Nên phát hành trái phiếu ngoại tệ trong nước

(ĐTTCO) - Trong kế hoạch vay trả nợ của Chính phủ và các hạn mức vay nợ năm 2016 đã phê duyệt, Thủ tướng giao Bộ Tài chính theo dõi, xem xét điều kiện thị trường vốn trong nước và quốc tế để linh hoạt thực hiện huy động 17.000 tỷ đồng thông qua các hình thức: Phát hành trái phiếu ngoại tệ trong nước, phát hành trái phiếu quốc tế… ĐTTC đã trao đổi với TS. LÊ XUÂN NGHĨA, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia.

(ĐTTCO) - Trong kế hoạch vay trả nợ của Chính phủ và các hạn mức vay nợ năm 2016 đã phê duyệt, Thủ tướng giao Bộ Tài chính theo dõi, xem xét điều kiện thị trường vốn trong nước và quốc tế để linh hoạt thực hiện huy động 17.000 tỷ đồng thông qua các hình thức: Phát hành trái phiếu ngoại tệ trong nước, phát hành trái phiếu quốc tế… ĐTTC đã trao đổi với TS. LÊ XUÂN NGHĨA, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia.

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, quan điểm của ông như thế nào về việc huy động trái phiếu ngoại tệ trong nước?

TS. LÊ XUÂN NGHĨA: - Theo tôi, việc huy động trái phiếu ngoại tệ trong nước rất tốt. Thứ nhất, chắc chắn lãi suất trái phiếu ngoại tệ trong nước sẽ thấp hơn so với huy động trái phiếu ngoại tệ ở nước ngoài, vì khi huy động trái phiếu quốc tế phải tính cả rủi ro quốc gia vào trong lãi suất. Thứ hai, hiện đang có một lượng ngoại tệ nhàn rỗi trong dân cư rất lớn. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2016, vốn huy động bằng ngoại tệ tăng 9,1% so cùng kỳ mặc dù chính sách lãi suất 0% áp dụng cho các khoản gửi USD của tổ chức và cá nhân được áp dụng từ cuối năm 2015. Điều này cho thấy người dân vẫn muốn gửi tiền vào NH vì giữ ngoại tệ ở nhà nhiều rủi ro. Tuy nhiên, để huy động ngoại tệ của người dân thông qua việc phát hành trái phiếu cũng rất khó, vì người dân chưa có thói quen mua trái phiếu chính phủ (TPCP) và Việt Nam cũng chưa có đại lý kinh doanh ngoại tệ như ở nước ngoài, mà tất cả phải thông qua NH. Do đó có thể huy động thông qua NH hoặc quỹ đầu tư, tức người dân gửi ngoại tệ vào NH để NH mua TPCP bằng ngoại tệ.

- Phát hành trái phiếu ngoại tệ trong nước có ảnh hưởng đến mục tiêu chống đô la hóa nền kinh tế và có cạnh tranh nguồn vốn vay ngoại tệ với doanh nghiệp (DN)?

- Việc phát hành trái phiếu ngoại tệ trong nước trên thực tế cũng không ảnh hưởng nhiều đến nguồn vốn vay của DN, vì kế hoạch phát hành trái phiếu trong nước và quốc tế chỉ khoảng 800 triệu USD, trong khi nguồn ngoại tệ nhàn rỗi trong nước cũng không ra khỏi Việt Nam được. Hiện NHNN đang tiến dần từng bước tới bình thường hóa hoạt động nhận tiền gửi và cho vay bằng ngoại tệ như trước đây và các NHTM phải tự chịu trách nhiệm, đầu tiên sẽ mở lại kênh cho vay ngoại tệ và sau đó xử lý tương tự ở phía tiền gửi. Tất nhiên, NHNN cũng sẽ trình phương án chống đô la hóa nhưng với một lộ trình dài hơn so với đề án cũ.

Đồng thời chúng ta cũng sẽ hạn chế kiểm soát tín dụng một cách cực đoan, chẳng hạn NHNN không vội vàng đưa hệ số rủi ro đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản lên 250%, đưa tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 60% xuống 40% mà đi một cách từ từ, bình tĩnh để không tạo cú sốc cho NH và DN. Chúng ta cũng sẽ minh bạch hóa tỷ giá hối đoái và cố gắng thay đổi tỷ giá theo thay đổi của thị trường quốc tế và hỗ trợ DN xuất khẩu Việt Nam. Phương án thực hiện huy động ngoại tệ bằng trái phiếu là các NH huy động ngoại tệ trong dân và NH mua TPCP bằng ngoại tệ, sau đó Chính phủ bán ngoại tệ đó cho NHNN để lấy nội tệ. Điều này sẽ không gây áp lực đối với ngoại tệ khi trái phiếu đáo hạn vì Chính phủ huy động và bán lại cho NHNN, khi đáo hạn NHNN sẽ bán lại ngoại tệ cho Chính phủ để trả cho người dân.

