Nên chọn 2 trong 4 NHTM trụ cột tăng vốn

(ĐTTCO) - Trao đổi với ĐTTC về việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kiến nghị các bộ liên quan nghiên cứu tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, sửa đổi, hoặc ban hành nghị quyết mới của Quốc hội theo hướng cho phép sử dụng ngân sách Nhà nước (NSNN) để tăng vốn điều lệ (VĐL) cho các NHTM có vốn nhà nước, TS. TRẦN DU LỊCH, nguyên Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, cho rằng:

Tôi đồng tình với việc Quốc hội cần có hướng xử lý để có thể tăng VĐL một số ngân hàng thương mại (NHTM) mà Nhà nước phải giữ cổ phần chi phối. Thực tế từ nhiệm kỳ trước, Quốc hội đã có Nghị quyết quy định các tập đoàn, DNNN để lại một phần cổ tức để bổ sung vào NSNN cho đầu tư nhằm giảm phần nợ vay.
Tuy nhiên, do quy định việc tăng vốn cho các NHTM có vốn nhà nước cổ phần hóa là đầu tư từ NSNN, nên vướng Luật Đầu tư công. Vì vậy, việc các NHTM có vốn nhà nước đã cổ phần hóa khi muốn tăng VĐL theo yêu cầu để đạt tiêu chí NH có quy mô lớn, lành mạnh, đạt tiêu chuẩn tỷ lệ vốn chủ sở hữu so với tài sản tích cực hơn, gặp khó khăn. 
Vốn nhà nước không thể trải đều ra nhiều NH, phải chọn vài NH có quy mô, có uy tín Nhà nước cần nắm giữ, dồn toàn bộ nguồn lực cho NH đó. Như vậy sẽ đỡ cho gánh nặng ngân sách.
Như vậy, đối với các NH này cần phải làm rõ tăng VĐL bằng phương thức nào. Thí dụ, Nhà nước lấy cổ tức về, sau đó dùng nó để góp tăng dần VĐL, hay bằng phương thức giảm bớt một số NHTM mà Nhà nước không cần nắm chi phối, để dồn nguồn lực vào NH cần nắm cổ phần chi phối (tức dồn lực để vẫn nắm giữ 65% khi những NH này tham gia niêm yết trên thị trường chứng khoán). 
PHÓNG VIÊN: - Vậy với tình hình hiện nay, ông nhận định như thế nào về khả năng xem xét đáp ứng kiến nghị của NHNN?
TS. TRẦN DU LỊCH: - Hiện theo luật, việc bổ sung VĐL nằm trong danh mục đầu tư công trung hạn. Quốc hội đã phân bố vốn đầu tư trung hạn cho cả giai đoạn 2016-2020, nên không thể dùng nguồn vốn cân đối để bổ sung được. Do đó tôi cho rằng, trước mắt vẫn chủ yếu sử dụng phần cổ tức của NH, thay vì thu hồi về cho ngân sách để đầu tư công.
Khó khăn ở đây, theo tôi là một số nguồn vốn thoái vốn nhà nước hoặc cổ tức đã đưa vào nguồn cho đầu tư công và đã phân bổ. Như vậy, nếu giữ lại ở NH A, NH B sẽ không đủ nguồn để phân bổ. Đây là vấn đề cần xử lý về phương diện ngân sách, để làm sao có thể tăng vốn cho các NH này.
Việc tăng VĐL cho một số NHTM có vốn nhà nước đã cổ phần đặt ra rất bức xúc trong thời gian vừa qua, khi các cổ đông khác muốn NH lớn mạnh, trong khi phần vốn nhà nước nắm giữ cũng muốn lớn mạnh, lại vừa muốn lấy cổ tức về để sử dụng. Mâu thuẫn này phải giải quyết. Theo tôi, muốn giữ vốn cổ phần chi phối ổn định ở mức 65% tại các NH, Nhà nước có thể thoái vốn ở những NH khác mà Nhà nước đang nắm trên mức 65%. Nguồn thoái vốn đó có thể bổ sung duy trì cho các NH khác. Nếu làm như vậy sẽ khả thi. 
Một vấn đề nữa là hiện nay chúng ta có 4 NHTM có vốn nhà nước. Nhà nước có nhất thiết phải giữ hết 4 hay không? Theo tôi, không nhất thiết phải giữ hết, cần chọn những NH nào Nhà nước cần giữ lại 65%, sau đó tập trung cùng với khu vực tư nhân đang tham gia 35% còn lại đẩy mạnh quy mô.
