Phí chưa tương xứng chất lượng

(ĐTTCO) - Hiện nay, các NH áp dụng thu phí đối với hầu hết giao dịch của khách hàng và mức khá cao. Nhưng ngược lại, điều khách hàng nhận được là chất lượng dịch vụ và thái độ phục vụ vẫn chưa thật sự tương xứng.

(ĐTTCO) - Hiện nay, các NH áp dụng thu phí đối với hầu hết giao dịch của khách hàng và mức khá cao. Nhưng ngược lại, điều khách hàng nhận được là chất lượng dịch vụ và thái độ phục vụ vẫn chưa thật sự tương xứng.

Phí bao vây khách hàng 

Một số khách hàng cũng cho biết khi có nhu cầu chuyển tiền ra nước ngoài, họ rất ngại phí NH. Do đó, nhiều người đã chọn dịch vụ Payoo hoặc mở thẻ Master Card của Payoneer phát hành, thậm chí sử dụng các dịch vụ chuyển tiền chui để giảm phí.

Theo lời kể của một khách hàng, cuối tháng 3 vừa qua, người thân của ông chuyển 400 triệu đồng từ Agribank chi nhánh huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai vào tài khoản BIDV của ông tại TPHCM, đã phải trả phí cho Agribank 308.000 đồng, bao gồm phí chuyển tiền mặt 280.000 đồng (0,77% khoản tiền giao dịch) và 10% thuế VAT là 28.000 đồng.

Sau đó, ông tiến hành chuyển khoản qua internet banking của BIDV đến 2 tài khoản khác NH, mỗi tài khoản 200 triệu đồng và ông phải trả phí 60.000 đồng/mỗi giao dịch. Khách hàng này cho rằng mức phí giao dịch NH hiện nay quá đắt đỏ.

Trong khi đó, khách hàng Đ.T ngụ quận Bình Thạnh TPHCM cũng chia sẻ với ĐTTC, dù các NH thu phí đều đặn nhưng dịch vụ cung cấp không tương xứng. Như tại BIDV, khi đến NH lấy số phải chờ rất lâu mới đến lượt giao dịch, còn ATM thường xuyên báo không giao dịch được hoặc giao dịch lỗi vào buổi tối sau 10 giờ và ngày nghỉ, dù ghi là hoạt động 24/7.

 Chị Minh Phương, ngụ quận Tân Bình, TPHCM, cho biết chị nhận tiền chuyển khoản của khách hàng từ nước ngoài gửi về tài khoản ngoại tệ tại một NH, trong đó có khoản 100USD bị trừ phí 22USD, khoản 310USD bị trừ phí 12USD.

Trước đó, khách hàng chuyển tiền về tài khoản của chị cũng đã chịu phí ở nước ngoài khi thực hiện giao dịch. Khi đến NH hỏi, chị được giải thích, trong 310USD, NH trung gian thu 9USD, Vietcombank thu 2,2USD, còn 100USD phải trả cho NH trung gian 20USD, Vietcombank thu 2,2USD.

Nếu chị rút khoản tiền này trong vòng 10 ngày, NH sẽ thu thêm 0,03% phí kiểm đếm. Trong khi đó, nếu chuyển tiền qua Western Union nay Money Gram từ nước ngoài về Việt Nam, người nhận không tốn phí.

Nhiều khách hàng cũng phản ảnh khi đưa thẻ BIDV vào máy ATM bỗng xuất hiện yêu cầu đổi PIN, trong khi NH không thông báo dù mỗi tháng vẫn thu phí dịch vụ tin nhắn. Việc này khiến khách hàng bất ngờ và lúng túng, lo ngại hacker can thiệp vào máy ATM nên không thực hiện giao dịch, sau đó mới biết đây là yêu cầu NH.

Không riêng BIDV, những trục trặc như hết tiền, lỗi thiết bị hệ thống ATM của các NH vẫn thường xuyên diễn ra, nhất là vào thời điểm lễ tết khiến người dân cảm thấy phiền toái.

