Quá tải chính sách tiền tệ?

(ĐTTCO) - Giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) là mong muốn chung của thị trường. 
Tuy nhiên, khi NHNN đồng thời vẫn phải đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, việc giảm lãi suất hoàn toàn không dễ.
Bài toán hạ lãi suất vẫn chưa giải

Khó hạ lãi suất cho vay trong năm 2017, đó là nhận định chung của các chuyên gia kinh tế. Cơ sở đầu tiên để đưa ra nhận định này do cầu tín dụng của thị trường rất lớn, trong đó cầu tín dụng trung và dài hạn rất cao khiến lãi suất khó giảm.
Tính đến cuối tháng 4, tín dụng tăng 5,76% so với cuối năm 2016, trong khi huy động vốn chỉ khoảng 3,7%. Trong thời gian này, thanh khoản của hệ thống NH cũng đã có dấu hiệu khó khăn cục bộ. Lãi suất liên NH có xu hướng tăng mạnh, ghi nhận vào cuối tháng 4, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm đạt mức 4,92%/năm, lãi suất trung bình kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần đạt mức 4,82%/năm. 

Trong tháng 5, lãi suất liên NH có xu hướng giảm nhưng vẫn neo ở mức cao, ngày 17-5 kỳ hạn qua đêm ở mức 4,1%/năm, kỳ hạn 1 tuần 4,33%/năm và kỳ hạn 2 tuần 4,43%/năm, kỳ hạn 1 tháng 4,49%/năm. Năm ngoái cùng thời điểm này, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm chỉ ở mức 1,46%/năm, kỳ hạn 1 tuần 1,55%/năm, kỳ hạn 2 tuần 2,45%/năm.
Trên thị trường 1, xét chung cả hệ thống, mặt bằng lãi suất huy động không có nhiều thay đổi so với đầu năm nhưng đã xuất hiện xu hướng chạy đua tăng lãi suất huy động kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở các NHTMCP. Như vậy trong những tháng cuối năm, chênh lệch giữa nguồn vốn huy động và cho vay cùng với nhu cầu vay vốn cao sẽ tiếp tục là rào cản đối với việc hạ lãi suất trong năm nay.

Cơ sở tiếp theo là tác động của xu hướng đồng USD tăng giá trên thế giới. So với đợt tăng lãi suất vào năm 2016, đợt tăng lãi suất đồng USD của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) vào giữa tháng 3 vừa qua không có nhiều tác động ngay lập tức đến thị trường. Tuy nhiên, FED cũng đã đưa ra thông điệp sẽ tăng lãi suất từ từ và dự báo sẽ tiếp tục tăng thêm 2 lần nữa trong năm nay và 3 lần trong năm 2018.
Như vậy, khả năng đồng USD sẽ tiếp tục biến động theo xu hướng đi lên trong tương lai. Triển vọng tăng lãi suất đồng USD dự báo sẽ thúc đẩy xu hướng đảo chiều của dòng vốn gián tiếp ra khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam và giảm tính hấp dẫn của VNĐ. Đứng trước xu hướng này, cần phải giảm giá VNĐ để giữ lợi thế về xuất khẩu, còn nếu muốn thực hiện mục tiêu ổn định tỷ giá buộc phải điều chỉnh tăng lãi suất VNĐ. 

Một yếu tố nữa vẫn luôn thường trực kìm hãm đà giảm của lãi suất là nợ xấu. Hiện nay, các NH vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro cho những khoản nợ xấu của mình và chi phí này vẫn được tính lãi suất cho đến khi khối lượng nợ xấu tại VAMC được xử lý triệt để.
Đồng thời, ngân sách thâm hụt dẫn đến nợ công tăng cao và lượng trái phiếu Chính phủ được phát hành khá lớn (kế hoạch năm 2017 là 183,3 nghìn tỷ đồng) sẽ tiếp tục là kênh cạnh tranh vốn trực tiếp với doanh nghiệp và khuấy động lãi suất.
Quá tải chính sách tiền tệ? ảnh 1 Ảnh minh họa. 
Áp lực đa mục tiêu
Trong phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4-2017, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết qua phân tích, đánh giá kết quả tháng 4 và 4 tháng, các thành viên Chính phủ cho rằng nhiệm vụ của những tháng tiếp theo trong năm 2017 rất nặng nề, nhất là đối với mục tiêu tăng trưởng 6,7% và kiểm soát lạm phát 4%.
Tuy nhiên, Chính phủ vẫn kiên định, nhất quán thực hiện mục tiêu tăng trưởng và lạm phát đề ra để bảo đảm được các cân đối vĩ mô như ngân sách nhà nước, nợ công, đầu tư, xuất nhập khẩu và việc làm, thu nhập, đời sống người dân; cũng như để tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững những năm tiếp theo và bảo đảm đạt mục tiêu kế hoạch 5 năm 2016-2020 tăng trưởng 6,5-7%. 

Để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ cần theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, chủ động điều hành chính sách tiền tệ, bảo đảm kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu đề ra, có các giải pháp, chính sách phù hợp để vừa kiểm soát lạm phát, vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng; tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay để giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp, tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên gắn với bảo đảm chất lượng tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống… 

Với áp lực mục tiêu tăng trưởng cao của năm 2017, NHNN đã xác định điều hành lãi suất cần phải linh hoạt, đảm bảo ổn định được mặt bằng lãi suất cơ bản và cố gắng phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất trung và dài hạn như Chính phủ chỉ đạo.
Tuy nhiên, bước vào năm 2017, các biến số bên ngoài và bên trong lại có xu hướng tác động tiêu cực đến mục tiêu này. Trong khi đó, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% cũng tạo sức ép lớn lên lạm phát cơ bản.
Ngoài ra, xu hướng đồng USD lên giá và các nước nhiều khả năng vẫn tiếp tục thực hiện chính sách chủ động làm yếu đồng nội tệ có thể ảnh hưởng đến tỷ giá và lạm phát trong nước. Như vậy, lãi suất sẽ là bài toán hóc búa nhất đối với NHNN trong năm 2017, trong bối cảnh phải kìm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, nếu huy động vốn mà không có phương án tốt sẽ gây lạm phát.

Theo ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trường Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), để thực hiện cùng lúc nhiều mục tiêu có tính xung đột như hiện nay là một thách thức rất lớn đối với NHNN, đòi hỏi NHNN phải bám sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước, dự báo các xu hướng chính của thị trường tài chính trong nước và trên thế giới để kịp thời đưa ra chính sách ứng phó kịp thời.
Điều này đặc biệt khó khăn khi thị trường tài chính trong nước còn non trẻ, các TCTD vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu và xã hội vẫn còn rất khắt khe với NHNN trong việc chấp nhận rủi ro chính sách trên một thị trường đầy bất định như hiện nay. 
 Khi chính sách tiền tệ vẫn còn đóng vai trò lớn đối với tăng trưởng kinh tế và hệ thống tài chính Việt Nam về cơ bản vẫn dựa vào hệ thống NHTM, NHNN sẽ vẫn còn chịu áp lực rất lớn vì cùng lúc phải duy trì quá nhiều mục tiêu, nếu áp lực kéo dài có thể gây phản ứng ngược. Do đó, nhiều ý kiến đề xuất cần phải có sự điều chỉnh để cân bằng giữa chính sách tài khóa và tiền tệ để giảm tải cho chính sách tiền tệ, từ đó ngành NH mới có điều kiện để giảm lãi suất.

Các tin khác