Phát huy công cụ xử lý nợ xấu

(ĐTTCO) - Cơ chế mua bán nợ theo thị trường, mở rộng thị trường mua bán nợ cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu, đang kích thích thị trường mua bán nợ chuyển biến tích cực.
 Nhưng để thị trường mua bán nợ thực sự sôi động cần có sự tham gia của người mua, người bán và hình thành sàn mua bán nợ, tiến tới chứng khoán hóa tài sản bảo lãnh các khoản nợ. Trao đổi với ĐTTC về vấn đề này, ông ĐOÀN VĂN THẮNG, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản các TCTD Việt Nam (VAMC), cho biết:
Thị trường mua bán nợ đang ghi nhận những tín hiệu tích cực khi nhiều vụ mua bán lớn nợ quy mô hàng ngàn tỷ đồng được thực hiện. Đó là thương vụ mua bán, xử lý khoảng 7.000 tỷ đồng nợ xấu tại NH Đông Á, NH Hàng Hải, thông qua việc thu giữ và đấu giá tòa nhà Sài Gòn One Tower; xử lý khoản nợ 2.400 tỷ đồng tại Sacombank thông qua việc đấu giá 51.454m2 đất tại phường Tân Thuận, quận 7, TPHCM thuộc sở hữu của Tập đoàn Hoàn Cầu.
Sắp tới, VAMC cũng thực hiện xử lý khoản nợ xấu trị giá khoảng 2.930 tỷ đồng của doanh nghiệp Diệp Bạch Dương tại Agribank. Những chuyển biến tích cực trong quá trình xử lý nợ xấu đang kích thích các TCTD tích cực hơn trên thị trường mua bán nợ. 

Mở rộng thị trường mua bán nợ
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, từ khi có Nghị quyết 42/2017/QH14 (NQ42) của Quốc hội về xử lý nợ xấu, tiến trình xử lý nợ đã chuyển biến thế nào?
Ông ĐOÀN VĂN THẮNG: - Có thể nói NQ42 là công cụ vĩ mô tạo hành lang pháp lý, có sự phối hợp các ban ngành, tạo sự phấn khích đối với hệ thống tín dụng trong giải quyết khối nợ xấu. Sau NQ42, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1058 và NHNN có Văn bản 1533 về thí điểm xử lý nợ xấu tại 6 TCTD. Quyết định 1058 đã tạo ra thuận lợi rất lớn cho VAMC, như bảo đảm vốn điều lệ đến 2018 là 5.000 tỷ đồng, đến 2020 là 10.000 tỷ đồng, tăng nguồn lực xử lý nợ. 
NQ42 đã thể hiện quan điểm tiến bộ trong xử lý nợ xấu, khi ngay trong điều khoản đầu tiên đã đề cập đến quyền của người cho vay, người xử lý nợ trong lĩnh vực xử lý nợ xấu, thay vì theo thiên hướng bảo vệ người đi vay nhiều hơn. NQ42 không chỉ tốt cho VAMC mà cho cả TCTD trong quá trình xử lý nợ xấu.
Thứ nhất là quyền thu giữ tài sản. Trước khi có NQ42, các TCTD vẫn tự thực hiện quyền thu giữ tài sản, nhưng Bộ luật Dân sự 2015 quy định việc thu giữ tài sản phải qua tòa án, trong khi hệ thống tòa án quá tải, không thể xử lý được hết. Nên Điều 7 NQ42 quy định luôn việc TCTD có quyền thu giữ tài sản bảo đảm các khoản nợ xấu.
Điểm tiến bộ thứ 2 thể hiện trong NQ42 là quy định mua bán nợ theo giá thị trường của người mua như VAMC, của người bán như các tổ chức có chức năng mua bán nợ, và mở rộng ra cả các tổ chức, cá nhân có nhu cầu, tức NQ42 đã mở rộng thị trường mua bán nợ, phạm vi mua cũng rộng hơn. Nếu trước đây, VAMC chỉ được mua nợ xấu trong nội bảng nay được mua cả nợ xấu ngoại bảng.
Hơn nữa, các TCTD có thể được bán thấp hơn giá trị có thể của tài sản đảm bảo. Đặc biệt, để đẩy nhanh quá trình mua bán nợ theo giá thị trường, Quốc hội cũng cho phép VAMC thỏa thuận mua nợ trên cơ sở bằng định giá của tổ chức định giá độc lập 2 bên lựa chọn.
Phát huy công cụ xử lý nợ xấu ảnh 1  Việc thu giữ  Sài Gòn One Tower chỉ là một bước trong quá trình xử lý tài sản.
Để triển khai NQ42, NHNN đã lựa chọn 6 TCTD tham gia VAMC để thí điểm xử lý nợ xấu, gồm BIDV, Agribank, VietinBank, Sacombank, ACB và Techcombank. VAMC đã ký hợp đồng hợp tác với Sacombank và BIDV, sắp tới sẽ ký kết hợp tác với Agribank. Trong đó, Sacombank bán cho VAMC 2.580 tỷ đồng nợ xấu. Hiện VAMC đang phân loại, rà soát, danh mục các tài sản bảo đảm các khoản nợ có thể mua bán theo giá thị trường. Trong năm nay, VAMC đặt ra kế hoạch mua vào khoảng 2.000 tỷ đồng nợ xấu.

