Dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình

Ngân hàng vào cuộc “giải cứu”

“Các NH đã không tính đến lợi nhuận để cứu đường cao tốc”- ông Trần Xuân Sanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã chia sẻ như vậy ngay sau lễ ký kết hợp đồng bán 300 tỷ đồng trái phiếu công trình cho VietinBank thực hiện dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình hôm qua 13-4.

“Các NH đã không tính đến lợi nhuận để cứu đường cao tốc”- ông Trần Xuân Sanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã chia sẻ như vậy ngay sau lễ ký kết hợp đồng bán 300 tỷ đồng trái phiếu công trình cho VietinBank thực hiện dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình hôm qua 13-4.

Cuối năm 2010, thông tin dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình do VEC làm chủ đầu tư có khả năng phải dừng lại do thiếu vốn, đã khiến các nhà thầu trong ngành giao thông vô cùng lo lắng. Đây là dự án cao tốc đầu tiên của Việt Nam được thực hiện dựa vào nguồn phát hành trái phiếu công trình, nhưng do khó khăn của nền kinh tế VEC liên tục thất bại khi phát hành trái phiếu.

Được khởi công từ năm 2006, dự án cao tốc dài 56km này có tổng mức đầu tư 8.974 tỷ đồng sau một số lần điều chỉnh. Đến nay, dự án đã thi công được 75% khối lượng công trình, giải ngân đạt 4.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, VEC mới chỉ mới phát hành được 1.400 tỷ đồng trái phiếu công trình, còn thiếu khoảng 2.300 tỷ đồng để trả nợ các nguồn vay khác và 2.000 tỷ đồng để thanh toán cho các khối lượng làm mới, nhằm đưa công trình vào khai thác trong cuối năm nay.

Thi công dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Thi công dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Ông Sanh cho biết trong năm 2011, nhu cầu vốn cho dự án là 4.300 tỷ đồng. Tất cả đang trông chờ vào phát hành trái phiếu công trình, nhưng mức lãi suất trái phiếu được phê duyệt quá thấp nên không thể phát hành được. Do vậy dự án bế tắc khi cuối năm ngoái Bộ Tài chính tuyên bố sẽ tạm dừng bảo lãnh cho VEC phát hành trái phiếu, do hệ số nợ/vốn điều lệ của doanh nghiệp này quá cao.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành giao thông, việc phải dừng thi công dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình vào thời điểm này vừa gây thiệt hại cho chủ đầu tư, vừa gây lãng phí cho xã hội. Về thiệt hại cụ thể là sản phẩm (có giá trị 4.500 tỷ đồng) bị dở dang không sinh lợi, trong khi vẫn phải trả lãi vay bình quân 12%/năm. Như vậy, chỉ sau 5 năm, số nợ của VEC sẽ nâng lên 9.000 tỷ đồng. Còn nếu đúng như kế hoạch, sau khi đưa vào khai thác VEC sẽ thu phí được 1,5 tỷ đồng/ngày.

Để tháo gỡ khó khăn, đầu tháng 2-2011, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp tục bảo lãnh phát hành trái phiếu cho VEC để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Một số ngân hàng thương mại đã đồng ý mua 1.000 tỷ đồng trái phiếu của VEC. Trong đó, VietinBank mua 300 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất 12,1%/năm kỳ hạn 5 năm.

Ông Phạm Huy Hùng, Chủ tịch HĐQT VietinBank, cho biết: “VietinBank tài trợ vốn cho dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với lãi suất rất thấp so với mặt bằng lãi suất hiện nay nhằm thực hiện cam kết của mình với VEC - một đối tác lớn của NH. Hơn nữa, đây là một dự án giao thông trọng điểm của quốc gia. Khi hoàn thành sẽ góp phần rất lớn trong việc nâng cấp hạ tầng cơ sở, tạo điều kiện giao thương, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước”.

Việc các NH góp phần “giải cứu” cho dự án cao tốc đầu tiên thực hiện bằng trái phiếu công trình cũng giải tỏa mối lo lắng của cơ quan quản lý nhà nước. Bà Đoàn Thanh Thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ Giao thông - Vận tải), cho biết theo kế hoạch dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2011, hiện nay đang là thời điểm nước rút thúc đẩy dự án về đích.

Vì thế, việc các NHTM mua 1.000 tỷ đồng trái phiếu của VEC có ý nghĩa rất quan trọng đối với ngành giao thông. Tuy nguồn vốn 1.000 tỷ đồng này mới đáp ứng khoảng 1/5 nhu cầu vốn còn lại của dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, nhưng theo ông Trần Xuân Sanh, khó khăn căn bản của dự án đã được giải quyết. “Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ bàn với một số đối tác chiến lược, kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước các giải pháp huy động thêm vốn cho dự án” - ông Sanh nói.

Đến nay, những công đoạn khó khăn nhất của dự án như xử lý nền đất yếu, xây dựng cầu cống, công trình… đã hoàn thành. Phần còn lại chỉ là lớp cấp phối và trải bê tông nhựa, hy vọng dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình có thể hoàn thành đúng tiến độ vào cuối năm nay.

Các tin khác