Nhiều tín hiệu tốt cho mục tiêu giảm lãi suất

Lãi suất liên ngân hàng trong thời gian qua tiếp tục giảm, song hành với chỉ số lạm phát giảm vừa được công bố tuần qua là những tín hiệu tích cực cho thấy mặt bằng lãi suất trên thị trường đang có xu hướng giảm dần.

Lãi suất liên ngân hàng trong thời gian qua tiếp tục giảm, song hành với chỉ số lạm phát giảm vừa được công bố tuần qua là những tín hiệu tích cực cho thấy mặt bằng lãi suất trên thị trường đang có xu hướng giảm dần.

Lãi suất đã đi qua vùng đỉnh

Lãi suất cao và kéo dài triền miên nhiều tháng nay đang là vấn đề nan giải cho cả doanh nghiệp, ngân hàng cũng như toàn bộ nền kinh tế. Câu hỏi được đặt ra lúc này là lãi suất cao sẽ còn tiếp diễn đến bao giờ?

Vài tháng trước đây, chuyện gửi tiền ở ngân hàng nào có lãi suất cao nhất là mối quan tâm không chỉ của người gửi tiền, mà còn của toàn xã hội. Gửi tiền ở mức lãi suất 19%, thậm chí 20% là câu chuyện không chỉ của một vài ngân hàng, khi mà cả hệ thống lúc đó căng ra vì lãi suất huy động.

Nhưng giờ chuyện đua lãi suất huy động tiền đồng có vẻ đã dịu bớt, khi mà tính thanh khoản của ngân hàng đã tích cực hơn. Nhiều ngân hàng cho biết, họ không còn phải huy động bằng mọi giá.

Tuần trước, gửi 700 triệu đồng vào chi nhánh các ngân hàng, người gửi hoàn toàn có thể thỏa thuận các hình thức ưu đãi khác để đạt lãi suất thực 18-19%/năm cho kỳ hạn gửi 1 tháng đến 3 tháng. Tuy nhiên, trong tuần qua mức lãi suất đó đã giảm xuống còn 17,75% và chỉ nhận gửi ở thời hạn 1 tháng. Còn gửi 3 tháng phải chấp nhận thấp hơn, khoảng 17,5%.

Bên cạnh đó, một số ngân hàng thương mại đã điều chỉnh nhẹ mặt bằng lãi suất huy động VND ở các kỳ hạn dài xuống dưới mức trần 14%. Đây là động thái tích cực cho thấy lãi suất cho vay sẽ sớm hạ nhiệt trong thời gian tới.

DongABank là một trong những ngân hàng tiên phong trong việc kéo lãi suất huy động xuống dưới trền 14%/năm. Hiện lãi suất huy động ở tất cả các kỳ hạn của ngân hàng này khoảng 13,94%/năm.

Còn tại Eximbank, ở chương trình "Ưu đãi lớn cùng chứng chỉ tiền gửi Eximbank" lãi suất huy động VND chỉ còn 13,97%/năm; chương trình tiền gửi thông thường kỳ hạn 1-13 tháng lãi suất là 13,85%/năm, các kỳ hạn còn lại là 12%/năm.

Techcombank cũng niêm yết lãi suất huy động phổ biến ở mức 13,5-13,9%/năm, các kỳ hạn càng dài lãi suất càng thấp. Không chỉ thế, các ngân hàng thương mại có xu hướng giảm nhẹ lãi suất nếu khách hàng lĩnh lãi hàng tháng.

Những tín hiệu tích cực

Phát biểu tại hội thảo Bất ổn kinh tế vĩ mô và tác động phúc lợi, do Văn phòng Chính phủ và WB tổ chức ngày 28/6, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, từ giữa tháng Năm đến nay, lãi suất cho vay liên ngân hàng có xu hướng giảm so với thời gian trước. Hiện lãi suất cho vay qua đêm ở mức 13%/năm, lãi suất cho vay 1 tuần ở mức 15%/năm.

Ông Phan Đào Vũ, Tổng giám đốc Ngân hàng Bảo Việt nhận định, khi lãi suất liên ngân hàng đã giảm, các ngân hàng không dại gì mà phải cố bằng được để huy động với lãi suất 17-18% hoặc cao hơn. Ông Vũ cho rằng, lãi suất liên ngân hàng giảm đã loại được cuộc đua của nhiều ngân hàng.

Một số chuyên gia đã lên tiếng kiến nghị, để thị trường tiền tệ ổn định, Ngân hàng Nhà nước cần quản lý chặt thị trường liên ngân hàng. Lãnh đạo nhiều ngân hàng cổ phần nhỏ cũng đề nghị, Ngân hàng Nhà nước cần mở rộng hơn để các Ngân hàng thương mại nhỏ tham gia thị trường mở (OMO). Chỉ có như vậy, các ngân hàng thương mại lớn mới không còn "làm mưa, làm gió" trên thị trường liên ngân hàng.

Hiện Ngân hàng Nhà nước đang giao Vụ Chính sách Tiền tệ theo dõi và quản lý hoạt động của thị trường liên ngân hàng nhằm hướng tới ra Thông tư quy định về vay vốn giữa các tổ chức tín dụng trên thị trường này.

Hỗ trợ thêm cho lãi suất, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng Sáu vẫn tăng nhưng đã tốc độ tăng đã giảm so với tháng trước. Đây cũng là tháng thứ hai liên tiếp CPI giảm tốc với cũng mức giảm so với tháng trước đó khoảng trên 1%.

Một điểm đáng mừng khác là CPI trong tháng 6 có mức tăng thấp nhất trong 9 tháng qua và diễn biến này mang đến hy vọng về mục tiêu kiểm soát lạm phát sẽ hiệu quả hơn nữa trong các tháng cuối năm.

Chuyên gia tài chính, ngân hàng Cao Sỹ Kiêm cho rằng, CPI chỉ tăng hơn 1% trong tháng 6 là dấu hiệu cho thấy lạm phát bắt đầu được kiểm soát theo chiều hướng hạ nhiệt dần. Điều này sẽ tác động tích cực lên mặt bằng lãi suất tiền đồng đang ở mức cao hiện nay. Vì thế, khả năng lãi suất sẽ giảm trong thời gian tới.

Tuy nhiên, ông Kiêm cũng nhấn mạnh, chúng ta không nên kỳ vọng quá nhiều vào việc lãi suất sẽ giảm nhanh và sớm. Trước mắt, lãi suất thực huy động trên thị trường sẽ khó đồng loạt giảm ngay về mức trần 14%/năm, mà phải theo chiều hướng giảm dần từ mức 17-18%/năm hiện nay.

Mặc dù vậy, chính các ngân hàng cũng đã bắt đầu nhận thấy xu hướng giảm lãi suất và bắt đầu có sự điều chỉnh dần để đón đầu xu hướng mới. Thực tế, việc "lách luật" để tăng lãi suất của các ngân hàng là chuyện không thể không làm. Nên khi có điều kiện, lãi suất sẽ được điều chỉnh giảm để quay về trạng thai ổn định có lợi cho cho kinh doanh. Xu hướng điều chỉnh hiện nay của các ngân hàng là phản ứng tích cực của các nhà băng khi CPI có sự điều chỉnh giảm tốc dần. Và hy vọng xu hướng này sẽ được nhận rõ hơn trong tháng 7 tới.

Các tin khác