Liệu căng thẳng thanh khoản cuối năm?

(ĐTTCO) - Từ đầu năm đến nay, tình trạng lệch pha vốn huy động và cho vay liên tục kéo dài. Do đó, để đảm bảo thanh khoản cuối năm và đáp ứng các yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn, các NHTM đang tăng cường các chương trình khuyến mại và phát hành chứng chỉ tiền gửi với kỳ hạn dài, tăng lãi suất để thu hút nguồn vốn đầu vào.
 
Liệu căng thẳng thanh khoản cuối năm?
Rầm rộ chương trình huy động vốn
Sau thời gian trầm lắng, cạnh tranh huy động vốn tại các NHTM bắt đầu sôi động trong hơn 1 tháng gần đây với nhiều hình thức. OCB mới đây đã thông báo phát hành kỳ phiếu ghi danh đợt 3-2017, thời gian kéo dài đến hết ngày 10-10 với mệnh giá tối thiểu từ 1 triệu đồng đối với khách hàng cá nhân và 100 triệu đồng đối với khách hàng tổ chức.
Tổng mệnh giá phát hành đợt này là 500 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi 7,7%/năm cho kỳ hạn 18 tháng và lên đến 7,9%/năm cho kỳ hạn 24 tháng. NH này còn áp dụng lãi suất vay cầm cố kỳ phiếu thấp hơn đến 1,4%/năm so với mức lãi suất cầm cố giấy tờ có giá thông thường.
BIDV thông báo phát hành chứng chỉ tiền gửi từ ngày 14-9, theo đó khi gửi tối thiểu 60 triệu đồng ở kỳ hạn 1 tháng trở lên sẽ được dự thưởng trúng ngay tiền mặt từ 20.000 đồng đến 1,2 triệu đồng, và quay số trúng các giải thưởng thấp nhất 25 triệu đồng và cao nhất 500 triệu đồng.
Từ ngày 12-9, BaoViet Bank phát hành chứng chỉ tiền gửi ghi danh đợt 2 với các kỳ hạn 13, 15, 18, 24, 36 tháng dành cho cá nhân với lãi suất lên đến 8,3%/năm với các điều kiện cầm cố để vay vốn, chuyển nhượng, ủy quyền và được thanh toán trước hạn dễ dàng.
Bên cạnh đó, các hình thức cộng thêm lãi suất, gửi tiền quay số trúng lớn cũng nở rộ. Eximbank cũng vừa giới thiệu chương trình khuyến mại “Gửi dài, Tài lộc tăng”, chỉ cần gửi 200 triệu đồng/tài khoản sẽ được nhận quà hoặc tiền mặt 300.000 đồng.
Ngoài ra Eximbank tặng thêm 0,1%/năm lãi suất cho khách hàng đến hạn 15 tháng và gửi lại kỳ hạn 18, 24, 36 tháng. Đồng thời, ưu đãi giảm lãi suất cho khách hàng tham gia chương trình và gửi tiền kỳ hạn 24 tháng hoặc 36 tháng có nhu cầu cầm cố tài khoản tiền gửi, thẻ tiết kiệm để vay vốn. Theo đó, lãi suất vay cầm cố ưu đãi chỉ bằng lãi suất khách hàng gửi tiền + 1%/năm. 
PVcomBank cũng khuyến mại gửi tiết kiệm với mức lãi suất huy động rất cạnh tranh, lên đến 7,9%/năm. Các khách hàng gửi tiền từ ngày 21-8 đến 17-9 đã được NH này ưu đãi cộng thêm lãi suất 0,4%.
Tại Kienlongbank, chỉ cần số dư tiền gửi từ 20 triệu đồng, với kỳ hạn từ 3 tháng trở lên sẽ được tham gia quay số trúng các giải thưởng lớn như ô tô, xe máy, tivi… Tại VietCapital Bank, gửi tiền sẽ được nhận quà và hưởng lãi suất ở mức cao nhất của thị trường hiện nay, như kỳ hạn 18 tháng hiện đang áp dụng lãi suất 8,2%/năm.

Áp lực thanh khoản, khó hạ lãi suất
Gần đây, các NHTM đang có xu hướng đẩy mạnh phát hành giấy tờ có giá để tăng cường nguồn vốn khi tiền gửi từ dân cư tăng trưởng chậm. Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, trong 8 tháng năm 2017, phát hành giấy tờ có giá của các NHTM đã tăng khoảng 18,6% so với cuối năm 2016, trong khi đó tiền gửi từ dân cư chỉ tăng 8,7%. Tuy nhiên, tốc độ huy động vốn của các TCTD vẫn chậm hơn năm ngoái và chậm hơn tốc độ tăng tín dụng. 
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2017 của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho biết, tính đến thời điểm 20-9, huy động vốn của các TCTD chỉ mới tăng 10,08% (cùng kỳ năm 2016 tăng 12,02%), tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đã đạt 11,02% (cùng kỳ năm trước tăng 10,46%).
Điều này có thể gây khó khăn thanh khoản trong những tháng cuối năm. Hơn nữa, hiện nay tiền gửi của Kho bạc Nhà nước lại đang là nguồn hỗ trợ lớn cho thanh khoản của hệ thống NH. Tính đến cuối tháng 8, tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các NHTM khoảng 160.000 tỷ đồng, tăng 68% so với đầu năm. Nếu nguồn tiền này được giải ngân sớm, các NH cũng sẽ gặp không ít thách thức.
Một dẫn chứng nữa theo số liệu của NHNN, cho thấy các TCTD đang đứng trước khó khăn tính đến tháng 7-2017, tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động (LDR) của toàn hệ thống đã lên đến 88,73%, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ khoảng 86%. Theo loại hình TCTD, tỷ lệ LDR của các NHTM có vốn nhà nước ở mức 94,85% và của nhóm NHTMCP ở mức 81,76%.
Trong khi đó, Thông tư 36/2014 của NHNN quy định, các NHTM có vốn nhà nước được duy trì tỷ lệ LDR tối đa 90%, NHTMCP được duy trì tối đa 80%, và yêu cầu các TCTD chưa bảo đảm tuân thủ các giới hạn, tỷ lệ theo quy định phải xây dựng các phương án xử lý, bao gồm kế hoạch và biện pháp cụ thể, chủ động tổ chức thực hiện để tuân thủ đúng quy định. Tuy nhiên, trong thời gian qua, tỷ lệ LDR của các NHTM có vốn nhà nước vẫn liên tục cao hơn quy định, còn các NHTMCP sau một thời gian giữ được dưới mức tối đa hiện cũng đã vượt rào.
Trong bối cảnh như vậy, Chính phủ đã yêu cầu tăng tín dụng lên mức 21% cùng với yêu cầu giảm thêm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài từ năm 2018, áp lực tăng nguồn vốn đầu vào để cho vay và đảm bảo tỷ lệ an toàn của các NHTM hiện nay rất lớn.
Theo một chuyên gia tài chính, mặc dù đến thời điểm này thanh khoản của hệ thống NH vẫn chưa có dấu hiệu căng thẳng, nhưng các NH cũng tăng cường huy động vốn vì thanh khoản thường bấp bênh trong những tháng cuối năm.
Hiện các NH đang đua nhau phát hành giấy tờ có giá vì lãi suất cao dễ hút tiền gửi hơn và kỳ hạn huy động dài. Trong diễn biến như vậy, từ nay đến cuối năm, hệ thống NH giữ được lãi suất cho vay ổn định đã được xem là thành công. Còn việc giảm thêm lãi suất cho vay 0,5% như Chính phủ yêu cầu sẽ rất khó. 

Các tin khác