Nhà băng nhỏ chật vật tăng vốn

(ĐTTCO) - Trong mùa ĐHCĐ năm 2018 có đến 18/34 NH thông qua kế hoạch tăng vốn với số vốn tăng thêm gần 63.000 tỷ đồng. Vài tháng gần đây, hàng loạt NHTMCP tầm trung và lớn đã lần lượt thực hiện được mục tiêu đề ra. Trong khi đó, đa số NH nhỏ vẫn tiếp tục đứng ngoài làn sóng tăng vốn thực.

Nhà băng lớn rầm rộ tăng vốn
Ngày 15-8, NHNN ban hành quyết định về việc sửa đổi nội dung vốn điều lệ (VĐL) tại giấy phép hoạt động của MB, điều chỉnh từ 18.155 tỷ đồng lên gần 21.605 tỷ đồng. Kết quả tăng VĐL thêm 3.450 tỷ đồng nhờ vào việc NH phát hành riêng lẻ 345 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức đợt 2-2017 tỷ lệ 5%, chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 14%. Số cổ phiếu này đã được niêm yết ngày 1-8 và chính thức giao dịch ngày 15-8.
Ngày 10-8, Techcombank cũng được NHNN chấp thuận sửa đổi mức VĐL trên giấy phép kinh doanh lên 34.966 tỷ đồng, gần gấp 3 lần mức cũ là 11.655 tỷ đồng. Nguồn vốn tăng thêm đến từ việc phát hành thành công hơn 2,3 tỷ cổ phiếu cho 4.262 cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ hưởng quyền 1:2.
Ngày 7-9 vừa qua, ACB cũng đã chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức với tỷ lệ 15%. Với hơn 1.084 triệu cổ phiếu ACB đang lưu hành, NH dự kiến phát hành thêm 162,67 triệu cổ phiếu trong đợt chi trả cổ tức này. Nguồn vốn thực hiện từ nguồn lợi nhuận giữ lại sau khi phân phối lợi nhuận năm 2017. Sau khi phát hành thành công toàn bộ số cổ phiếu trên, VĐL của ACB sẽ tăng từ 11.259 tỷ đồng lên gần 12.886 tỷ đồng.
Hồi cuối tháng 6, VPBank cũng đã phát hành thành công hơn 925 triệu cổ phần để nâng VĐL từ hơn 15.700 tỷ đồng lên 24.963 tỷ đồng. Trong đó, VPBank phát hành cổ phiếu để trả cổ tức 2017 theo tỷ lệ 30,2%, phát hành cổ phiếu từ nguồn quỹ dự trữ bổ sung VĐL và thặng dư vốn cổ phần theo tỷ lệ 31,6%. Bên cạnh việc trả cổ tức tỷ lệ 14,2%, OCB đã chào bán cho cổ đông với tỷ lệ 20,5% vốn để tăng VĐL từ 5.000 tỷ đồng lên 6.599 tỷ đồng. 
Nhà băng nhỏ chật vật tăng vốn ảnh 1 Ảnh minh họa: L.THANH 
Đối với các NHTM có vốn nhà nước, tuy gặp nhiều khó khăn trong việc tăng vốn cấp 1 nhưng cũng tích cực tăng vốn qua việc phát hành trái phiếu. Cụ thể, VietinBank đã phát hành thêm 4.000 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2. Số tiền thu được dự kiến để bổ sung nguồn vốn hoạt động cho VietinBank và nâng cao năng lực tài chính.
Tương tự, từ đầu năm đến nay BIDV đã phát hành thành công 430 tỷ đồng trái phiếu. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, xác lập nghĩa vụ trả nợ trực tiếp, không có bảo đảm. Trái phiếu này là nợ thứ cấp của BIDV và thỏa mãn các điều kiện để tính vào vốn tự có cấp 2.

