Phúc thẩm “Đại án” 6.126 tỷ đồng: Nhiều ngân hàng không đồng ý bị thu hồi tiền

(ĐTTCO) - Ngày 18-12, phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (viết tắt VNCB, nay là Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam - viết tắt CBBank) tiếp tục phần tranh luận.

Theo bản án sơ thẩm, để có tiền tái cơ cấu Ngân hàng TMCP Đại Tín (viết tắt TrustBank, tiền thân của VNCB) và duy trì việc thanh khoản ngân hàng, bị cáo Phạm Công Danh - nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị VNCB, Chủ tịch Hội đồng Thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh, đã chỉ đạo nhân viên VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh sử dụng 29 lượt công ty do Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân vay vốn tại Sacombank, TPBank, BIDV; đồng thời dùng tiền của VNCB gửi sang 3 ngân hàng này để cầm cố, bảo lãnh cho các khoản vay, sau đó bị các ngân hàng trên thu hồi nợ từ tiền gửi của VNCB với số tiền hơn 6.126 tỷ đồng.

Do các công ty trên làm hồ sơ vay khống, không thực hiện kinh doanh theo phương án đã cam kết trong hợp đồng tín dụng nên không có tiền trả nợ. VNCB thực hiện việc bảo lãnh nhưng không yêu cầu cầm cố, thế chấp tài sản nên không thu hồi được tiền bảo lãnh từ các công ty này, dẫn đến VNCB bị thiệt hại hơn 6.126 tỷ đồng.

Phúc thẩm “Đại án” 6.126 tỷ đồng: Nhiều ngân hàng không đồng ý bị thu hồi tiền ảnh 1Bị cáo Phạm Công Danh trong phiên tòa sơ thẩm

Tại phiên xử sơ thẩm, với nhận định khoản tiền 4.500 tỷ đồng được bị cáo Phạm Công Danh dùng từ hành vi phạm tội chuyển về VNCB nhằm tăng vốn điều lệ cho VNCB nhưng không được Ngân hàng Nhà nước đồng ý, Tòa án nhân dân TPHCM buộc CBBank phải trả lại số tiền này cho bị cáo Danh.

CBBank kháng cáo, không đồng ý trả lại tiền vì cho rằng phán quyết của tòa án cấp sơ thẩm chưa đủ cơ sở. 

Đối với nội dung này, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại TPHCM nêu quan điểm cho rằng nguồn gốc số tiền trên là bất hợp pháp, 4.500 tỷ đồng đã không được Ngân hàng Nhà nước cho phép hạch toán tăng vốn điều lệ cho VNCB; đồng thời không phải là vật chứng của vụ án, cũng không phải là công cụ, phương tiện phạm tội nên không có cơ sở thu hồi để trả lại cho bị cáo Danh như án sơ thẩm đã tuyên.

Về thu hồi tài sản để khắc phục hậu quả vụ án, Tòa án nhân dân TPHCM tuyên thu hồi hàng ngàn tỷ đồng từ những nguồn mà bị cáo Danh dùng hơn 6.126 tỷ đồng vay được để chi trả.

Cụ thể, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Sở Giao dịch II bồi hoàn CBBank 1.176 tỷ đồng; BIDV chi nhánh Hải Vân trả lại CBBank 457 tỷ đồng; bà Hứa Thị Phấn (nguyên Cố vấn cao cấp HĐQT TrustBank) phải hoàn trả CBBank 600 tỷ đồng; ông Trần Quí Thanh (Tập đoàn Tân Hiệp Phát) trả lại CBBank 194 tỷ đồng...

Phán quyết này của tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo.

Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho BIDV cho rằng bị cáo Phạm Công Danh đã chủ động chỉ đạo các lãnh đạo, nhân viên VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh thực hiện hành vi cố ý làm trái, gây thiệt hại cho chính VNCB; BIDV không có lỗi trong hành vi phạm tội của bị cáo Danh và đồng phạm.

Theo quy định, người phạm tội phải bồi thường thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.

Do vậy, bản án sơ thẩm quyết định thu hồi số tiền này từ BIDV là không đúng đối tượng, không có căn cứ pháp lý.

Tương tự, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Trần Quí Thanh cho rằng số tiền 194 tỷ đồng bị tòa án cấp sơ thẩm tuyên thu hồi không liên quan tới vụ án, không có căn cứ xác định nguồn tiền xuất phát từ hành vi phạm tội của bị cáo Danh.

Hội đồng xét xử quyết định nghị án kéo dài và sẽ tuyên án vào ngày 25-12.

Các tin khác