Lo ngại mất cân đối nguồn vốn

(ĐTTCO) - Từ đầu năm đến nay tín dụng luôn tăng trưởng cao hơn tốc độ huy động vốn. Xu hướng này dấy lên lo ngại mất cân đối nguồn vốn, gây sốc thanh khoản cho các TCTD trong thời gian tới.
 

Chỉ báo rủi ro thanh khoản

Muốn kéo giảm áp lực này để các TCTD đạt được các chỉ tiêu an toàn hoạt động phải cơ cấu lại thị trường. Trong thị trường vốn các NHTM chủ yếu bơm vốn ngắn hạn, còn các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và các công ty bảo hiểm đóng vai trò tạo lập vốn trung và dài hạn. Nghĩa là thị trường vốn phải đi trên hai chân thay vì đi khập khiễng như hiện nay.
Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tín dụng trong tháng 6 tiếp tục tăng trưởng tích cực, ước tính đến hết tháng 6 tín dụng tăng gần 8% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm 2016 tăng 8,4%).
Tuy nhiên, tăng trưởng huy động 6 tháng đầu năm ước chỉ tăng 6,1% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ là 10,2%). Như vậy, xu hướng tăng trưởng tín dụng cao hơn tốc độ tăng của huy động vốn liên tục duy trì trong 6 tháng qua. Điều này khiến tỷ lệ cho vay/huy động (LDR) của cả hệ thống TCTD tiếp tục tăng. Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia ước tính đến cuối tháng 6, tỷ lệ LDR toàn hệ thống ở mức 87%, tăng 1,53 điểm % so với cuối năm 2016.

Tỷ lệ LDR là chỉ báo về rủi ro thanh khoản, đánh giá khả năng chi trả của một TCTD đối với khách hàng. Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015 cũng đã đặt ra việc kéo giảm LDR trong hệ thống về mức không quá 90%; và yêu cầu này tiếp tục đặt ra trong giai đoạn 2016-2020. Còn tại Thông tư 36/2014, NHNN quy định các TCTD nhà nước, chi nhánh NH nước ngoài được duy trì tỷ lệ LDR tối đa 90%, NH hợp tác xã, NH cổ phần, NH liên doanh, NH 100% vốn nước ngoài được duy trì tối đa 80%.
Căn cứ vào con số được cơ quan quản lý công bố, mục tiêu kéo giảm LDR của toàn hệ thống đã hoàn thành, nhưng mục tiêu đặt ra cho các nhóm TCTD vẫn chưa đạt được. Tỷ lệ LDR của nhóm NHTM có vốn nhà nước, nhóm NHTMCP và nhóm công ty tài chính, cho thuê tài chính  hiện nay có tỷ lệ LDR đều đang “vượt rào”.
Cụ thể, theo công bố mới nhất của NHNN, tính đến cuối tháng 4-2017, tỷ lệ LDR của các NHTM nhà nước ở mức 97,46%, NHTMCP ở mức 81,55% và nhóm các công ty tài chính và cho thuê tài chính còn lên đến 257,86%. Hiện chỉ có nhóm các NH liên doanh và NH nước ngoài đáp ứng được quy định với 65,49%.

Rủi ro thanh khoản là vấn đề các NH phải tính đến khi lệch pha huy động và cho vay lớn dần.
Ảnh: LONG THANH 


Khó cân đối tỷ lệ LDR

Gần đây, thị trường OMO liên tục không phát sinh lượng vốn đáo hạn và bơm mới. Lãi suất liên NH cũng trong xu hướng giảm, như tại ngày 12-7, lãi suất liên NH kỳ hạn qua đêm chỉ còn 1,51%/năm, kỳ hạn 1 tuần 1,76%/năm, kỳ hạn 2 tuần 2,05%/năm và 1 tháng 2,86%/năm, mức thấp nhất tính từ đầu năm đến nay.
Vì vậy, thanh khoản hệ thống NH được đánh giá vẫn trong trạng thái tích cực và ổn định, dù tăng trưởng tín dụng cao hơn cho tốc độ huy động vốn. Tuy nhiên, sự dồi dào của thanh khoản hiện nay có phần đóng góp rất lớn từ tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các NHTM trong bối cảnh giải ngân đầu tư ngân sách chậm. 

Tính đến cuối tháng 5-2017, tiền gửi của Kkho bạc nhà nước tại các NH đã lên đến 143.000 tỷ đồng, tăng 50,2% so với đầu năm. Song nguồn tiền này khó duy trì được lâu, vì đầu tháng 7 này Chính phủ đã có yêu cầu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân, tập thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30-7, khi cần thiết sẽ yêu cầu Thanh tra Chính phủ vào cuộc để làm rõ trách nhiệm của cá nhân, đơn vị giao vốn chậm; đồng thời chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Do đó, thanh khoản của các NHTM trong 6 tháng tới cũng sẽ không còn nhiều sự hỗ trợ, và tỷ lệ LDR không những khó có thể kéo giảm về mức quy định mà còn có nguy cơ tăng lên.

Ở nhiều nước trên thế giới, tỷ lệ LDR được NH Trung ương đưa ra phổ biến ở mức 75-80%. Khi tỷ lệ LDR của NH gia tăng sẽ được cảnh báo nhằm tránh nguy cơ mất thanh khoản trong trường hợp xảy ra tình trạng người dân đột ngột rút tiền gửi cùng lúc. LDR cũng là yếu tố tác động đến quyết định cho vay và đầu tư của TCTD.
Theo đó, nếu sắp chạm ngưỡng quy định của NH Trung ương, các TCTD sẽ chủ động thắt chặt tín dụng để cân đối tỷ lệ. Song đối với các NH tại Việt Nam, vấn đề cân đối tỷ lệ LDR là bài toán chưa có lời giải. Nếu tăng cường huy động vốn để cân đối lại tỷ lệ LDR sẽ tác động đến lãi suất huy động, gây áp lực lên lãi suất cho vay, không phù hợp với chủ trương giảm lãi suất của NHNN.
Giảm tỷ lệ LDR bằng cách vẫn huy động bình thường nhưng hạn chế cho vay cũng không thể áp dụng tại Việt Nam. Bởi lẽ nguồn tín dụng NH đang đóng vai trò là kênh dẫn vốn chính của nền kinh tế, với tỷ trọng chiếm khoảng 40-45% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và phải hỗ trợ tăng trưởng của nền kinh tế.
Trong bối cảnh đang chịu gánh nặng trích lập dự phòng rủi ro đối với nợ xấu, hầu như NH nào cũng nỗ lực cho vay cho đến khi hết hạn mức tín dụng được cấp hàng năm, thay vì giảm cấp vốn để hạ tỷ lệ LDR. Theo các chuyên gia, tại Việt Nam xảy ra tình trạng các tổ chức kinh tế và cá nhân lệ thuộc rất lớn về vốn của vào hệ thống TCTD khiến các TCTD chịu rất nhiều áp lực. 

Các tin khác