Kỳ vọng “phát pháo” đầu Sài Gòn One thành công
- Việc VAMC thu giữ Sài Gòn One Tower để xử lý khoản nợ xấu 7.000 tỷ đồng có gặp vướng mắc gì, và kế hoạch đấu giá tòa nhà này sẽ thực hiện thế nào bởi nhiều cá nhân, tổ chức đã mua nhà tại dự án này, thưa ông?
- Việc thu giữ tài sản với Sài Gòn One Tower chỉ là một bước trong quá trình xử lý tài sản, không phải VAMC siết nợ. Trước khi tiến hành đấu giá, hay bán thỏa thuận tài sản theo hình thức cạnh tranh cũng phải thực hiện thu giữ tài sản, khách hàng phải bàn giao tài sản. Với Sài Gòn One Tower sau khi thu giữ, VAMC thông qua quyền để TCTD quản lý tài sản đó, nhưng vẫn cam kết để Sài Gòn One Tower tiếp tục hoạt động, tránh xáo trộn tình hình kinh doanh của họ.
Theo đó, VAMC sẽ tiến hành định giá dự án Sài Gòn One Tower theo đúng NĐ61, khi có kết quả thẩm định, có giá căn cứ giá khởi điểm rồi sẽ tiến hành tổ chức đấu giá. VAMC cũng sẽ thuê tổ chức thực hiện đấu giá với mục tiêu thu được nhiều nhất so với số tiền các NH đã bỏ ra. Làm như vậy nghĩa vụ trả nợ của khách hàng cũng giảm đi.
Đây là một tài sản lớn, phức tạp, nên phải thành lập hội đồng xử lý nợ với Sài Gòn One Tower. VAMC mời cả đại diện Viện Kiểm sát tối cao, cơ quan an ninh kinh tế tư vấn cho hội đồng, thành viên của 2 NH Hàng Hải và Đông Á cũng tham gia vào hội đồng. VAMC cũng đã chủ động thông báo trên website của mình, của NH Đông Á và Hàng Hải, đăng tải trên các báo đề nghị các cá nhân, tổ chức liên quan cung cấp thông tin liên quan đến tài sản.
- Theo ông, NQ42 sẽ tác động thế nào đến thị trường mua bán nợ trong thời gian tới?
- NQ42 cho phép các tổ chức, cá nhân có nhu cầu được mua bán nợ, nên thị trường mở rộng rất nhiều, đặc biệt nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng rất quan tâm đến việc mua bán tài sản bảo lãnh các khoản nợ. Chắc chắn thời gian tới thị trường sẽ sôi động. Nhưng thị trường muốn phát triển phải có người mua, người bán và phải có sàn mua bán nợ như một chợ mua bán.
Hiện việc điều hành chợ mua bán nợ chưa có, phải có nền tảng này thị trường mua bán nợ mới sôi động được, thậm chí phải tính toán đến việc chứng khoán hóa các khoản nợ để tạo sàn giao dịch mua bán nợ xấu. 
Hiện một số NH đang đề nghị VAMC thu giữ những tài sản bảo đảm lớn, như Diệp Bạch Dương với giá trị khoản nợ 2.930 tỷ đồng vay của Agribank. Có NH cũng đề nghị VAMC thu giữ một dự án bệnh viện. Việc thu giữ thành công một số tài sản bảo đảm nợ xấu thời gian qua đã tạo động lực rất lớn cho các TCTD trong xử lý nợ.
- Xin cảm ơn ông.
 Từ đầu năm đến nay, VAMC đã mua 25.000 tỷ đồng nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt và hoàn thành 100% kế hoạch của NHNN. Căn cứ nhu cầu một số TCTD, đặc biệt là TCTD thuộc diện tái cơ cấu, VAMC đang đề nghị NHNN phê duyệt bổ sung thêm kế hoạch mua nợ. Tính từ khi hoạt động đến 30-9, VAMC đã mua hơn 300.000  tỷ đồng nợ gốc của các TCTD. Và đến đầu tháng 10 này VAMC cũng đã phối hợp cùng TCTD thu hồi được khoảng 64.000 tỷ đồng nợ xấu thông qua nhiều giải pháp như đôn đốc khách hàng tự trả nợ, thanh lý tài sản bảo đảm…

Các tin khác