Mất tiền trong tài khoản - Nhỏ mà không nhỏ

(ĐTTCO) - Theo các nhà phân tích, so với gần tỷ giao dịch NH hiện nay, các sự cố mất tiền vẫn chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
 Tuy nhiên, điều này có thể gây hoang mang cho khách hàng, hơn nữa nếu các lỗ hổng trong giao dịch từ phía khách hàng và NH không được bít, tội phạm công nghệ này có thể bùng nổ trong tương lai.

Tài khoản “bốc hơi”

Vào ngày 13-5, ông Nguyễn Thành Nam, khách hàng mở tài khoản của Vietcombank tại TPHCM, phát hiện bị mất hơn 30 triệu đồng trong tài khoản và thông báo ngay đến Vietcombank. Trung tâm dịch vụ khách hàng của Vietcombank đã ngay lập tức khóa thẻ và hướng dẫn khách hàng thực hiện các thủ tục cần thiết. Tổng cộng tài khoản của ông Nam phát sinh có 7 giao dịch trong khoảng thời gian từ 3:42-5:34 sáng ngày 13-5. Trong đó có 5 giao dịch thành công, 2 giao dịch báo lỗi do hết tiền.
Toàn bộ giao dịch đều thanh toán vé máy bay mua từ website của hãng AirAsia tại các nước Myanmar, Indonesia, Singapore... Mới đây, lãnh đạo Vietcombank đã phản hồi sẽ xác định giao dịch không do khách hàng thực hiện thì quyền lợi của khách hàng sẽ được đảm bảo.
Trước đó vài ngày, một khách hàng sử dụng thẻ ATM của DongAbank có yêu cầu nhà băng này hoàn trả lại số tiền 129 triệu đồng đã bị mất. DongAbank cũng xác nhận tại máy ATM của nhà băng có phát sinh 13 giao dịch với tổng số tiền rút 119 triệu đồng nhưng vị khách hàng khẳng định không phải là người thực hiện rút tiền.
Khách hàng đề nghị NH phải điều tra và hoàn trả lại số tiền 129 triệu đồng chậm nhất ngày 20-5, nhưng phía DongAbank cho biết sẽ xem xét và phản hồi kết quả chậm nhất vào ngày 24-5 tới.
Câu chuyện này bắt đầu vào ngày 17-2 khi khách hàng dùng thẻ ATM của DongAbank để rút tiền tại trụ máy Sacombank. Nhưng khi thực hiện thao tác rút tiền thì máy mất điện và thẻ ATM bị giữ lại trong máy. Vị khách chủ quan và nghĩ rằng thẻ bị giữ tại NH sẽ không sao nên anh không báo DongAbank khóa thẻ. Thời điểm này số dư trong tài khoản là 133 triệu đồng.
Đến ngày 25-3, người này chỉ dùng chứng minh thư để rút 4 triệu đồng và không làm thủ tục nhận lại thẻ. Đến 25-4, vị khách trên ra phòng giao dịch DongAbank để chuyển khoản bằng chứng minh thư thì được nhân viên thông báo số tiền trong tài khoản không đủ để thực hiện giao dịch.
Sau khi xem bản in bản sao kê cho thấy từ ngày 1 đến ngày 7-4, tài khoản trên đã bị kẻ gian rút toàn bộ số tiền 129 triệu đồng tại các trụ ATM của DongAbank (119 triệu đồng) và Techcombank (10 triệu đồng).
Được biết, khách hàng không đăng ký SMS banking và internet banking nên không hay biết bị rút trộm cho đến khi nhân viên kiểm tra. Đến nay, khách hàng vẫn chưa nhận lại thẻ mà để lại Sacombank để cơ quan có thẩm quyền điều tra.
Một khách hàng tại TPHCM cũng chia sẻ thêm với ĐTTC, theo đó chị cũng từng bị trừ tiền trong tài khoản để trả tiền mua thẻ game ở nước ngoài. Nhưng người này từ trước nay không giao dịch trực tuyến ngoại trừ khi dùng dịch vụ Uber, cũng không bao giờ tiết lộ thông tin tài khoản cho bất cứ ai.
Do vậy sau 3 tin nhắn nhận được trừ tiền khách hàng đã gọi điện ngay cho NH và khóa tài khoản ngay lập tức. Nhiều người còn tỏ ra lo ngại về vấn đề bảo mật của các loại thẻ như thẻ Visa cũng như việc sử dụng thẻ ATM có nhiều rủi ro.
Sau các thông báo mất tiền trong tài khoản tiếp tục được đưa ra gần đây, dù là các trường hợp đánh cắp đơn lẻ, để hạn chế rủi ro, thậm chí một số NH thực hiện hạn chế thời gian hoạt động vào ban đêm của ATM được lắp đặt ở các vị trí không bị giới hạn theo giờ mở, đóng cửa (của các tòa nhà, trung tâm thương mại…). Ngay lập tức NHNN đã phải lên tiếng yêu cầu các NH phải tuân thủ quy định là phục vụ 24/24 giờ và 7/7 ngày trong tuần, nếu NH nào sai phạm sẽ xử lý.
Mất tiền trong tài khoản - Nhỏ mà không nhỏ ảnh 1
 Chuyện không nhỏ