- Như vậy NHNN sẽ phải điều chỉnh lãi suất USD?

- Đúng vậy. Đối với việc điều chỉnh lãi suất USD, cần phải tính toán chênh lệch giữa lãi suất nội tệ và ngoại tệ ở mức độ nào đó, để vừa có lợi cho đồng nội tệ nhưng cũng không ảnh hưởng đến gửi ngoại tệ thay vì để người dân gửi không có lãi suất như bây giờ, đồng thời tiền gửi cá nhân kỳ hạn dài phải có lãi suất hợp lý. NHNN phải tính toán lãi suất để không thiệt thòi cho người gửi ngoại tệ nhưng vẫn phải ưu tiên VNĐ.

- Sự kiện Brexit đã có những tác động nhất định đối với thị trường tài chính toàn cầu và hiện điều DN Việt Nam đang quan tâm nhất là tác động của sự kiện này đến tỷ giá hối đoái trong thời gian tới. Ông có lời khuyên gì đối với các DN?

- Cả thế giới đang chạy trốn vào đồng yen, các nhà đầu tư ngắn hạn đang mua đồng yen làm đồng tiền này tăng giá rất mạnh so với các đồng tiền chủ chốt và đặc biệt so với USD. VNĐ neo theo USD nên nếu USD mất giá so với đồng yen thì VNĐ cũng mất giá so với yen, điều này có lợi cho xuất khẩu Việt Nam sang Nhật Bản. Đồng thời, đây cũng là điều kiện thuận lợi đối với việc trả nợ cho Nhật Bản của Việt Nam. Chúng ta nên nhân cơ hội tỷ giá giữa VNĐ và yen cũng như tính chéo qua USD có lợi cho Việt Nam để chuẩn bị một chiến dịch trả nợ của tư nhân lẫn Chính phủ. Hiện USD đang tăng giá so với các đồng tiền khác như bảng Anh, đồng EUR, NDT, VNĐ đã neo giá vào USD nên cũng sẽ tăng giá so với các đồng tiền này, như vậy sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam vào các thị trường Trung Quốc và châu Âu.

Phát hành trái phiếu ngoại tệ sẽ được thực hiện thông qua việc NH dùng ngoại tệ huy động của người dân để mua TPCP.

Phát hành trái phiếu ngoại tệ sẽ được thực hiện thông qua việc NH dùng ngoại tệ huy động
của người dân để mua TPCP.

Do đó, chúng tôi đang đề nghị NHNN phải có chính sách tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn nữa đối với một số đồng tiền chủ chốt để hỗ trợ xuất khẩu của Việt Nam. Phía NHNN cũng đang chuẩn bị phương án để điều hành linh hoạt hơn, có thể thấy qua việc NHNN nâng tỷ giá tham chiếu lên trong những ngày gần đây và tương lai có thể nâng thêm một ít. Hiện tại có thể giữ tỷ giá hối đoái tương đối ổn định một thời gian xem thế nào chứ không vội vàng điều chỉnh quá nhiều vì sau khi cú sốc này qua đi, đặc biệt sau khi chính thức đàm phán Brexit sẽ có những biến động khác và chúng ta phải có dự phòng chính sách cho thời điểm đó.

Các DN cũng cần phải hết sức chú ý, những DN nào đang có đối tác thương mại với châu Âu và Anh vẫn nên tiếp tục duy trì, không nên từ bỏ. Brexit tạo ra một cú sốc nhưng đó không phải là thảm họa, trong một vài tuần, thị trường chứng khoán, thị trường tài sản, giá trị đồng tiền suy giảm nhưng rồi sẽ tăng trở lại. Có thể sẽ có một đợt sóng nữa vào cuối năm nay khi EU và Anh có chính phủ mới và đứng ra đảm bảo về Brexit, thương mại toàn cầu sẽ đứng trước rủi ro suy giảm nhưng không thể kéo dài vì xu thế toàn cầu hóa vẫn là xu thế thắng thế, và việc hoạch định chính sách cho Việt Nam có tính đến Brexit nhưng không nên quá quan trọng hóa.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác