Lãi suất, tỷ giá vẫn ổn định

(ĐTTCO) - Theo kết quả khảo sát lãi suất huy động hàng tháng của Công ty chứng khoán TPHCM (HSC), tại thời điểm cuối tháng 4-2017, lãi suất huy động 6,15%, gần như giữ nguyên so với cuối tháng 3 và cao hơn 0,12% so với đầu năm.
Lãi suất, tỷ giá vẫn ổn định
 Trong khi đó, lãi suất cho vay tại thời điểm cuối tháng 4 cao hơn 0,14% so với đầu năm. Cụ thể, lãi suất cho vay bình quân kỳ hạn ngắn 8,16%, tăng 0,08% so với đầu năm; bình quân trung hạn 9,44%, tăng 0,12% và bình quân dài hạn 10,46%, tăng 0,22%. Những con số này cho thấy lãi suất chỉ tăng ở mức khá nhẹ. 

Cách đây không lâu nhiều người lo ngại về việc lãi suất có thể tăng mạnh. Thực tế lãi suất tăng/giảm từ 3 yếu tố: Thứ nhất lạm phát, cung cầu vốn trong nền kinh tế và chi phí vốn của các NHTM. Trong khi lạm phát cơ bản trong 4 tháng đầu năm chỉ tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước, là mức khá thấp và tương đương với nhiều quốc gia trên thế giới.
Thứ 2 là cung cầu vốn, nhu cầu vốn trong nền kinh tế tăng mạnh hơn trước đây. Song tín dụng năm nay được dự báo tăng trên 20%, mức tăng này cao hơn không đáng kể so với năm trước và cũng khá cân bằng so với tăng trưởng tiền gửi. Do vậy, tín dụng không gây áp lực quá nhiều lên lãi suất. Thứ 3 là chi phí vốn của các NH cũng không có quá nhiều áp lực.
Nợ xấu lớn, chi phí vận hành cao được xem là một trong những nguyên nhân làm cho lãi suất tại Việt Nam ở mức khá cao. Nhưng có lẽ điều này không tăng đột biến trong năm 2017 để gây sức ép lên lãi suất. 

Đối với tỷ giá thời gian qua, USD tại các NHTM điều chỉnh giảm mạnh và hiện nay về quanh mức 22.725 đồng/USD, giảm khoảng 0,12% so với đầu năm. Tỷ giá trung tâm được NHNN gần đây giữ vững ở mức 22.384 đồng/USD, tăng khoảng hơn 1% (so với mức 22.159 đồng/USD vào đầu tháng 1).
Như vậy, những diễn biến trên thị tường tiền tệ những tháng đầu năm 2017 cho thấy tỷ giá VNĐ so với USD đã không tăng. Khác với thời điểm cuối năm ngoái tỷ giá đã có những đợt biến động rất mạnh. Có thời điểm tỷ giá trên thị trường tự do lên tới 23.500 đồng/USD. Trước đây, trong báo cáo “Dự báo trong năm 2017” của UBGSTCQG nhận định, tỷ giá chịu áp lực lớn nhất từ phía cầu ngoại tệ do sức ép nhập siêu gia tăng.
Thực tế nhập siêu trong 4 tháng đầu năm lên đến gần 3 tỷ USD, mức cao nhất trong nhiều năm qua, nhưng trong 4 tháng đầu năm tỷ giá lại khá ổn định, thậm chí giảm. Theo các chuyên gia nguyên nhân do đồng USD trên thế giới đã suy yếu khá nhiều so với thời điểm trước đó. Mặt khác, nguồn cung ngoại tệ dồi dào đến từ nguồn vốn FII (vốn đầu tư gián tiếp) và FDI (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) tăng mạnh cũng là yếu tố đã góp phần tỷ giá ổn định trong thời gian qua. 

Theo các chuyên gia, tỷ giá sắp tới cũng khó biến động mạnh bởi Việt Nam đang thặng dự cán cân thanh toán, tức dòng vốn ngoại tệ vào nhiều hơn dòng ngoại tệ ra. Sự biến động tỷ giá trên thị trường nếu có, nguyên nhân chủ yếu có thể xuất phát từ vấn đề tâm lý, tương tự như cơn sốt tỷ giá vào cuối năm 2016, hơn là cung cầu ngoại tệ thật sự. 

Các tin khác