Như vậy, chúng ta mới thực hiện được yêu cầu của đề án tái cơ cấu NHTM trước đây, tức chỉ một số NH có quy mô, hiệu quả, sức cạnh tranh ngang hàng với một số NH lớn của các nước trong khu vực. Để làm được điều này, vốn nhà nước không thể trải đều ra nhiều NH, mà phải chọn vài NH có quy mô, có uy tín Nhà nước cần nắm giữ, dồn toàn bộ nguồn lực cho NH đó. Như vậy sẽ đỡ đi gánh nặng về ngân sách.
- Theo ông giữ lại bao nhiêu NHTM có vốn nhà nước là hợp lý?
- Tôi cho rằng nên giữ lại 2 NHTM mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối, tập trung vốn, tạo sức mạnh cho nó. Những NH không giữ lại hoàn toàn có thể thoái vốn để bổ sung vốn cho những NH còn lại. Khi có khoảng 2 NHTM Nhà nước nắm cổ phần chi phối và niêm yết trên thị trường chứng khoán, chúng ta sẽ xây dựng nó lớn mạnh, có quy mô, tầm cỡ như các NH khác trong khu vực, tiến tới niêm yết trên thị trường chứng khoán nước ngoài. 
Tại một số nước trong khu vực, các tập đoàn kinh tế quốc doanh niêm yết trên thị trường chứng khoán nhưng nhà nước giữ 65%. Khi vốn tăng lên, phần nhà nước cũng tăng lên luôn nắm giữ ở mức 65%. Do đó, chúng ta không nên dàn trải vốn trong quá nhiều NH như hiện nay, mà nên tập trung khoảng 2 NH là có thể dẫn dắt được hoạt động.
- Thời gian qua, nhiều đối tác nước ngoài đàm phán mua cổ phần các NHTM có vốn nhà nước. Nhưng có ý kiến cho rằng bán cổ phần cho đối tác ngoại chậm vì thủ tục thông qua khá lâu, dẫn đến chênh lệch giá cổ phiếu giữa thời điểm ký ghi nhớ và thời điểm ký hợp đồng. Trường hợp giá cổ phiếu NH giảm so với thời điểm ký ghi nhớ, các NH cũng sẽ khó ký kết vì lo thất thoát vốn nhà nước. Ý kiến của ông về vấn đề này?
- Đây là vấn đề mang tính kỹ thuật. Để giải quyết, khi tăng vốn, giảm vốn, bán cổ phần, chúng ta cần có những đơn vị tư vấn độc lập, khách quan để tính toán giá trên cơ sở thị trường chứ không thể áp đặt. Nếu thống nhất về quan điểm minh bạch chính sách, minh bạch cách làm, hoàn toàn sẽ làm được. 
Liên quan đến vấn đề vốn ngoại cũng có nhiều ý kiến đề xuất tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các NHTM để tăng vốn thuận lợi hơn, song tôi cho rằng không cần tăng tỷ lệ sở hữu của khối ngoại đối với các NH này. Hiện nay, Chính phủ đã tăng room để xử lý một số NHTMCP yếu kém cho phép nước ngoài tham gia. Riêng một số NHTM có vốn nhà nước nên có phương thức khác để tăng nguồn vốn và huy động được nguồn vốn của nhà đầu tư trong nước, vẫn tốt hơn so với tìm vốn ngoại. 
Trước mắt, trong 1-2 năm chúng ta thu hút vốn nước ngoài để giải quyết vấn đề bức xúc là tái cơ cấu các NHTM yếu kém, xử lý tổng thể bài toán tái cơ cấu hệ thống NHTM Việt Nam. Về lâu dài phải tính toán lại, đối với NHTM mà Nhà nước muốn nắm giữ thì Nhà nước giữ 65%, phần vốn 35% còn lại bán cho tư nhân với quy định cổ đông nước ngoài được tham gia với tỷ lệ bao nhiêu, trong nước tham gia tỷ lệ bao nhiêu. Cần phải tính toán như vậy, việc huy động nguồn lực nước ngoài gắn liền với huy động trong nước, không nên dựa quá nhiều đầu tư nước ngoài tại các NH này.
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác