Phát triển dữ liệu cá nhân: Tăng minh bạch tài chính tiêu dùng

(ĐTTCO) - Trung bình mỗi  năm, Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia (CIC) cung cấp cho các tổ chức tín dụng (TCTD), công ty tài chính khoảng 18,5 triệu báo cáo thông tin tín dụng để ra quyết định vay vốn cho khách hàng. 

“Lai lịch” khách hàng
Với doanh nghiệp đi vay vốn NH, các món vay thường lớn nên đòi hỏi cán bộ NH phải thẩm định kỹ và ra quyết định giải ngân một cách thận trọng. Mặc dù hiện nay nhiều NH đã “cởi mở” hơn khi cho vay tín chấp, nhưng về cơ bản doanh nghiệp vẫn phải có tài sản thế chấp, phương án kinh doanh hiệu quả, thậm chí phải có lịch sử tín dụng tốt thì các NH mới mở hầu bao. 
 Khách hàng cần nâng cao ý thức giữ gìn, duy trì hồ sơ cá nhân với lịch sử tín dụng tốt trên CIC, để được hưởng những lợi ích tốt khi tham gia vay tiêu dùng của các công ty tài chính, hoặc các hoạt động tín dụng với hệ thống các NH.  
Điều này khác hẳn với cho vay tín chấp tiêu dùng, với các món vay nhỏ, khách hàng cần giải ngân nhanh, nhưng điều quan trọng là làm thế nào để các NH hay các công ty tài chính vẫn biết được “lai lịch” khách hàng, khả năng trả nợ trước khi ra quyết định.
Tại các nước phát triển, hệ thống dữ liệu công dân nói chung và dữ liệu tài chính cá nhân nói riêng phát triển khá mạnh và ổn định, hỗ trợ lớn cho hoạt động tín dụng tiêu dùng, cũng như đảm bảo an toàn cho các nhà cung cấp dịch vụ. Trong khi đó tại Việt Nam, hệ thống dữ liệu này còn khá mới và chưa hoàn chỉnh.  
Với vai trò là đơn vị chủ yếu cung cấp các thông tin lịch sử tín dụng của khách vay cho các TCTD hiện nay, CIC hiện nắm giữ thông tin của khoảng 36,6 triệu khách hàng. Tại thời điểm này, CIC là nguồn cung cấp thông tin tín dụng quan trọng nhất và lớn nhất cho các TCTD trước khi ra quyết định cho khách hàng vay vốn hay không. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trong cung cấp thông tin của CIC khoảng 20-30%.
Phát triển dữ liệu cá nhân: Tăng minh bạch tài chính tiêu dùng ảnh 1
 
Riêng năm 2017, CIC đã cung cấp cho các TCTD, công ty tài chính khoảng 18,5 triệu báo cáo thông tin tín dụng các loại (trong đó thông tin khách hàng cá nhân chiếm khoảng 70%), tăng trưởng trên 30% so với năm 2016. Mức tăng trưởng này cho thấy hệ thống các TCTD đang sử dụng dữ liệu của CIC ngày càng nhiều và hiệu quả.CIC mở rộng thu thập dữ liệu
Ông Đỗ Hoàng Phong, Tổng giám đốc CIC cho biết, ngoài các thông tin về tình hình tài chính trực tiếp, các dữ liệu về thanh toán hóa đơn điện, nước, gas, điện thoại, truyền hình cáp, hóa đơn các dịch vụ tiện ích… (gọi chung là dữ liệu thay thế), được coi như nguồn dữ liệu đầu vào quan trọng để đánh giá khách hàng vay, đặc biệt là khách hàng chưa từng có quan hệ tín dụng với NH.
Do đó, các công ty thông tin tín dụng trên thế giới đều có xu hướng thu thập các dữ liệu thay thế này vào hệ thống của mình, nhằm đảm bảo cho các tổ chức tài chính có thêm nguồn thông tin tham khảo, đánh giá khách hàng vay trước khi đưa ra quyết định cho vay.
Hiện nay CIC đã và đang đẩy mạnh kế hoạch mở rộng nguồn dữ liệu của mình, tiếp cận các nguồn dữ liệu thay thế. Cụ thể, CIC đã tiến hành thu thập các thông tin ngoài ngành NH, như Trung tâm Đăng ký doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), triển khai kết nối với Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an), cũng như lên kế hoạch thu thập thông tin từ các đơn vị cung cấp dịch vụ tiện ích của Việt Nam trong thời gian tới.
Sự mở rộng mạnh mẽ trong thu thập thông tin dữ liệu, được kỳ vọng sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho hoạt động cho vay tài chính tiêu dùng phát triển trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính, từ các thông tin dữ liệu, các công ty tài chính cũng cần phân tích, tìm hiểu kỹ các thông tin về khách hàng trước khi đưa ra quyết định cho vay. Những thông tin này có thể là lịch sử vay nợ của khách hàng, có thể là các lịch sử thanh toán (nếu có) của khách hàng, nhằm hỗ trợ các công ty tài chính có cái nhìn cụ thể và chính xác hơn về khách hàng vay của mình.
Các công ty tài chính tiêu dùng cũng cần minh bạch và cho khách hàng nắm rõ hợp đồng ký kết, đặc biệt là các hợp đồng có sự liên kết 3 bên, trong đó có cả nhà cung cấp dịch vụ hoặc hàng hóa tiêu dùng.
Về phần khách hàng vay, ngoài việc quản lý bảo mật các giấy tờ cá nhân của mình tránh bị lợi dụng, cần chú ý đến các điều khoản trong hợp đồng tín dụng với công ty tài chính, nắm rõ mức lãi suất, số tiền và thời hạn phải trả hàng tháng, đảm bảo mình có khả năng chi trả cho mức lãi suất vay đó và tránh việc chậm trả nợ dẫn đến vi phạm hợp đồng và bị lãi phạt, giảm thiểu những khiếu kiện không đáng có trong quá trình vay vốn.

Các tin khác