Lấp lỗ hổng nợ xấu bằng trái phiếu

(ĐTTCO) - NHNN vừa đưa ra dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 22/2016/TT-NHNN nhằm siết lại hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của TCTD, chi nhánh NH nước ngoài. 

Những quy định tại dự thảo nhận được sự đồng tình, nhưng cũng có ý kiến đề xuất nên có giải pháp để TPDN hút được nhiều loại hình nhà đầu tư khác, nhằm thực hiện mục tiêu giảm gánh nặng vốn trung và dài hạn cho các NH.

Triệt tiêu biến tướng của nợ xấu
 Tiền của NH chủ yếu huy động của người dân với trên 70% là vốn ngắn hạn, trong khi mua TPDN với kỳ hạn trung và dài hạn. Do đó, các DN mua TPDN của những lĩnh vực rủi ro vẫn chấp nhận được, nhưng riêng NH thì không vì NH là loại hình DN đặc biệt nên phải kiểm soát chặt chẽ.
Theo NHNN, Thông tư 22 được ban hành nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho TCTD mua TPDN trên thị trường sơ cấp và thứ cấp, đảm bảo an toàn, hiệu quả và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với hoạt động mua TPDN, đồng thời góp phần tăng tính thanh khoản của TPDN, hỗ trợ DN trong việc huy động vốn thông qua kênh phát hành TP.
Thời gian qua, NHNN chưa nhận được ý kiến của các TCTD và DN phản ánh về các khó khăn vướng mắc liên quan đến quy định tại Thông tư 22. Tuy nhiên, qua quá trình thanh tra, giám sát tại TCTD, NHNN nhận thấy có một số vấn đề cần xem xét. 
Cụ thể, tại Điều 3 Nghị định 90/2011 của Chính phủ về phát hành TPDN quy định, DN được phát hành TP với mục đích thực hiện các chương trình, dự án đầu tư của DN, tăng quy mô vốn hoạt động của DN và cơ cấu lại khoản nợ của DN. Theo đó, thời gian qua đã phát sinh việc nhiều TCTD mua TPDN phát hành với mục đích để cơ cấu lại nợ, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là trong điều kiện DN phát hành TP tiếp tục gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, dẫn đến việc phát hành thêm TP để tiếp tục cơ cấu lại nợ. Song song đó, hoạt động mua TP của DN phát hành nhằm mục đích thực hiện các chương trình, dự án thuộc các lĩnh vực có rủi ro cao, như kinh doanh bất động sản, chứng khoán... dễ phát sinh rủi ro cho hoạt động của TCTD.
Vì vậy, dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 22/2016/TT-NHNN đã bổ sung 2 quy định. Thứ nhất, TCTD không được mua TPDN phát hành có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ DN. Thứ hai, các TCTD ban hành quy định nội bộ, trong đó có nội dung quy định cụ thể về các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao và chính sách tín dụng. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc mua TPDN phát hành với mục đích thực hiện các chương trình, dự án thuộc các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao theo đánh giá của TCTD, chi nhánh NH nước ngoài, nhằm kịp thời phát hiện các rủi ro và đảm bảo khả năng thu hồi tiền gốc, lãi TPDN. 

