Mở cửa khai thông cục nợ xấu

(ĐTTCO) - Quyết định đầu tiên được tân Thống đốc NHNN ban hành trong thời gian vừa nhận nhiệm vụ là phê duyệt việc xây dựng và triển khai phương án mua nợ xấu theo giá thị trường của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC). Như vậy, phương án gom nợ bằng cách phát hành trái phiếu đặc biệt góp phần giảm tỷ lệ nợ xấu trong giai đoạn vừa qua đã đến lúc phải được thay thế bằng cách xử lý mới.

(ĐTTCO) - Quyết định đầu tiên được tân Thống đốc NHNN ban hành trong thời gian vừa nhận nhiệm vụ là phê duyệt việc xây dựng và triển khai phương án mua nợ xấu theo giá thị trường của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC). Như vậy, phương án gom nợ bằng cách phát hành trái phiếu đặc biệt góp phần giảm tỷ lệ nợ xấu trong giai đoạn vừa qua đã đến lúc phải được thay thế bằng cách xử lý mới.

Mua nợ theo giá thị trường

Quyết định 618/QĐ-NHNN phê duyệt việc xây dựng và triển khai phương án mua nợ xấu theo giá thị trường của VAMC vừa được ban hành, quy định cụ thể, chi tiết phạm vi, đối tượng, điều kiện đối với các khoản nợ xấu mua theo giá thị trường; nguyên tắc, trình tự thực hiện mua nợ xấu theo giá thị trường; nguyên tắc xác định giá mua nợ; nguồn vốn sử dụng để mua nợ theo giá thị trường; xử lý các khoản nợ xấu đã mua. Nhiều người kỳ vọng Quyết định 618 có thể giúp việc xử lý nợ xấu trở nên sáng sủa hơn. 

Có nhiều e ngại trong việc nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua nợ xấu, nhất là khi 90% khoản nợ xấu của VAMC mua có tài sản bảo đảm là bất động sản. Tuy nhiên, để xử lý nợ xấu, ngoài việc hình thành một thị trường mua bán nợ thực sự, phải cho nhà đầu tư nước ngoài mua nợ xấu vì họ có tiềm lực vốn rất mạnh.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế

Dù nợ xấu theo các con số báo cáo chính thức đang ở mức khá an toàn là dưới 3%, nhưng nhiều chuyên gia cảnh báo nợ xấu vẫn là một trong những nguy cơ lớn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam trong những năm sắp tới. Nguyên nhân do con số tỷ lệ nợ xấu thực tế của nền kinh tế hiện nay có thể đang rất lớn. Sự ra đời của VAMC được kỳ vọng nhiều trước đó, nhưng thực tế chưa thể xử lý nợ xấu do vẫn chưa được thực hiện theo cơ chế thị trường. Theo số liệu công bố của VAMC, tính từ năm 2013 đến 31-12-2015, công ty này đã mua 24.512 khoản nợ từ 41 TCTD, tương ứng 243.335 tỷ đồng dư nợ gốc, với giá mua 207.909 tỷ đồng. Tổng số nợ xấu đã được xử lý khoảng 22.783 tỷ đồng (bao gồm thu từ bán nợ/bán tài sản đảm bảo…).

Như vậy sau gần 3 năm hoạt động, số nợ xấu VAMC xử lý được chiếm chưa đến 10% tổng số nợ mua về. Nếu tiến độ này không được cải thiện, VAMC cần thêm hàng chục năm nữa mới xử lý hết số nợ xấu đã mua, chưa nói đến các khoản nợ xấu sẽ mua trong thời gian tới. Hầu hết chuyên gia đều đánh giá việc mua bán nợ xấu bằng hình thức trái phiếu đặc biệt chỉ là giải pháp tạm thời. Theo đó, phần lớn nợ xấu chỉ được khoanh lại để giảm áp lực việc trích lập dự phòng nợ xấu và làm đẹp các con số trên báo cáo tài chính của các TCTD. Việc xử lý nợ xấu theo hình thức này không có hiệu quả thực sự.

Có dễ hơn?

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch VAMC, đã có 20 nhà đầu tư trong và ngoài nước (chủ yếu là nước ngoài) ký thỏa thuận bảo mật thông tin với VAMC để tìm hiểu các khoản nợ. Đó là chưa kể khoảng 60 nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới các khoản nợ xấu của Việt Nam, cùng số lượng nhà đầu tư trong nước. Rõ ràng việc mua bán, xử lý nợ xấu đang được rất nhiều người quan tâm. NHNN ban hành Quyết định 618 trong bối cảnh hiện nay được kỳ vọng sẽ tạo ra một bước đi mới trong việc xử lý nợ xấu, thay thế cơ chế mua bán nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt không thực sự hiệu quả.

Nhiều chuyên gia cũng đồng tình, việc cho phép mua bán nợ theo giá thị trường là một giải pháp khả dĩ trong tình hình hiện nay. Đây là một bước đi cụ thể để tiến hành xử lý nợ xấu một cách thực sự thông qua cơ chế thị trường. Với độ rủi ro của hệ thống NH quá lớn, NHNN không còn cách nào khác để hạ nhiệt nợ xấu, vì nếu toàn bộ số liệu nợ xấu được trưng ra có thể gây nên những xáo trộn rất lớn trọng hệ thống tài chính, thậm chí có thể mất kiểm soát. Việc xử lý nợ xấu một cách thực chất sẽ được đẩy nhanh hơn khi hệ thống NH ổn định trở lại. Thực tế, trước đó tại Nghị định 53/2013/NĐ-CP ngày 18-5-2013 của Chính phủ về thành lập VAMC cũng đã đề cập đến việc mua bán nợ xấu theo giá thị trường. Các nghị định bổ sung sửa đổi liên quan đến VAMC sau đó như Nghị định 34/2015, Nghị định 18/2016 cũng tiếp tục đề cập chi tiết hơn việc mua bán nợ xấu VAMC theo giá thị trường. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại VAMC vẫn chưa thể mua bất kỳ một khoản nợ nào theo giá thị trường. Theo một số thông tin, mãi tới gần đây VAMC mới đang thẩm định 100-200 tỷ đồng nợ xấu để thí điểm mua bán nợ xấu theo giá thị trường.

Ảnh minh họa: L.THANH

Ảnh minh họa: L.THANH

Kinh nghiệm ở các quốc gia cho thấy xử lý nợ xấu luôn là công việc không dễ dàng. Ngay cả những nước có nền kinh tế phát triển, có thị trường tài chính năng động, hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, minh bạch việc xử lý nợ xấu cũng rất khó khăn. Đối với Việt Nam, việc xử lý nợ xấu chắc chắn sẽ khó khăn gấp bội phần khi mọi điều kiện cơ bản để xử lý nợ xấu vẫn còn nhiều hạn chế. Một chuyên gia tài chính cho rằng quyết định cho phép VAMC được mua nợ theo giá thị trường là điểm khá tích cực, nhưng các điều kiện cơ bản khác vẫn còn khó khăn như thiếu hành lang pháp lý chặt chẽ, sự năng động của thị trường tài chính, đặc biệt là thiếu nguồn nhân lực đủ am hiểu phục vụ việc xử lý nợ xấu. Do đó, dù việc mua bán nợ xấu ở Việt Nam khá hấp dẫn nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài, nhưng nhiều điều cần và đủ khác từ chính tổ chức VAMC và những yếu tố khách quan từ thị trường vẫn rất quan trọng. Đây sẽ là yếu tố làm cho việc xử lý nợ xấu trong thời gian tới không hề dễ dàng.

Các tin khác