Lan tỏa chương trình kết nối NH-DN

(ĐTTCO) - Mới 11 tháng của năm 2017, nhưng chương trình kết nối NH - doanh nghiệp (DN) tại TPHCM đã giải ngân vượt mức năm 2016, giúp hàng ngàn DN được tiếp cận vốn vay NH, tạo động lực phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. 
Lan tỏa chương trình kết nối NH-DN

Thành công này đã được ông NGUYỄN HOÀNG MINH, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, nhận định:

Tại địa bàn TPHCM, ngay ngày đầu UBND TPHCM đã giao cho 9 đầu mối gồm Sở Công Thương TPHCM, Hiệp hội DN TPHCM, UBND các quận huyện, Ban quản lý Khu công nghiệp-khu chế xuất, Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao, Ban quản lý công viên phần mềm Quang Trung, Liên minh hợp tác xã và NHNN chi nhánh TPHCM thực hiện chương trình trong đó NHNN chi nhánh TPHCM là đầu mối thường trực kết nối với các đầu mối còn lại.
Theo đó, chương trình đã phủ sóng khắp 24 quận huyện, tạo ra sức lan tỏa lớn. Trong 5 năm qua, bình quân hàng năm thực hiện 28-30 đợt kết nối kể cả cấp thành phố đến 24 quận huyện. Đây là chương trình ký thật, làm thật và hiệu quả. NH ký như thế nào sẽ giải ngân như vậy, theo tiến độ cam kết và theo yêu cầu vốn của DN. DN cũng sử dụng vốn vay NH hiệu quả.
5 năm qua đã có hơn 680.000 tỷ đồng hỗ trợ cho 120.000 DN với hơn 316.000 lượt vay vốn và chưa có khoản nợ xấu, nợ quá hạn nào cả. Đầu tiên là chương trình chỉ hỗ trợ các DN, đặc biệt là DNNVV, nhưng sau một thời gian triển khai còn mở rộng ra được nhiều thành phần kinh tế khác, đó là các hợp tác xã, bà con tiểu thương chợ đầu mối, hộ nông dân, ngành công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao và các sản phẩm ứng dụng công nghệ cao.
 DN có khó khăn tiếp cận vốn NH, lãi suất, tài sản thế chấp, thời hạn vay, đề nghị DN căn cứ vào quy định của NHNN để thỏa thuận với các TCTD. Nếu TCTD cố tình vi phạm, DN có thể báo cáo phản ánh về NHNN chi nhánh TPHCM thông qua đường dây nóng, chúng tôi vẫn đảm bảo bí mật thông tin và quyền lợi của DN và từ đó có tác động để hỗ trợ DN.
Hiện nay, lãi suất xoay quanh mức NHNN quy định cho 5 lĩnh vực ưu tiên, nếu vay ngắn hạn tối đa 6,5%/năm, phổ biến ở mức 5,8-6,2%/năm, lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến ở mức 8-9%. Các DN xuất khẩu được vay ngoại tệ với lãi suất ngắn hạn 2-3%/năm, trung và dài hạn 5-6%/năm.
Cộng đồng DN cũng đánh giá cao mức lãi suất này, ưu đãi đủ để DN giảm giá thành sản phẩm, giảm được chi phí sản xuất, nâng cao năng lực tài chính, năng lực sản xuất kinh doanh. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục triển khai kết nối NH-DN với tiêu chí năm sau cao hơn năm trước. Tính đến ngày 31-11-2017, tổng số tiền cho DN, hộ sản xuất kinh doanh theo chương trình kết nối NH-DN đã đạt 302.989,4 tỷ đồng cho 15.778 khách hàng vay vốn, đạt 108% so với năm 2016. 
Phóng viên: - Thưa ông, dù chương trình lan tỏa hiệu quả nhưng trên thực tế có nhiều DN vẫn còn than thở chưa tiếp cận được vốn, NHNN chi nhánh TPHCM có giải pháp nào để tháo gỡ vấn đề này?
Ông NGUYỄN HOÀNG MINH: - Quy chế cho vay của NH đối với khách hàng được NHNN ban hành theo Thông tư 39 có hiệu lực từ ngày 15-3-2017, không phân biệt đối xử các thành phần kinh tế, DN lớn hay DNNVV, tiểu thương, hộ nông dân, hợp tác xã đều bình đẳng trong quan hệ tín dụng.
Nhưng để tiếp cận vốn NH thuận lợi cần phải có 3 yếu tố gồm: phương án sản xuất kinh doanh phải đảm bảo khả thi và hiệu quả; tài chính của DN phải được công khai, minh bạch, rõ ràng và quan trọng hơn nữa là tài sản thế chấp. Riêng về tài sản thế chấp, trong chương trình kết nối NH-DN tại TPHCM, chúng tôi đưa ra 3 giải pháp.
Thứ nhất cho vay tín chấp nhưng điều này chỉ triển khai được đối với khách hàng DN đã có quan hệ tín dụng, khách hàng tốt của NH mới được vay.
Tuy nhiên, chúng tôi còn có giải pháp thứ hai là thông qua Quỹ bảo lãnh tín dụng (BLTD) DNNVV để bảo lãnh DN vay vốn NH. Hoạt động của Quỹ BLTD DNNVV tại TPHCM trong thời gian qua cũng gặp khó khăn về cơ chế, nhân lực, nguồn vốn… Được biết, hiện nay TPHCM cũng quan tâm để cải thiện điều kiện hoạt động để quỹ BLTD hoạt động tốt hơn trong thời gian tới, bảo lãnh tốt hơn cho các DN.
Thứ ba, qua 2 năm đầu tiên thực hiện chương trình, rất nhiều DN có phương án hiệu quả, khả thi nhưng không có tài sản thế chấp, chúng tôi cũng trao đổi với các NHTM trên địa bàn cũng được các NHTM thống nhất hỗ trợ cho vay thông qua việc thế chấp dòng tiền, đặc biệt là thế chấp các khoản nợ phải thu để NH quản lý dòng tiền, từ đó vừa hỗ trợ cho DN vừa giảm thiểu rủi ro cho NH.
- Một số DN có phản ánh tiếp cận vốn NH lãi suất vay cao và NH áp đặt kỳ hạn vay, ý kiến của ông như thế nào? 
- Từ năm 2000 đến nay, NH cho vay trên cơ chế lãi suất thỏa thuận. Tại Thông tư 39 quy định về cơ chế cho vay của NH đối với khách hàng cũng khẳng định tiếp tục thực hiện lãi suất thỏa thuận. Trong thời gian qua, lãi suất thỏa thuận cũng tạo điều kiện các thành phần kinh tế thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, để định hướng hỗ trợ các ngành các lĩnh vực ưu tiên, trong thời gian vừa qua, Thống đốc NHNN cũng đã ban hành trần lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên 6,5%/năm. Theo tôi, lãi suất cho vay hiện nay đã phù hợp. 
Về thời hạn cho vay, có thông tin cho rằng NH áp đặt thời hạn ký hợp đồng tín dụng với DN. Ở đây chúng tôi cũng nhắc lại rằng, theo quy chế cho vay Thống đốc NHNN đã ban hành, thời hạn cho vay tùy thuộc vào thỏa thuận của NH và khách hàng, căn cứ vào nhu cầu vốn của dự án, khả năng lưu chuyển hàng hóa, chu kỳ sản xuất hoặc vốn của NH, khả năng trả nợ của NH… để từ đó thỏa thuận với khách hàng về thời hạn cho vay. Các TCTD không được áp đặt chủ quan thời hạn cho vay đối với tất cả các món vay. 
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác