Mua bán tràn lan tiền giả trên mạng

(ĐTTCO) - Hoạt động buôn bán tiền giả đang tràn lan từ mạng xã hội đến thực tế dẫn đến thiệt hại cho không ít người dân. 
Mặc dù đã có khung hình phạt rất nặng nhưng gốc vấn đề là cần có giải pháp phòng ngừa để tránh những nghi ngại trong hoạt động thương mại, tiêu dùng hàng ngày.
Lừa đảo qua mạng

 Khi tiền giả lưu thông sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung và hoạt động thương mại, tiêu dùng của người dân nói riêng, nên người dân cũng mong muốn cơ quan chức năng phổ biến rộng rãi hơn việc phân biệt tiền thật, tiền giả và tăng cường điều tra xử lý các đối tượng đang công khai rao bán tiền giả để loại tiền này không có cơ hội len lỏi vào thị trường.
Trong một nhóm buôn bán trên Facebook, N.T.T.T rao bán công khai tiền giả giao hàng toàn quốc, đảm bảo giống tiền thật 100% với các mệnh giá 50.000 đồng, 100.000 đồng, 200.000 đồng và 500.000 đồng. Theo đó, người mua đổi 1 triệu tiền thật lấy 10 triệu tiền giả, 2 triệu tiền thật lấy 20 triệu tiền giả, 5 triệu tiền thật lấy 60 triệu tiền giả, số seri các loại tiền này giống nhau.
Hình thức mua tiền là khách hàng gửi người bán 30% tiền cọc bằng thẻ nạp tiền điện thoại hoặc tài khoản NH, nhưng giao dịch qua tài khoản NH chỉ thực hiện với khách quen. Người bán sẽ gửi tiền qua bưu điện hoặc có người giao hàng tận nơi. Trong thông tin giới thiệu, N.T.T.T cũng ghi rõ: “Khách hàng có thể thoải mái mua sắm quần áo, ăn uống, đổ xăng nhưng lưu ý phải tránh những nơi có máy soi, máy đếm, tránh giao dịch với NH để đảm bảo an toàn khi sử dụng”. 

Tại trang buôn bán tiền giả khác, người đại diện giới thiệu bán tiền giả trao hàng tận tay, giao hàng tận nhà và cho biết chỉ có máy soi mới phát hiện, mắt thường không thể phân biệt được. Loại tiền giả hiện có gồm 500.000 đồng, 200.000 đồng, 100.000 đồng, 50.000 đồng và 20.000 đồng, nhưng loại tiền 50.000 đồng và 20.000 đồng được sản xuất rất ít vì giá trị thấp mà số lượng lại nhiều, tốn thời gian, nguyên liệu.
Tỷ lệ mua tiền giả là 1:10, tức là 1 triệu đồng tiền thật mua được 10 triệu tiền giả, nếu mua số lượng lớn được khuyến mại thêm, chẳng hạn mua 10 triệu đồng quy đổi được 120 triệu đồng. Khách hàng phải đặt cọc 50% bằng thẻ nạp tiền điện thoại, mục đích là để lọc khách hàng ảo. Khi mua bán lâu dài có uy tín, nếu có nhu cầu sẽ được làm đại lý cho cửa hàng.

 Những thông tin buôn bán tiền giả như trên đang tràn lan trên mạng xã hội và đáng chú ý hầu hết những người rao tin đều là các bạn trẻ. Bên cạnh đó lại có khá nhiều người quan tâm để lại lời nhắn muốn trao đổi để mua bán. Song hầu hết những người từng giao dịch mua bán tiền giả qua những mẩu tin này đều cho biết đã bị lừa.
Chủ tài khoản T.P trên Facebook chia sẻ, sau khi nhắn tin và chốt đổi 2 triệu tiền thật lấy 20 triệu tiền giả với tài khoản tên L.M.H, anh mua 2 thẻ cào điện thoại với giá trị 1 triệu đồng để đáp ứng 50% cọc và gửi mã số. Người bán sau khi nhận được mã thẻ cào không phản hồi lại, và một lúc sau tài khoản trên Facebook của người bán khóa lại ngay sau đó, mã thẻ cào cũng đã được sử dụng.

Những facebook công khai rao bán tiền giả. 

Tiền giả giao dịch thật

Tuy nhiên, bên cạnh những chiêu lừa để được nạp thẻ điện thoại, trên mạng xã hội lại đang có khá nhiều nhóm kín về buôn bán tiền giả hoạt động thật. Muốn tham gia vào nhóm này cần phải có một trong các thành viên trong nhóm phê duyệt. Trong nhóm này, các thành viên lưu ý người mua không nên tin nếu bên bán yêu cầu đặt cọc trước và chuyển tiền qua bưu điện, mà phải giao dịch qua hình thức trực tiếp, bởi vì đây là hàng cấm nên không thể vận chuyển bằng đường chuyển phát nhanh hay bưu điện.
Hơn nữa, số seri trên các tờ tiền phải khác nhau mới có thể sử dụng ra thị trường với số lượng lớn. Một số thành viên trong nhóm kín này để lại số điện thoại và hứa hẹn giới thiệu nơi bán không công khai, chất lượng uy tín, kín đáo an toàn, nếu mua được chỉ cần chiết khấu lại 10% số tiền mua. 

Thực tế trên thị trường các giao dịch tiền giả vẫn đang diễn ra thật, vì theo thống kê của NHNN mỗi năm các NH thu vào hàng chục tỷ đồng tiền giả, chủ yếu là các loại tiền có mệnh giá cao. Tháng 2-2017, Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Công an TP Lạng Sơn phát hiện một đối tượng mang hơn 200 triệu đồng tiền giả được mua tại Trung Quốc với giá 2.000 nhân dân tệ về Việt Nam tiêu thụ.
Tháng 5-2017, 2 người gồm nam và nữ đã đến một chi nhánh NHTMCP tại huyện Bình Chánh, TPHCM mở tài khoản gửi 17,4 triệu đồng, gồm 87 tờ tiền loại mệnh giá 200.000 đồng/tờ đều là tiền giả. Nguồn tiền giả vẫn đang được nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc, Campuchia về Việt Nam qua đường tiểu ngạch ở khu vực biên giới, sau đó vận chuyển về các tỉnh và tung ra thị trường.
Mặc dù cơ quan công an đã bắt hàng loạt nhóm đối tượng, kể cả những người buôn bán tiền giả thật lẫn những người có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn bán tiền giả qua mạng xã hội Facebook, nhưng vấn nạn tiền giả vẫn chưa có dấu hiệu giảm xuống.

Thông tin rộng rãi giải pháp phòng ngừa

Theo ông Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Hội Luật gia quận 10, việc mua bán tiền giả trên mạng được 2 bên tiến hành sẽ vi phạm Điều 180 của Bộ luật Hình sự về tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả. Nếu giao dịch dưới 3 triệu đồng tiền giả, xử lý hình sự với khung hình phạt từ 3-7 năm tù, trường hợp đặc biệt nghiêm trọng có thể lên tới tù chung thân.
Còn để đối phó với vấn nạn này, NHNN đã có văn bản hướng dẫn phân biệt tiền thật tiền giả đến các cơ quan cấp huyện, phường, xã và cũng đã phối hợp các cơ quan công an, quản lý thị trường để xử lý. Nhưng thực tế, tiền giả vẫn xuất hiện trong nhiều giao dịch buôn bán hàng ngày. 

Chị Minh Tuyết, chủ cửa hàng kinh doanh bao bì tại quận 8 TPHCM, cho biết hiện nay trên thị trường đang lưu hành tiền mệnh giá 200.000 giả rất nhiều. Từ đầu năm đến nay, chị đã thu vào 3 tờ, đem vào NH giao dịch mới biết tiền giả.
So sánh với tiền thật, tờ 200.000 đồng giả có sự khác biệt như quốc huy in nhạt hơn, dòng phản quang thể hiện con số 200.000 trên tiền giả in ngắn hơn, cánh hoa sen có 2 màu, hoa văn in nhạt và mịn thay vì nổi cộm và đậm như tiền thật. Tuy nhiên, với độ làm giả khá tinh vi, nếu không có kinh nghiệm, khi mua bán trao đổi tiền rất khó phân biệt được đâu là tiền thật, đâu là tiền giả. Do đó, vấn đề đặt ra là phải có giải pháp phòng ngừa loại tội phạm này. 

Các tin khác