Lãi suất tăng kích hoạt khủng hoảng

(ĐTTCO) - Nhà phân tích kinh tế Jesse Colombo, đã có bài bình luận trên tạp chí Forbes: “Lãi suất (LS) tăng sẽ kích hoạt cuộc khủng hoảng tài chính sắp tới ra sao” trên tạp chí Forbes. Bài viết cảnh báo về bong bóng và khủng hoảng tài chính trong tương lai sau chu kỳ tăng LS lần này của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED).
Bẫy LS thấp tạo bong bóng
Ngày 27-9-2018, FED tăng LS thêm 0,25%. Với quyết định này, mức LS tham chiếu của Hoa Kỳ tăng lên ở mức 2-2,25, cao nhất kể từ tháng 4-2008. Lần tăng LS này của FED nằm trong chu kỳ tăng đã được các nhà phân tích dự báo, nên các chuyên gia, nhà đầu tư (NĐT) và thị trường không bất ngờ.
Theo đó thị trường chứng khoán (TTCK) Hoa Kỳ đầy hưng phấn và thêm một lần tăng chạm mức kỷ lục. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Jesse Colombo, hầu như tất cả chu kỳ tăng LS đều dẫn đến khủng hoảng suy thoái kinh tế, tài chính. Vì vậy, không có lý do gì để tin rằng chu kỳ tăng LS lần này sẽ có kết quả khác.
 Chu kỳ tăng LS hiện tại sẽ kết thúc không khác những chu  kỳ tăng LS trong quá khứ. Thậm chí nó còn kết thúc tồi tệ hơn vì LS đã được giữ ở mức thấp kỷ lục trong một khoảng thời gian quá dài. Cuộc suy thoái sắp tới, khủng hoảng và thị trường “gấu” sẽ tương xứng với sự mất cân đối và biến dạng chưa từng có trong nền kinh tế Hoa Kỳ thời gian qua.
Ông Jesse Colombo 
Trong quá khứ, các giai đoạn LS thấp giúp tạo ra sự bùng nổ tín dụng và tài sản, bởi khuyến khích người tiêu dùng, doanh nghiệp và chính phủ vay thêm. LS thấp khiến NĐT có thể vay giá rẻ để đầu cơ vào tài sản, mua lại cổ phần, tăng cổ tức, tiến hành sáp nhập và mua lại…
Nhưng khi các NH trung ương can thiệp giữ LS ở mức thấp nhằm tạo ra sự bùng nổ kinh tế sau khi thời kỳ suy thoái, đã làm biến dạng và mất cân đối hoạt động kinh tế và thị trường tài chính. Thí dụ, bằng cách giữ LS ở mức thấp giả tạo, FED tạo ra "tín hiệu sai", khuyến khích các hoạt động kinh doanh không sinh lãi hoặc không khả thi.
Chính vì vậy, các doanh nghiệp hoặc các khoản đầu tư được thực hiện do điều kiện tín dụng “nhân tạo” thường không thành công khi LS tăng lên mức bình thường trở lại.
Một số thí dụ như các công ty dot-com trong bong bóng công nghệ cuối những năm 1990, đã thất bại trong việc phát triển nhà ở giữa những năm 2000, bởi sau đó bong bóng nhà ở Hoa Kỳ và các tòa nhà chọc trời chưa hoàn thành ở Dubai cùng các thị trường mới nổi khác bị “bẫy” LS tăng trở lại, tạo khủng hoảng tài chính toàn cầu… Và sự thất bại hàng loạt của các khoản đầu tư vào nền kinh tế khi vay LS thấp sau đó tăng dẫn đến suy thoái hoặc khủng hoảng NH - tài chính.