Ngăn chặn biến vốn ngắn thành dài
TS. Bùi Quang Tín, Trường Đại học NH TPHCM, nhận định việc phát hành TPDN để cơ cấu lại nợ thường xuất phát từ các trường hợp, như phát hành TPDN để trả cho các khoản nợ của TPDN cũ, phát hành TPDN mới để trả những khoản nợ đang vay tại NH đó, phát hành TP để trả nợ cho những món nợ tại các TCTD khác. Các TCTD mua TPDN trong các trường hợp này sẽ có rủi ro rất lớn nên cần phải được kiểm soát. Do vậy theo ông Tín đây là quy định đúng nhằm tránh tình trạng chuyển các khoản nợ xấu thành TPDN, hợp pháp hóa các khoản nợ khi DN không có tiền để trả cho NH. 
Thực tế, việc các NHTM mua TPDN để cơ cấu lại nợ không chỉ DN có lợi mà NH cũng có lợi, bởi NH không cần trích lập dự phòng rủi ro cho khoản nợ xấu đó theo Thông tư 02 và Thông tư 09. TPDN thường phát hành kỳ hạn dài, nếu DN phát hành TPDN với giá trị 100 tỷ đồng kỳ hạn 15 năm để cơ cấu lại nợ, NH mua 100 tỷ đồng TPDN đó cấn trừ nợ sẽ kéo dài khoản nợ đó đến 15 năm.
Lúc đó, bảng cân đối kế toán của các NH sẽ không đúng sự thật, NHNN sẽ không quản lý được hoạt động tín dụng của NH và không thể sớm giải quyết nợ xấu tận gốc để dòng tiền chảy vào nền kinh tế. Do đó, NH mua TPDN vẫn được phép nhưng không được mua để cấn trừ nợ, tránh trường hợp nợ xấu biến tướng và kéo dài thời gian của các món nợ xấu. 
Đối với những trường hợp này, TS. Bùi Quang Tín cho rằng, NHNN cho phép NH chuyển nợ xấu thành cổ phần sẽ hợp lý hơn. Bởi khi mua TPDN để cơ cấu nợ, NH chỉ thu hồi khoản nợ cho DN và nhận tiền lãi, nhưng không có quyền quyết định đối với hoạt động của DN. Khi sở hữu cổ phần của DN, NH sẽ trở thành cổ đông, sẽ tích cực tham gia tái cơ cấu để DN đó tốt lên.
Đối với việc quy định kiểm soát chặt chẽ việc mua TPDN phát hành với mục đích thực hiện các chương trình, dự án thuộc các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao cũng phù hợp với tình hình hiện tại. Bởi khi NHNN đang đẩy tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống 45%, và hạn chế tiền chảy vào các lĩnh vực như bất động sản, chứng khoán, dòng tiền của NH sẽ biến tướng chảy vào TPDN gây bất ổn cho hệ thống. 
Lấp lỗ hổng nợ xấu bằng trái phiếu ảnh 1
Cần thay đổi cơ cấu nhà đầu tư vào TPDN
Quyết định 1191 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lộ trình phát triển thị trường TP giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã yêu cầu các DN, đặc biệt là DN lớn huy động vốn trung và dài hạn qua kênh phát hành TPDN để giảm gánh nặng cung ứng vốn trung và dài hạn cho các NHTM.
Tuy nhiên, muốn làm được điều này cần phải giải quyết nhiều vấn đề, trong đó có việc thay đổi cơ cấu nhà đầu tư. Hiện nay, hoạt động phát hành TPDN khá phổ biến, nhưng các NHTM lại đang nắm giữ phần lớn lượng TPDN đã phát hành. Như vậy, NHTM đang cung ứng vốn vay trung và dài hạn thông qua kênh tín dụng lẫn kênh TPDN.
Trong khi các DN bảo hiểm, quỹ đầu tư cũng có nguồn vốn trung và dài hạn dồi dào, nhưng không mặn mà với TPDN. Nguyên nhân vì mua TPDN không có tài sản thế chấp, trong khi hoạt động của các DN tại Việt Nam rất khó thẩm định nên rủi ro rất lớn.
Theo các chuyên gia, muốn TPDN hút nhiều loại hình nhà đầu tư hơn, thực hiện mục tiêu đưa dư nợ thị trường này đạt khoảng 7% GDP vào năm 2020 và khoảng 20% GDP vào năm 2030, cần phải bổ sung thêm nhiều vấn đề. Chẳng hạn, khi DN muốn phát hành TPDN phải có một công ty xếp hạng DN uy tín đánh giá mức độ rủi ro của DN, và mức lãi suất tương ứng để nhà đầu tư có cơ sở cân nhắc và quyết định.
Sản phẩm TPDN phải được xây dựng với nhiều kỳ hạn khác nhau, nhiều hình thức trả lãi khác nhau, thậm chí TPDN đó có thể chuyển thành cổ phiếu, có thể được cầm cố thế chấp tại NH với các điều kiện ưu đãi, phải có sự đảm bảo của bên phát hành TP…
Về lâu dài, TPDN nên được đưa lên sàn giao dịch chứng khoán để bán tương tự cổ phiếu. Đến lúc đó, các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài lẫn nhà đầu tư cá nhân trong nước sẽ tham gia mạnh hơn, thay vì các NH nắm giữ phần lớn TPDN. Còn hiện nay, mặc dù lãi suất TPDN khá cao, nhưng đi kèm theo đó có quá nhiều rủi ro tiềm ẩn nên vẫn chưa hút được những thành phần này tham gia vào thị trường.

Các tin khác