P2P vẫn ngoài tầm kiểm soát

(ĐTTCO) - Hình thức cho vay ngang hàng (P2P) ngày càng nở rộ tại Việt Nam. Đó là tổ chức kết nối nhà đầu tư và người cần tiền để cho vay những khoản vay nhỏ. 
Dù vậy, cho đến nay vẫn chưa có công ty P2P nào được NHNN cấp phép hoạt động, cũng như chưa có bất kỳ hành lang pháp lý nào quản lý lĩnh vực này.
Nở rộ cho vay ngang hàng
Ngày 5-6, CTCP Đổi mới Công nghệ Tài chính Fiin (Fiin) ra mắt dịch vụ cho vay trực tuyến. Theo giới thiệu, Fiin sẽ cung cấp dịch vụ kết nối người vay và người cho vay online qua hệ thống ứng dụng di động Fiin để hỗ trợ các hoạt động, dịch vụ tài chính số cho người dùng. Fiin còn kết nối người vay và người cho vay sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, và xử lý dữ liệu lớn (Big Data) hiện đại vào quy trình thẩm định hồ sơ.
 Mô hình P2P là sản phẩm sáng tạo của thị trường, không nên cấm mà phải ủng hộ sự sáng tạo. Giải pháp để ủng hộ là xây dựng hành lang pháp lý thử nghiệm cho loại hình này hoạt động lành mạnh, chặn và loại bỏ các công ty P2P hoạt động tín dụng đen trá hình.
Ông PHẠM XUÂN HÒE
Phó Viện trưởng Viện Chiến lược NH (NHNN)
Với tính bảo mật cao, an toàn, hiệu quả, Fiin giúp giảm lãi cho người vay, đồng thời là kênh đầu tư hiệu quả cho những người có nguồn tài chính dư dả. Đầu ra là người vay chỉ với vài thao tác đơn giản, khách hàng có thể đăng ký khoản vay trực tuyến, duyệt hồ sơ nhanh gọn qua ứng dụng trên điện thoại di động. Tiền sẽ về tài khoản người vay ngay trong ngày. Khoản vay tối thiểu 1 triệu đồng, hồ sơ càng tốt, khoản vay càng cao.
Còn đầu vào là người cho vay, tức những người có nguồn tài chính dư dả có thể cho vay tại Fiin với lãi suất lên đến 18%. Fiin đảm bảo 100% khoản vay sẽ được thanh toán đầy đủ gốc và lãi cho nhà đầu tư.
Trước đó, tháng 12-2017, CTCP Vay Mượn cũng rầm rộ ra mắt thử nghiệm VayMuon.vn, sàn giao dịch vay tiêu dùng tín chấp không gặp mặt đầu tiên tại Việt Nam, hoạt động theo mô hình P2P. Ứng dụng này đáp ứng nhu cầu vay nhanh các khoản tiền nhỏ trong thời gian ngắn, đăng ký trực tuyến trên điện thoại di động.
Hồ sơ được xét duyệt và giải ngân chỉ trong 4 giờ với lần vay đầu và 30 phút các lần vay sau, không cần thế chấp tài sản hay giấy tờ, đặc biệt không yêu cầu gặp mặt trực tiếp. Khoản vay được giới thiệu đến các nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi trên Ví điện tử VIMO.vn giải ngân, và được VayMuon.vn đảm bảo an toàn 100% cả gốc và lãi. Ngoài ra, hiện nay còn có khá nhiều ứng dụng như Mofin, Tima, Lendbiz… đang hoạt động với hình thức tương tự. 
P2P vẫn ngoài tầm kiểm soát ảnh 1 Giao diện của trang tài chính Fiin quảng bá cho vay theo hình thức P2P. 
Việt Nam đang có những bước tiếp cận nhanh chóng với cách mạng công nghệ 4.0. Trong đó, ngành NH là một trong những đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng các công nghệ hiện đại và cung cấp sản phẩm dịch vụ NH tiện ích cho nền kinh tế. Làn sóng này đã thúc đẩy sự phát triển hàng loạt công ty công nghệ tài chính (fintech).
Tuy nhiên, cho đến nay 24 công ty Fintech được NHNN cấp phép chỉ thực hiện cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, không đơn vị nào được phép thực hiện nghiệp vụ huy động và cho vay. 
Theo quy định, chỉ những đơn vị được NHNN cấp phép mới được thực hiện các nghiệp vụ huy động và cho vay. Tuy nhiên, các công ty cho vay P2P với giấy phép kinh doanh do Sở Kế hoạch - Đầu tư địa phương cấp, đã đứng ra tổ chức kết nối cho vay, lôi kéo được hàng ngàn người vay và người cho vay tham gia. Theo số liệu công bố trên Tima, số người tham gia cho vay trên 14.000 người, số người đăng ký vay gần 1,5 triệu người, tổng đơn vay trên hệ thống này hơn 2 triệu và số tiền giải ngân đạt 30.320 tỷ đồng.

Những rủi ro hiện hữu
Trong bối cảnh chưa chịu sự quản lý nào, có thể thấy các công ty P2P đang hoạt động tự do, tự áp dụng lãi suất và phí đối với các khoản vay với những thông tin rất mập mờ. Chẳng hạn một công ty P2P đang giới thiệu cho vay với lãi suất từ 1,5%/tháng (18%/năm), nhưng lại thông báo với nhà đầu tư mức lãi hàng tháng 20%/năm. Hay một số đơn vị không tính lãi mà thu phí tư vấn cố định 150.000 đồng/mỗi khoản vay 1-5 triệu đồng, khoản phí chuyển tiền của nhà đầu tư cho người vay từ 50.000 đồng trở lên.
Như vậy, một khoản vay 1 triệu đồng mất phí tối thiểu 200.000 đồng, chưa kể đa số khoản vay có thời hạn chưa đến 1 tháng. Đối với nhà đầu tư, khi tham gia P2P, tức đem tiền đi cho vay để hưởng lãi suất cao gấp 3-4 lần gửi tiết kiệm NH. 
Tuy nhiên, lãi suất cao nên rủi ro cũng lớn. Một số công ty P2P yêu cầu để trở thành người cho vay khách hàng nộp tiền vào tài khoản bằng cách chuyển khoản qua hệ thống NH và công ty sẽ chuyển đến người vay. Người đứng tên tài khoản hệ thống chính là giám đốc công ty.
Sự mập mờ này khiến nhà đầu tư khó kiểm soát được đường đi của dòng tiền sau khi chuyển vào tài khoản. Hầu như các công ty P2P đều khẳng định sẽ đảm bảo khoản tiền cho vay nhưng giao dịch không gặp mặt, hoàn toàn thông qua ứng dụng nên vẫn phải lường trước những rủi ro như đã từng xảy ra trong vụ tiền ảo Ifan gần đây, nhà đầu tư sẽ chịu thiệt hại hoàn toàn, vì P2P vẫn chưa chịu sự quản lý của quy định nào. 
Thực tế trên cho thấy sự phát triển của lĩnh vực P2P đi kèm với rất nhiều rủi ro và cần được kiểm soát. Đầu năm nay, Vụ Thanh toán của NHNN cho biết đang có đề án nghiên cứu, sau khi hoàn thành sẽ báo cáo NHNN để đưa ra phương án quản lý phù hợp. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có thêm thông tin mới liên quan đến vấn đề này.

Các tin khác