Loay hoay gỡ sở hữu chéo

(ĐTTCO) - Xử lý sở hữu chéo (SHC) là 1 trong 2 mục tiêu nổi cộm trong hoạt động tái cơ cấu hệ thống NHTM. 
Tuy nhiên, từ năm 2011 đến nay, SHC vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, dù đã có nhiều quy định về thời hạn đặt ra. Mới đây, NHNN lại tiếp tục lấy ý kiến đóng góp dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 06/2015 quy định thời hạn, trình tự, thủ tục chuyển tiếp đối với trường hợp sở hữu cổ phần vượt giới hạn. Theo đó, thời hạn xử lý SHC được kéo giãn đến ngày 30-6-2019.
Lại kéo giãn thời hạn
Hồi giữa tháng 4-2018, Vietcombank bán thành công 6,67 triệu cổ phiếu OCB cho 127 nhà đầu tư cá nhân và 1 nhà đầu tư tổ chức trong nước, thu về 171,96 tỷ đồng. Cuối năm 2017, Vietcombank đã thoái hết vốn tại SaigonBank và Công ty tài chính Xi măng, thu về khoảng 342 tỷ đồng. VietinBank cũng thoái vốn tại SaigonBank từ 10,39% xuống 4,91% vốn. Qua nhiều đợt bán cổ phiếu tại Sacombank, Eximbank cũng đã giảm tỷ lệ nắm giữ tại NH này xuống mức 4,69%.
 Thực tế, rất nhiều trường hợp một số cá nhân không nắm quyền lãnh đạo NH, thậm chí không có cổ phiếu tại NH, nhưng vẫn thông qua một số nhóm người để chi phối NH đó. Vì thế, dù Luật Các TCTD sửa đổi bổ sung đã có những quy định nhằm minh bạch sở hữu, xử lý SHC, song các cơ quan chức năng vẫn không thể lơ là trong giám sát.
TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU, 
chuyên gia tài chính-NH
Điều 20 Thông tư 36/2014 của NHNN quy định NHTM chỉ được mua, nắm giữ cổ phiếu tối đa không quá 2 TCTD khác (trừ công ty con của NHTM đó) và tỷ lệ nắm giữ phải dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết.
Tuy nhiên, hiện Vietcombank vẫn còn sở hữu cổ phần cao hơn 5% tại 2 TCTD là Eximbank và MB. Lãnh đạo Vietcombank cho biết trong quý II này nếu thị trường tích cực sẽ tiến hành thoái vốn khỏi 2 NH trên theo đúng Thông tư 36, nhưng đã gần đến cuối quý II NH vẫn chưa thực hiện thoái vốn.
Điều 26 Thông tư 36 cũng quy định tối đa 12 tháng sau khi Thông tư 36 có hiệu lực (kể từ ngày 1-2-2015), các TCTD có góp vốn, mua cổ phần không đảm bảo các quy định phải xây dựng kế hoạch khắc phục, bảo đảm tuân thủ đúng quy định. Các TCTD không khắc phục vi phạm, tùy theo mức độ, tính chất rủi ro, NHNN áp dụng các biện pháp xử lý cần thiết như thu hồi giấy phép. Dù vậy, đến nay, các NH vi phạm vẫn không bị xử lý.
Trước tình hình trên, việc xử lý SHC tại các TCTD tiếp tục được gia hạn thời gian. Cụ thể, dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 06/2015 quy định trước ngày 30-6-2019, TCTD sở hữu cổ phần vượt giới hạn phải lập kế hoạch khắc phục đảm bảo tuân thủ quy định tại Luật Các TCTD (đã được sửa đổi, bổ sung). Sau thời hạn chuyển tiếp này, NHNN sẽ áp dụng biện pháp xử lý đối với các trường hợp chưa tuân thủ.
Theo đó, NHNN sẽ không chấp thuận nhân sự dự kiến bầu làm thành viên HĐQT, thành viên Ban kiểm soát, bổ nhiệm làm tổng giám đốc của TCTD; cổ đông, nhóm cổ đông có liên quan đang sở hữu cổ phần vượt giới hạn không được tăng số lượng cổ phần nắm giữ tại TCTD, chưa được nhận cổ tức bằng tiền mặt (nếu có) đối với số cổ phần nắm giữ vượt giới hạn cho đến khi đảm bảo tuân thủ giới hạn sở hữu cổ phần theo quy định; các biện pháp xử lý khác. Như vậy, NHNN kéo giãn thời gian để các TCTD tự xử lý SHC, thay vì áp dụng ngay những biện pháp xử phạt.
