Quản lý cổ tức nhà băng?

(ĐTTCO) - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 91/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp (DN) và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN. 

Trong đó có quy định đáng chú ý là việc chia cổ tức tại các DN có vốn nhà nước trên 50% phải căn cứ ý kiến chỉ đạo của cơ quan đại diện chủ sở hữu sau khi đã lấy ý kiến của Bộ Tài chính.

Tránh việc đòi cổ tức

 Thực tế có không ít cổ đông đang trong tình trạng chôn vốn vào cổ phiếu NH nhiều năm không thể thu hồi được. Sắp tới, nếu cơ quan quản lý sẽ quản cả vấn đề cổ tức, nhà đầu tư góp vốn sẽ không có tiếng nói và quyền hạn, sức hấp dẫn của ngành NH chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng không ít.
Trong tờ trình về dự thảo, Bộ Tài chính cho biết Luật DN năm 2014,  Luật 69/2014/QH13 và Nghị định 91/2015 chưa có quy định cụ thể, bắt buộc người đại diện vốn nhà nước trước khi tham gia ý kiến, biểu quyết và quyết định tại ĐHCĐ, cuộc họp của HĐQT, HĐTV về các vấn đề phân phối lợi nhuận, trích lập các quỹ hàng năm của DN phải thống nhất ý kiến với cơ quan tài chính.
Nhưng thực tế điều hành thời gian qua, trước khi người đại diện vốn nhà nước tại một số DN như Tập đoàn Xăng dầu, Tổng công ty Hàng không, Cảng hàng không, Habeco, Sabeco… tham gia ý kiến, biểu quyết đều phải báo cáo xin ý kiến của cơ quan đại diện chủ sở hữu (chưa có sự thống nhất với cơ quan tài chính). Để tăng cường xử lý trách nhiệm thu vào ngân sách nhà nước phần cổ tức, lợi nhuận được chia đối với phần vốn góp của Nhà nước, tránh trường hợp cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định để lại DN và điều chỉnh tăng vốn điều lệ, Bộ Tài chính trình Chính phủ bổ sung quy định này.

Mặc dù quy định này áp dụng cho các DNNN nói chung, song ông Đặng Quyết Tiến, Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính, cho biết điều này được rút ra từ việc NH muốn giữ lại lợi nhuận, không chia cổ tức để tăng vốn nhưng Bộ Tài chính lại muốn thu cổ tức về.
Trong tờ trình, Bộ Tài chính cũng nêu quy định tương tự đối với người đại diện vốn nhà nước tại DN là NHTMCP tại Nghị định 57/2012 và thực tế điều hành việc này của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn tại một số DN cổ phần thời gian qua. Năm 2016, sau khi BIDV thông qua phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 8,5% và VietinBank không chia cổ tức để tăng vốn, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Thống đốc NHNN đề nghị can thiệp, yêu cầu BIDV và VietinBank phải chi trả cổ tức năm 2015, bổ sung cân đối ngân sách năm 2016. 

Tháng 10-2016, BIDV đã phản hồi chính thức đối với việc đòi cổ tức bằng tiền mặt của Bộ Tài chính khi thông báo về việc chốt danh sách và chi trả cổ tức năm 2015, tỷ lệ chi trả là 8,5% bằng tiền mặt. Theo đó, Bộ Tài chính sẽ thu về khoảng 2.700 tỷ đồng từ BIDV trong tổng số 2.900 tỷ đồng cổ tức được chi trả cổ đông.
Đầu tháng 1-2017, VietinBank cũng thông báo chi trả cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt với tỷ lệ 7%, tương ứng 2.600 tỷ đồng và Bộ Tài chính thu về 1.680 tỷ đồng cho ngân sách. Nếu dự thảo này được thông qua, sau này tình trạng đòi cổ tức sẽ không lặp lại, vì chỉ khi Bộ Tài chính thống nhất phương án, NH mới trình cổ đông thông qua.
Quản lý cổ tức nhà băng? ảnh 1 Bộ Tài chính sẽ thu về khoảng 2.700 tỷ đồng từ BIDV trong tổng số 2.900 tỷ đồng cổ tức được chi trả cổ đông. 
Giảm sức hút ngành NH
Theo một chuyên gia tài chính, mục tiêu Bộ Tài chính hướng đến là quản lý chặt chẽ hơn phần vốn đầu tư tại DN. Việc giữ lại cổ tức khiến phần vốn Nhà nước tại DN tăng lên, không phù hợp với yêu cầu Nhà nước sẽ dần thoái vốn để giảm tỷ lệ sở hữu. Hơn nữa, các cổ đông lớn có tiếng nói quyết định đối với cổ tức cũng phù hợp. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, việc chia cổ tức của NH còn phải thực hiện theo phê duyệt của NHNN vì mục tiêu đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống.  Đại diện NHNN cho biết cổ tức là việc của cổ đông, nhưng đối với các NH vấn đề này lại khác. 3 năm trở lại đây, các NHTM đã không được chủ động quyết định chia cổ tức, trước khi trình cổ đông, NHTM phải trình tỷ lệ và phương án chia cổ tức để NHNN phê duyệt. NHNN cũng đã không chấp thuận phương án của một số NH hoặc yêu cầu NH điều chỉnh giảm tỷ lệ chi trả.
Bởi đối với NH, nguyên tắc đầu tiên là phải trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định và NHNN khuyến khích chia cổ tức bằng cổ phiếu để nâng cao năng lực tài chính. Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính cũng muốn can thiệp vào quyết định chia cổ tức của NHTM có vốn nhà nước và nếu quy định chính thức, tới đây cổ tức của các NH sẽ phải chịu sự chi phối không nhỏ của cơ quan quản lý.

Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh cổ tức của các NHTM đang gây phiền lòng cổ đông, việc cơ quan quản lý sẽ quản cả cổ tức khiến niềm tin của cổ đông NH bị ảnh hưởng. Trong ĐHCĐ của các NHTM gần đây, vấn đề chia cổ tức là điểm nóng tranh cãi và bức xúc. Hầu hết các cổ đông của NH đều xem đầu tư cổ phiếu như một kênh gửi tiết kiệm, nhưng đa số chỉ được nhận cổ tức bằng cổ phiếu. Do nhiều NH vẫn chưa niêm yết trên sàn nên thanh khoản cổ phiếu rất thấp và giao dịch dưới mệnh giá. Khi NH chia cổ tức bằng cổ phiếu, lượng cổ phiếu tăng khiến giá trị bị pha loãng, giao dịch mua bán càng khó khăn hơn. 

Các tin khác