Sau các thông tin mất tiền trong tài khoản thẻ, NHNN đã ban hành Văn bản 3360/NHNN-TTGSNH về việc tăng cường công tác an toàn kho quỹ, giao dịch tiền mặt đảm bảo an toàn tài sản nơi giao dịch. Theo đó, Thống đốc yêu cầu tổng giám đốc (giám đốc) các TCTD, chi nhánh NH nước ngoài phải thường xuyên rà soát quy trình, quy định nội bộ, hệ thống kiểm soát nội bộ liên quan công tác kho quỹ, các hoạt động giao dịch, kiểm đếm, vận chuyển, bảo quản tiền mặt, vàng, tài sản quý, giấy tờ có giá, các hoạt động quản lý máy ATM… đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối về người và tài sản trong các khâu giao dịch, két quỹ, kho tiền. Như vậy, vấn đề an toàn bảo mật trong giao dịch NH đang được rất nhiều người quan tâm, bởi chỉ cần bất cẩn người dùng có thể bị mất số tiền giá trị lớn.

Trong thời gian gần đây, giao dịch không dùng tiền mặt bùng nổ mạnh mẽ, do vậy vấn đề an toàn trong giao dịch lại càng trở nên bức thiết. Theo số liệu từ bà Nguyễn Thị Hòa, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược NH, tính đến tháng 12-2016, đã có 111 triệu thẻ NH được phát hành với tổng số lượng giao dịch trên thẻ tính riêng trong năm là 919,45 triệu giao dịch, tổng giá trị giao dịch 2.865.000 tỷ đồng.
Hệ thống ATM có 17.472 máy với tổng số lượng giao dịch trong năm 2016 là 717 triệu món, trị giá hơn 1.809 tỷ đồng. Tổng số POS là 263.427 máy với tổng số lượng giao dịch trong năm 2016 là 97 triệu món và 250 tỷ đồng. Sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất nằm ở hai kênh là internet banking và mobile banking, với tổng giá trị giao dịch qua internet banking năm 2016 đạt 7.202.000 tỷ đồng (tăng 42% so với năm 2015) và giá trị giao dịch qua kênh mobile banking trong cùng năm là 303.000 tỷ đồng (tăng 126% so với năm 2015). 

Nếu so với con số giao dịch, lượng khách hàng mất tiền trong thời gian gần đây chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Tuy nhiên, việc mất mát này lại ảnh hưởng lớn đến tâm lý của khách hàng. Hơn nữa việc mất mát này có thể do lỗ hổng từ chính phía NH như lỗi hệ thống hoặc tính bảo mật chưa cao.
Nếu lỗi từ phía khách hàng thì có thể do những sơ suất dẫn đến các thông tin về tài khoản bị đánh cắp. Rõ ràng dù bất kỳ từ phía nào, đây cũng là rủi ro rất lớn và có thể bùng nổ trong tương lai. Do đó, không thể xem đây là chuyện nhỏ, các NH cần tăng cường tính bảo mật và cảnh báo mạnh mẽ hơn nữa cho khách hàng những rủi ro đối với tài khoản của mình. 

Các tin khác