Các chu kỳ tăng LS trong lịch sử
Sau chu kỳ tăng LS cuối thập niên 1970, đầu thập niên 1980 là suy thoái kinh tế năm 1980 kéo dài 6 tháng, tập trung vào nhà ở, sản xuất và ngành công nghiệp ô tô. Tiếp đến là cuộc suy thoái 1981-1982 kéo dài 16 tháng với 2,9 triệu việc làm bị mất.
Đặc biệt khủng hoảng tiết kiệm và cho vay của Hoa Kỳ với 1.043/3.234 khoản tiết kiệm và các hiệp hội cho vay bị mất tiền gửi, đã khiến thị trường nhà ở Hoa Kỳ phá sản, khi tỷ lệ thế chấp tăng tới 18%. Kết quả, doanh số bán nhà giảm 50% từ năm 1978 đến năm 1981, ảnh hưởng đến toàn bộ ngành, bao gồm các công ty cho vay thế chấp, đại lý bất động sản, công nhân xây dựng.
LS cao ở giai đoạn này cũng khiến các quốc gia Mỹ Latin lâm vào khủng hoảng nợ do gánh nợ tăng lên theo LS… Hệ quả của chu kỳ tăng LS này còn khiến năm 1984, Continental Illinois trở thành NH phá sản lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
Sau chu kỳ tăng LS cuối những năm 1980 là suy thoái đầu những năm 1990 kéo dài 8 tháng, trong đó có 1.623 triệu việc làm bị mất. LS cao hơn đã làm cuộc khủng hoảng tiết kiệm và cho vay của Hoa Kỳ thêm trầm trọng, kéo theo sự suy thoái trong bất động sản, thương mại và dân cư. Chu kỳ tăng tốc LS này còn gây ra khủng hoảng thị trường mới nổi, khủng hoảng đồng peso Mexico.
Bởi khi LS chưa tăng đã giúp các thị trường mới nổi có năng suất cao hơn, hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư. Nhưng khi FED tăng LS, Mexico và các nền kinh tế mới nổi khác đã trải qua những điều chỉnh đau đớn và sự mất giá tiền tệ.
Lãi suất tăng kích hoạt khủng hoảng ảnh 1 Ảnh minh họa. 
Ngay sau giai đoạn tăng LS đầu năm 2000 là suy thoái kinh tế kéo dài 8 tháng, với 1,59 triệu việc làm bị mất khi bong bóng công nghệ bùng nổ, tập trung vào các công ty liên quan đến internet, dot-com, ngành viễn thông… Đến giữa năm 2000, LS tiếp tục tăng, dẫn đến cuộc đại suy thoái 18 tháng, trong đó 8,8 triệu việc làm bị mất sau khi bong bóng nhà ở và tín dụng của Hoa Kỳ bùng nổ, khiến giá nhà đất và chứng khoán thế chấp giảm mạnh.Chu kỳ tăng LS hiện tại sẽ không khác biệt
Nhà phân tích kinh tế Jesse Colombo nhận định, chu kỳ tăng LS đang diễn ra sẽ là "bong bóng mọi ngành" bùng nổ. Sau gần thập niên áp dụng các mức LS cực kỳ thấp, nền kinh tế Hoa Kỳ và toàn cầu đang đầy rẫy bong bóng và các hiện tượng bóp méo khác, sẽ phát lộ khi LS tăng. Do gánh nặng nợ Hoa Kỳ hiện nay, đỉnh chu kỳ tăng LS lần này có thể không cao như mức của chu kỳ trước, nhưng cũng sẽ gây ra cuộc suy thoái hoặc khủng hoảng tài chính mới.
Jesse Colombo nêu một số thí dụ về các lĩnh vực nhạy cảm với LS đang nằm trong giai đoạn bong bóng, và sẽ bùng nổ khi LS tăng: Thị trường mới nổi khi LS cực thấp và nới lỏng định lượng ở Hoa Kỳ và châu Âu sau cuộc Đại suy thoái khiến hàng ngàn tỷ USD chảy vào các nền kinh tế mới nổi, dẫn đến sự phát triển tín dụng và bong bóng tài sản ở những nước đó. Nợ thị trường mới nổi 60.000 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần trong thập niên qua. Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi và nhiều thị trường mới nổi khác đang gặp rắc rối khi LS của Hoa Kỳ và giá USD tăng.
Trong khi đó, riêng đối với Hoa Kỳ, khi LS thấp đã khuyến khích các công ty đại chúng vay nặng lãi trên thị trường trái phiếu. Tổng nợ công ty phi tài chính nổi tiếng đã tăng hơn 2.500 tỷ USD hay 40% kể từ mức cao nhất năm 2008. Nợ của công ty Hoa Kỳ hiện ở mức cao hơn 45% GDP.
Bên cạnh đó, nợ ròng của ngành năng lượng đá phiến đã tăng lên 200 tỷ USD vào năm 2015, tăng 300% so với năm 2005. Việc tăng LS và sự bùng nổ bong bóng trong lĩnh vực nợ doanh nghiệp, trái phiếu chất lượng thấp sẽ gây ra sự đổ vỡ trong ngành năng lượng đá phiến. Ngoài ra, giá nhà ở Hoa Kỳ hiện đã vượt quá đỉnh điểm của thời kỳ bong bóng nhà ở và đã tăng 50% nhờ LS vay thế chấp cực thấp. Và khi LS tăng, không ai có thể nói trước được điều gì sẽ xảy ra.
Đặc biệt, NĐT trên TTCK Hoa Kỳ đang phải đối mặt với những rủi ro trước đổ vỡ dự báo sẽ diễn ra trong các lĩnh vực nhạy cảm với LS. Tín hiệu cho thấy TTCK đang bị thổi phồng quá cao. Chỉ số S&P 500 đã tăng trên 300% kể từ tháng 3-2009. Nhiều nghiên cứu cho thấy TTCK Hoa Kỳ đang được định giá cao hơn so với giá trị thực tại, điều này có nghĩa là chu kỳ giảm mạnh trên thị trường sẽ không tránh khỏi.

Các tin khác