Mua bảo hiểm qua NH: Cân nhắc thiệt hơn

Nhiều NHTM và các công ty bảo hiểm đang liên kết bán sản phẩm bảo hiểm qua NH. Tuy nhiên, nếu không cẩn trọng khách hàng có thể bị thiệt khi mua các sản phẩm này.

Nhiều NHTM và các công ty bảo hiểm đang liên kết bán sản phẩm bảo hiểm qua NH. Tuy nhiên, nếu không cẩn trọng khách hàng có thể bị thiệt khi mua các sản phẩm này.

Chị Nguyễn Thanh Hồng, ngụ ở quận 7, TPHCM được nhân viên NH ANZ gọi điện chào mua sản phẩm bảo hiểm do ANZ kết hợp với Manulife. Theo đó, chỉ cần khách hàng đóng khoảng 600.000 đồng/tháng với thời hạn 10 năm sẽ được bảo hiểm 15 năm, trong đó được hưởng các quyền lợi cơ bản như bảo hiểm tử vong, bảo hiểm do tai nạn, bảo hiểm khi mắc bệnh ung thư. Ngoài ra, khách hàng được hưởng bảo tức với mức lãi suất hiện tại 8,5%/năm trên số tiền bảo hiểm.

Tuy nhiên, chị Hồng cho biết đã từ chối tham gia sản phẩm này mặc dù nhân viên ANZ nhiều lần mời sử dụng. Bởi trước đó, chị đã tham gia một sản phẩm bảo hiểm tương tự của Prudential với thời hạn khá dài 5-7 năm. Nhưng khi có sự cố đột xuất cần tất toán hợp đồng, số tiền nhận lại được từ hợp đồng bảo hiểm rất thấp so với số tiền chị đã đóng trước đó.

Theo chị Hồng, khi tham gia sản phẩm bảo hiểm kết hợp với tiết kiệm, khách hàng nên cẩn trọng, cần xem kỹ các điều khoản trong hợp đồng. Thông thường các điều khoản hợp đồng bảo hiểm rất dài và rắc rối, nếu không cân nhắc kỹ khách hàng có thể bị thiệt sau khi lỡ bút ký.

NH và công ty bảo hiểm nên có nhiều sản phẩm linh hoạt, phù hợp với thói quen người dân.

NH và công ty bảo hiểm nên có nhiều sản phẩm linh hoạt, phù hợp với thói quen người dân.

Hiện nay, ở nước ta có gần 20 NH đã ký hợp tác với công ty bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ trong việc triển khai bán sản phẩm bảo hiểm qua NH (bancassurance). Việc hợp tác này, theo nhận định của các chuyên gia tài chính, sẽ còn nở rộ trong thời gian tới.

Để gia tăng tiện ích, nguồn thu từ dịch vụ, các NH đang tăng cường liên kết với nhiều công ty bảo hiểm để bán chéo sản phẩm cho khách hàng. Đây cũng là hình thức các công ty bảo hiểm muốn phát triển, qua đó có điều kiện mở rộng thị phần thông qua các khách hàng của NH. Tuy nhiên, nhiều NHTM cho biết kết quả còn khá khiêm tốn so với kỳ vọng.

Giải thích về lý do này, theo một lãnh đạo HDBank, các sản phẩm bảo hiểm qua NH thường hút vốn kỳ hạn dài, ít nhất 5-7 năm, nhưng trong bối cảnh lạm phát hiện nay người dân ngại gửi tiền dài hạn vì sợ mất giá. Theo đó người dân có xu hướng quay về gửi tiền những sản phẩm truyền thống với kỳ hạn ngắn 3-6 tháng. Đó là lý do vì sao dù các quyền lợi bảo hiểm khá hấp dẫn nhưng các sản phẩm tiết kiệm kết hợp bảo hiểm vẫn ít thu hút được khách hàng. 

Theo một đại diện công ty bảo hiểm, doanh thu từ bancassurance hiện chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn ở nước ta, trong khi ở các nước phát triển, tỷ lệ trên khá lớn. Điều này xuất phát từ nhiều lý do, trong đó có mâu thuẫn giữa kênh bán hàng thông qua NH với kênh bán hàng truyền thống qua hệ thống đại lý… Nhưng chủ yếu vẫn do người dân nước ta chưa có thói quen bảo hiểm thời hạn dài do thu nhập chưa cao và ổn định. Các NH dù ký kết với các công ty bảo hiểm nhưng cũng không mặn mà trong việc khuyến khích khách hàng tham gia, dù nếu phát triển các sản phẩm này NH có thêm khách hàng, tức sẽ có thêm lượng tiền mặt nhờ lượng tiền đóng phí bảo hiểm thông qua NH của khách.

Ngoài ra, công ty bảo hiểm còn duy trì các khoản tiền gửi có kỳ hạn và các hình thức đầu tư khác tại NH. Cũng có ý kiến các chuyên gia cho rằng để thu hút người dân tham gia các sản phẩm bancassurance, các NH và công ty bảo hiểm nên có nhiều sản phẩm linh hoạt hơn phù hợp với thói quen của người dân, trong đó nên rút ngắn thời hạn đóng phí.

Các tin khác