Ngân hàng cần tiếp thị chính sách

Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.

Cuộc họp cuối tháng 8-2011 giữa Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và 12 ngân hàng lớn chiếm khoảng 80% thị phần huy động và cho vay nhằm cùng thảo luận các biện pháp, chính sách tiền tệ, tiến tới thực thi, không phải là một tiền lệ mới. Những năm trước, các cuộc họp dạng này đã từng diễn ra.

Cái khác là ở chỗ tại các cuộc họp trong quá khứ, các tổ chức tín dụng nghe phổ biến chính sách để về thực hiện. Cũng có những phát biểu, nhận xét về diễn biến thị trường. Ý kiến của các ngân hàng cũng được ghi nhận. Xong ai về nhà nấy.

Giới ngân hàng gọi đó là sự áp đặt và vì áp đặt nên càng ngày càng có ít đại diện của tổ chức tín dụng phát biểu ý kiến. Nhiều năm trước, các cuộc họp thường xuyên công khai, ít mang tính nội bộ và cánh báo chí có thể vào lấy tin, tường thuật mà không gặp trở ngại nào. Đến khi lĩnh vực tiền tệ “nóng” lên, các “cơn sốt” vàng, ngoại tệ xảy ra, sự có mặt của báo chí ngày một lặng lẽ dần.

Báo chí được yêu cầu không tham dự. Những cuộc họp mà phóng viên được mời, thì tài liệu phát cho báo chí khác tài liệu các ngân hàng nhận được. Vì khác, nên số liệu đôi khi cũng khác đi, các nhận xét không cùng một tông điệu. Không ít lần, trước khi đăng đàn kết luận cuộc họp, đại diện NHNN nhắc nhở các phóng viên thận trọng khi đăng tải số liệu.

Các ngân hàng cân nhắc thận trọng hơn khi lên tiếng trong các cuộc họp. Họ e ngại ý kiến của mình được thanh tra NHNN để ý, mai này khó làm việc với thanh tra. Ngân hàng nào mà chẳng có sai sót trong nghiệp vụ, không ít thì nhiều, nên đã thanh tra là có vi phạm hoặc tiểu tiết hoặc cơ bản. Vì thế nhiều ngân hàng chọn cách im lặng. Ngay một số những ngân hàng lớn, dù được chỉ định, cũng từ chối lên tiếng.

Cuộc họp với 12 ngân hàng gần đây đã không rơi vào lối mòn đó. Đại diện một số ngân hàng có mặt kể lại họ sẵn sàng lên tiếng, thậm chí phơi bày những vướng mắc và kiến nghị cơ quan quản lý có cơ chế tháo gỡ. Chủ tịch hội đồng quản trị một ngân hàng nói rằng đây là lần đầu tiên trong vòng năm năm trở lại đây ông đi họp với NHNN, còn trước đó toàn các thành viên ban giám đốc thay phiên nhau dự.

Lý do là vì bức xúc quá, nhiều quy định không phù hợp, lên tiếng phản ánh không được phản hồi. Ông hy vọng từ nay NHNN sẽ lắng nghe ý kiến của các tổ chức tín dụng và nhất là dư luận để cùng có những giải pháp hợp tình hợp lý.

Trong thông báo ban hành sau đó, NHNN khẳng định tất cả 12 ngân hàng cam kết thực hiện nghiêm túc trần lãi suất huy động 14%/năm và đồng thuận giảm lãi suất cho vay về 17-19%/năm. Sự cam kết và đồng thuận này cần phải được thực tế kiểm nghiệm.

 Nhưng ít nhất nó cho thấy chính sách giảm lãi suất đã đi được nửa đường. Phần còn lại là sự cam kết, đồng thuận của các ngân hàng trung bình và nhỏ. Ai đó đã nói rằng sự thành công không chỉ được cảm nhận khi đến đích, mà là trên mỗi đoạn của quãng đường đi!

Sự thành công của chính sách phụ thuộc một phần vào công tác tiếp thị. Trước khi ban hành, chính sách nên chăng được dò đường, được phản hồi bởi ý kiến nhiều chiều của công luận và những đối tượng thuộc diện điều chỉnh. Các vị tổng giám đốc một số ngân hàng 3-4 năm qua không một lần trả lời phỏng vấn báo chí, nay một vài người đã thay đổi. Họ sẵn sàng trao đổi với các phương tiện truyền thông và báo chí có thể trích dẫn nguồn công khai như ông/bà ABC của ngân hàng XYZ nói, nhận định như sau….

Việc cho phép các ngân hàng tham gia rộng rãi vào quá trình xây dựng chính sách sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm của chính họ trong thực thi chính sách - thông báo của NHNN viết. Trước mắt, một trong những chính sách tác động trực tiếp đến người dân là quản lý vàng. Chính phủ đã đồng ý với chủ trương NHNN giữ hộ vàng cho dân bằng cách huy động vàng thông qua các ngân hàng. Các tổ chức tín dụng được chọn huy động vàng chỉ là người làm thuê, hưởng hoa hồng. Quyền quyết định lãi suất, thời hạn huy động vàng thuộc thẩm quyền NHNN.

Thời gian qua, báo chí đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực đề cập đến chủ đề vàng, vàng vẫn không vơi đi sức nóng trên phương tiện truyền thông. Vẫn còn đó những băn khoăn của người dân, chẳng hạn Nhà nước giữ hộ vàng cho dân có phải là kết kim không? Phần lãi Nhà nước trả bằng gì, bằng vàng hay tiền? Nếu Nhà nước phát hành trái phiếu vàng, tín phiếu vàng, thì khi đáo hạn, người gửi có được nhận vàng vật chất không?

Rồi khi giá lên, giá xuống, muốn mua bán, đầu tư vàng vật chất thì như thế nào?... Còn đó nhiều băn khoăn mà chính sách quản lý vàng phải được tiếp thị rộng rãi không chỉ trong 12 ngân hàng, trong giới tài chính, mà cả trong dân chúng và công luận.

Một chi tiết không thể không chú trọng là danh tính 12 ngân hàng lớn: bốn ngân hàng quốc doanh, tốp năm ngân hàng TMCP đã định hình lâu nay bao gồm ACB, Sacombank, Techcombank, Eximbank, Quân Đội và ba gương mặt lần đầu được xếp vào hàng “lớn”: Quốc tế, Hàng hải, VPBank. Sự đổi ngôi trong thứ bậc ngân hàng đang ngày càng rõ nét đi cùng với sự thay đổi về quản trị kinh doanh!

Các tin khác