Nhà băng nhỏ kế hoạch trên giấy
Trong khi đó, ở nhóm NHTMCP có quy mô nhỏ, kế hoạch tăng vốn vẫn còn rải rác, thậm chí đang nằm trên giấy. Mới đây, NHNN chấp thuận việc VietBank tăng VĐL từ 3.249 tỷ đồng lên hơn 4.256 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động theo phương án tăng VĐL đã được cổ đông thông qua.
Ông Nguyễn Thanh Nhung, Tổng giám VietBank cho biết, theo kế hoạch đặt ra, giai đoạn 2018-2019 sẽ tăng vốn mỗi năm thêm 500 tỷ đồng và năm 2020 sẽ tăng vốn thêm 1.000 tỷ đồng nữa. Theo đó, đến năm 2020, VĐL của NH sẽ đat 5.300 tỷ đồng. Cụ thể trong năm nay, NH sẽ tăng vốn hơn 1.007 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phần cho công chúng và cán bộ công nhân viên. 
Mới đây, Nam A Bank cho biết sẽ phát hành cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 11%, tổng giá trị phát hành 332 tỷ đồng. Ngoài ra, NH này còn chào bán hơn 164,6 triệu cổ phần với giá không thấp hơn mệnh giá, dự kiến thu về 1.646 tỷ đồng. Đây là phương án đã được ĐHCĐ thông qua trước đó.
Giữa tháng 8 vừa qua, VietCapital Bank công bố Nghị quyết ĐHCĐ thường niên diễn ra ngày 27-4, cho biết kế hoạch tăng vốn trong năm nay thông qua phát hành 20 triệu cổ phần với tỷ lệ 15:1 cho cổ đông hiện hữu, để tăng vốn lên 3.200 tỷ đồng. Nguồn vốn được lấy từ lợi nhuận chưa phân phối, quỹ dự trữ bổ sung VĐL. Sau đó, NH sẽ tiếp tục phát hành 50 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 6:1 để nâng VĐL lên 3.700 tỷ đồng. 
Trên đây chỉ là số ít trong nhiều NHTMCP nhỏ có kế hoạch cụ thể về việc tăng vốn điều lệ trong năm nay. Theo các chuyên gia tài chính, “cửa” cạnh tranh để tăng vốn của các NH nhỏ rất hẹp. Thứ nhất, lợi nhuận của các NH này thấp nên chia cổ tức bằng cổ phiếu cũng không giúp VĐL tăng được nhiều.
Thứ hai, thông tin của các NH này kém minh bạch, thị giá cổ phiếu quá thấp nên việc tăng vốn thông qua việc phát hành, chào bán cổ phiếu cũng không dễ dàng. Minh chứng là giữa năm 2017, VietCapital Bank gửi báo cáo đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết NH chưa thể tiến hành tăng vốn lên 4.000 tỷ đồng theo phương án tăng VĐL trình NHNN, do nhu cầu góp vốn mới của cổ đông lớn và các cổ đông khác không khả quan. 
Năm tới, nhiều NHTMCP tầm trung và lớn dự kiến sẽ trả cổ tức ở mức rất cao, VĐL sẽ tăng thêm, có điều kiện bổ sung vốn nâng cao chất lượng hoạt động. Nếu các NHTMCP nhỏ không thể tăng được VĐL sẽ khó cạnh tranh và tồn tại hơn khi quy mô, tên tuổi và cơ sở hạ tầng ngày càng thua kém các NH nhóm trên. Đáng nói, dù chật vật trong việc tăng vốn để lớn mạnh nhưng nhiều NHTMCP nhỏ vẫn kiên trì giữ “một mình một mâm”, thay vì tính đến việc mua bán sáp nhập để nâng cao tiềm lực vốn đáp ứng các chuẩn mực quốc tế theo Hiệp ước Basel II.
 Theo hãng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Moody’s, nếu muốn duy trì tỷ lệ tăng trưởng cho vay, các NH Việt Nam sẽ cần thêm 7 tỷ USD để đạt được tỷ lệ vốn cấp 1 là 11% vào năm 2018 và 2019. Moody’s ước tính nếu không tăng được vốn bên ngoài, tỷ lệ vốn cấp 1 của các NH thuộc khu vực tư nhân được xếp hạng sẽ giảm xuống còn 8% vào cuối năm 2019 thay vì mức 9,4% vào cuối năm 2017. Trong khi các NHTM có vốn nhà nước được xếp hạng giảm xuống chỉ còn 6,1% thay vì 6,9%. 

Các tin khác