Hạ tầng không theo kịp

Hiện nay, hầu hết các giao dịch đều được NH áp phí, trong đó giao dịch tiền mặt nằm trong nhóm phải chịu phí cao. Thí dụ, phí nộp tiền mặt khác tỉnh, thành mở tài khoản, phí rút tiền mặt khoảng 0,03%; nhận tiền chuyển khoản đến tài khoản từ NH khác và rút tiền mặt trên 1 tỷ đồng trả 0,03%/số tiền; phí kiểm đếm nộp tiền tài khoản 0,03%; nhận chuyển khoản 0,01%; chuyển khoản ngoài hệ thống 0,03-0,77%.

Ngoài ra, một số NH còn quy định chi tiết như nộp tiền mặt VNĐ mệnh giá nhỏ từ 5.000 đồng trở xuống và số tiền nộp từ 100 triệu đồng trở lên phải chịu phí 0,03%; rút tiền mặt từ 25 triệu trở lên chịu phí 0,005%.

Tại Hà Nội và TPHCM, phí nộp VNĐ giữa các chi nhánh thuộc các quận nội thành 0,008%, giữa các chi nhánh thuộc các quận nội thành với các chi nhánh thuộc ngoại thành 0,01%, rút VNĐ từ tài khoản cùng tỉnh, TP chịu phí 0,005-0,02%, rút VNĐ từ tài khoản khác tỉnh, TP 0,02-0,06%...

Đó chỉ là một số khoản trong một rừng phí các NH đang áp dụng đối với khách hàng cá nhân. Về vấn đề phí, nhiều khách hàng chia sẻ hiện nay, mức độ cạnh tranh của các NH rất cao, do đó tâm lý chung của người dân là lựa chọn những NH có phí dịch vụ thấp để giao dịch.

Bên cạnh đó còn có 2 yếu tố họ sẽ cân nhắc để tiếp tục giao dịch hay chuyển sang NH khác là thái độ của nhân viên và chất lượng dịch vụ. Thực tế đã có không ít khách hàng chuyển sang NH khác bởi khi giao dịch phải trả phí cho NH nhưng chất lượng dịch vụ kém hay không được phục vụ tận tình, thậm chí còn phải đối mặt với thái độ khó chịu từ các nhân viên. Đây là điều khách hàng mong muốn các NH xem lại để có sự cải thiện.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đầu năm nay, Chính phủ đã ban hành Quyết định 2545/QĐ-TTg phê duyệt đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020. Giải pháp để thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt là triển khai một số biện pháp hành chính, kết hợp với các biện pháp khuyến khích về lợi ích kinh tế nhằm phát triển thanh toán điện tử.

Trong đó, đáng chú ý là ban hành các cơ chế, chính sách thích hợp về phí dịch vụ thanh toán để khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, quy định mức phí thanh toán chuyển khoản và mức phí nộp, rút tiền mặt tại các TCTD.

 Trong bối cảnh phí NH đang bao vây khách hàng, nội dung này cũng khiến nhiều khách hàng lo lắng phí giao dịch sẽ đội lên. Mặc dù hiểu rõ những quy định này hướng đến mục tiêu giảm giao dịch tiền mặt, song cho đến nay hệ thống ATM, máy POS, giao dịch trực tuyến, các thiết bị hỗ trợ thanh toán không dùng tiền mặt chưa vận hành thông suốt, chưa đáp ứng được nhu cầu thanh toán.

Do đó, để hướng đến một thị trường thanh toán không dùng tiền mặt, trước hết các NH cần hiện đại hóa công nghệ và các hệ thống thanh toán, phổ biến kiến thức sâu rộng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và cơ chế giám sát trong thanh toán không dùng tiền mặt. Khi đáp ứng được những yêu cầu này, người dân sẽ cảm thấy an toàn, thuận tiện và thoải mái hơn khi sử dụng dịch vụ qua NH, từ đó tất yếu nảy sinh nhu cầu sử dụng.

Các tin khác