Nắm bắt cơ hội, vượt khó

Đầu tuần này, Đại hội cổ đông năm 2011 của NHTMCP Á Châu (ACB) đã diễn ra tại TPHCM (ảnh). ACB đã dành nhiều thời gian trả lời chất vấn của cổ đông về kế hoạch kinh doanh trong bối cảnh thị trường nhiều biến động.

Đầu tuần này, Đại hội cổ đông năm 2011 của NHTMCP Á Châu (ACB) đã diễn ra tại TPHCM (ảnh). ACB đã dành nhiều thời gian trả lời chất vấn của cổ đông về kế hoạch kinh doanh trong bối cảnh thị trường nhiều biến động.

Cung cấp nhiều tiện ích cho khách hàng

Năm 2011 ACB đưa ra kế hoạch lợi nhuận trước thuế 4.100 tỷ đồng. Trong đó, dự kiến tỷ trọng thu từ tín dụng chiếm 55-60% tổng nguồn thu, 20% từ thu dịch vụ, còn lại thu từ hoạt động ngân quỹ và kinh doanh ngoại hối. Trả lời về câu hỏi liệu mức tăng trưởng huy động 40% đặt ra trong năm 2011 có khả thi trong bối cảnh cạnh tranh huy động vốn hiện nay, ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB, cho biết: Khi xây dựng mục tiêu tăng trưởng huy động 40%, ACB thấy rõ thách thức trước mắt.

Đại hội cổ đông năm 2011 của NHTMCP Á Châu (ACB) đã diễn ra tại TPHCM. Ảnh: LÃ ANH
 Đại hội cổ đông năm 2011 của NHTMCP Á Châu (ACB) đã diễn ra tại TPHCM. Ảnh: LÃ ANH

Nhưng nhìn vào cân đối vĩ mô và những dự kiến để tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán của toàn ngành ngân hàng, ACB nhận định tình hình kinh tế Việt Nam sẽ có dấu hiệu tích cực vào cuối quý III-2011, các chính sách tiền tệ có thể được nới lỏng vào thời điểm đó. Với dự kiến tăng trưởng phương tiện thanh toán 24%, mức tăng trưởng huy động 40% có thể đạt được. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào mức độ điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Nhận định trong năm nay lãi suất sẽ không giảm nhanh và cạnh tranh lãi suất sẽ còn căng thẳng, ông Lý Xuân Hải cho biết ACB buộc phải bám theo lãi suất thị trường. Tuy nhiên, hiện nay việc bán các sản phẩm tín dụng hay huy động của ngành ngân hàng đều là bán sản phẩm riêng lẻ. Do vậy, trong chương trình chiến lược của mình, với sự tư vấn của Ngân hàng Standard Chartered (SCB), ACB đang xây dựng bó sản phẩm, trong đó khách hàng gửi tiền còn được cung cấp nhiều tiện ích khác.

Mục tiêu này của ACB là “thò tay sâu hơn vào túi tiền” của khách hàng, để độ thâm nhập của các sản phẩm dịch vụ rộng, sâu hơn. Ông Lý Xuân Hải nói: “85% khách hàng chỉ sử dụng 1 sản phẩm của ACB. Nếu ACB phát triển thêm nhiều sản phẩm tiện ích đi kèm, tạo giá trị gia tăng lớn hơn, khi đó ACB bán được nhiều sản phẩm, khách hàng có lợi khi hưởng ưu đãi lớn nhất về lãi suất và dịch vụ kèm theo.

Linh hoạt trong mọi hoàn cảnh

Giải trình về kết quả kinh doanh thấp của công ty chứng khoán (CTCK) ACBS, ảnh hưởng đến lợi nhuận của ACB trong năm 2011 cũng như hướng phát triển của ACBS trong năm tới, lãnh đạo ACB cho biết năm 2010 thị trường chứng khoán liên tục đi xuống. Với đặc thù của thị trường chỉ có một khả năng sinh lời là mua chứng khoán chờ giá lên để bán, không có công cụ bảo hiểm đối với trường hợp đảo chiều, nên tất cả công ty chứng khoán có chức năng tự doanh như ACBS và nhà đầu tư bị ảnh hưởng đến doanh thu, thu nhập khi thị trường đi xuống. Hơn nữa, thị trường bất ổn còn khiến khối lượng giao dịch giảm do nhà đầu tư không hứng thú, dẫn đến nguồn thu từ mảng môi giới của ACBS suy giảm. 2 yếu tố khách quan này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của ACBS.

Tuy nhiên theo lãnh đạo ACB, trong tình hình thị trường suy giảm hiện nay vẫn có 2 cơ hội cho ACBS: Thứ nhất ACBS củng cố lại cơ sở vật chất và nhân sự để tìm kiếm khách hàng mới. Thứ hai, dựa trên phân tích cơ bản, ACB đánh giá sắp tới mức suy giảm của thị trường sẽ không quá nhiều. Năm nay với tất cả yếu tố về tăng trưởng như lạm phát, nếu VN Index nằm dưới 450 điểm là mức cực kỳ hấp dẫn nhà đầu tư. Do đó ACBS có cơ hội tái cấu trúc danh mục đầu tư, lựa chọn những loại chứng khoán có tiềm năng để đón đầu khi thị trường tăng trưởng trở lại ở mức hợp lý. Khi đó ACBS sẽ hưởng lợi từ 2 cơ hội: quy mô giao dịch lớn và các khoản đầu tư có hiệu quả. ACB kỳ vọng kết quả kinh doanh của ACBS không quá xấu dù năm 2011 thị trường chứng khoán còn khó khăn. Đến giai đoạn 2012-2013, khi thị trường hồi phục, quá trình đầu tư hiện nay của ACBS sẽ cho kết quả xứng đáng.

Trước lo ngại của cổ đông về việc NHNN hạn chế huy động và cho vay vàng, ngoại tệ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của ACB, lãnh đạo ACB cho rằng NHNN đã có lộ trình hạn chế huy động và cho vay vàng tất yếu sẽ có ảnh hưởng và tác động nhất định đến danh mục và cho vay của ACB. Riêng đối với ngoại tệ, NHNN đang có định hướng hạn chế cho vay đối với nhập khẩu và tiêu dùng trong nước nhưng không hạn chế đối với nhà xuất khẩu - người có khả năng tái tạo nguồn ngoại tệ tránh rủi ro tỷ giá. Do đã có dự báo và tập trung cho vay ngoại tệ đối với nhà xuất khẩu từ trước nên chính sách NHNN không ảnh hưởng lớn đến ACB. ACB cho biết sẽ tận dụng cơ hội để đẩy nhanh dư nợ cho vay ngoại tệ, sử dụng 45% nguồn huy động thay thế cho vay bằng vàng khi cần thiết.

Các tin khác