổ trách nhiệm một cách rõ ràng giữa Bộ Tài chính, NHTƯ, hay SDMO (cơ quan quản lý nợ công độc lập) trong công tác quản lý nợ công. Bên cạnh đó, các mục tiêu của quản lý nợ công cũng cần được quy định rõ ràng và được công bố minh bạch.

Tương tự như vậy là các hoạt động quản lý nợ công, thông qua báo cáo thường niên và báo cáo định kỳ ra công chúng... Quan trọng không kém, các hoạt động quản lý nợ công, gồm cả quy trình quản lý rủi ro và hệ thống thông tin cần được kiểm toán hàng năm bởi tổ chức kiểm toán độc lập để đảm bảo trách nhiệm giải trình trong các hoạt động của này của cơ quan liên đới.

Tóm lại, Việt Nam vẫn có thể duy trì cơ chế ba bên cùng quản lý nợ công như hiện tại, nhưng phải đảm bảo rằng không có sự thỏa hiệp hay xung đột về lợi ích và sứ mệnh, có sự gắn kết và giải trình trách nhiệm rõ ràng, minh bạch, và cùng phải hướng đến mục tiêu chung là duy trì môi trường kinh tế vĩ mô lành mạnh.

Các tin khác