Loay hoay gỡ sở hữu chéo ảnh 1
Cần giám sát chặt chẽ
Luật Các TCTD sửa đổi bổ sung có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15-1-2018, quy định 1 người không được cùng nắm vị trí chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc NH đồng thời là lãnh đạo cao cấp của doanh nghiệp (DN) khác, nhằm hạn chế, ngăn ngừa các hành vi vi phạm của người quản lý, điều hành TCTD.
Theo đó, lãnh đạo NH trong diện phải thực hiện quy định mới đã lần lượt đưa ra lựa chọn. Trong kỳ ĐHCĐ vừa qua, KienlongBank đã ra mắt HĐQT nhiệm kỳ 2018-2022 không có tên ông Võ Quốc Thắng. Bà Nguyễn Thị Nga cũng nhường ghế Chủ tịch HĐQT SeABank cho ông Lê Văn Tần để tiếp tục là Chủ tịch HĐQT tại các công ty như Intimex Việt Nam, Tập đoàn BRG, Công ty TNHH Khách sạn Nhà hát và Phó Chủ tịch CTCP Du lịch dịch vụ Hà Nội.
Tương tự, ông Vũ Văn Tiền cũng ưu tiên chọn DN khi không còn giữ chức Chủ tịch HĐQT tại ABBank. Ngược lại nhiều lãnh đạo DN đã chọn NH, ông Dương Công Minh tiếp tục là Chủ tịch HĐQT Sacombank; ông Đỗ Minh Phú rời DOJI để nắm vị trí Chủ tịch HĐQT TPBank; bà Thái Hương chọn giữ chức tổng giám đốc BacA Bank, rời ghế lãnh đạo tại Tập đoàn TH.
Cho đến thời điểm này, quy định mới của Luật Các TCTD sửa đổi bổ sung đã được lãnh đạo các NH thực hiện triệt để. Tuy nhiên, phía sau việc miễn nhiệm để đáp ứng quy định vẫn còn một bối cảnh tranh tối tranh sáng. Chẳng hạn, sau khi bà Nguyễn Thị Nga quyết định rời ghế Chủ tịch HĐQT SeABank để làm chủ DN, con gái bà Nga là bà Lê Thu Thủy được giao ghế tổng giám đốc, kiêm phó chủ tịch HĐQT.
Ông Võ Quốc Thắng giữ vai trò cố vấn Kienlongbank nhiệm kỳ 2018-2022. Theo các chuyên gia, quy định mới nhằm chống SHC nhưng thực chất chỉ gỡ được bề mặt, muốn chống triệt để phải giám sát kỹ. Thực tế, Luật Các TCTD năm 2010 đã quy định rõ ràng vấn đề sở hữu cổ phần của các cá nhân và TCTD. Tuy nhiên, để lách luật, các TCTD đã hoặc thông qua trung gian để mua cổ phần của TCTD đã mua cổ phần của mình, hoặc cá nhân tìm cách núp bóng người khác để sở hữu cổ phần NH vượt con số quy định 5% vốn điều lệ của TCTD.
Hiện nay, việc các cổ đông có liên quan chiếm tới 50-60% cổ phần NH  không phải là chuyện hiếm. Đây cũng là vấn đề cần phải giám sát kỹ để tránh lặp lại “mạng nhện” SHC trong giai đoạn này.
Để xử lý SHC triệt để cần đánh giá đúng thực trạng, minh bạch hóa thông tin về tỷ lệ và đối tượng sở hữu, xử phạt nặng các cá nhân, TCTD tìm cách lách luật, lạm dụng SHC để tư lợi cá nhân, thao túng thị phần, làm giảm năng lực cạnh tranh của các DN cũng như TCTD.
NHNN nên coi việc thúc đẩy các NHTM nhanh chóng niêm yết trên sàn chứng khoán là biện pháp để minh bạch hóa hoạt động của NH. NHNN cần quyết liệt buộc các NHTM phải có lộ trình hiện thực hóa quá trình niêm yết, chấm dứt tình trạng cổ đông lớn chi phối và biểu hiện gia đình trị trong hệ thống.

Các tin khác