Lãi suất ngân hàng liệu có giảm thêm trong năm nay?

(ĐTTCO)-Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đã khẳng định quyết tâm Chính phủ sẽ nỗ lực để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm nay như Quốc hội đề ra. 
Khách hàng giao dịch tại BAOVIETBank chi nhánh Bình Dương.
Khách hàng giao dịch tại BAOVIETBank chi nhánh Bình Dương.
Nhân tố đóng góp cho việc hiện thực mục tiêu này là nguồn vốn đang được doanh nghiệp, giới chuyên gia kỳ vọng sẽ giữ được ổn định và có thể giảm trong thời gian tới. 

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ đầu năm đến nay nằm trong xu hướng giảm dần, tháng sau giảm so với tháng trước.

Cụ thể tháng 1/2017, CPI tăng 0,46% so với tháng trước, thì tháng Hai mức tăng là 0,23%, tháng Ba là 0,21%, tháng Tư không tăng so với tháng Ba và tháng Năm lần đầu tiên kể từ đầu năm đã giảm 0,53% so với tháng trước. 

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Chính phủ cũng đánh giá, tình hình kinh tế-xã hội tháng Tư và 4 tháng đầu năm 2017 tiếp tục chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực. 

Riêng đối với lĩnh vực tiền tệ, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chỉ rõ, với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, mặt bằng lãi suất cho vay từ năm 2016 đến nay được giữ ổn định, phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ trong cân đối vĩ mô, thị trường tiền tệ và diễn biến lạm phát. 

Đặc biệt từ cuối tháng 9/2016, một số tổ chức tín dụng đã giảm từ 0,3-0,5%/năm lãi suất huy động, giảm từ 0,5-1%/năm lãi suất cho vay đối với sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, qua đó tiếp tục hỗ trợ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nhờ vậy, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng tăng trưởng tích cực, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. 

Hiện mặt bằng lãi suất huy động VND kỳ hạn dưới 6 tháng phổ biến trong khoảng từ 4,8-5,4%/năm; kỳ hạn từ 6-12 tháng ở mức 5,4-6,5%/năm; kỳ hạn trên 12 tháng từ 6,5-7,2%/năm. Lãi suất cho vay VND phổ biến khoảng từ 6-9%/năm đối với ngắn hạn và 9-11%/năm đối với trung và dài hạn. Riêng khách hàng tốt, lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ từ 4-5%/năm. 

“Như vậy, mặt bằng lãi suất hiện nay đã giảm mạnh chỉ bằng 40% lãi suất so với cuối năm 2011, phù hợp với mục tiêu điều hành, diễn biến tiền tệ và lạm phát, đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích của người gửi tiền-tổ chức tín dụng và khách hàng vay,” Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết. 

Theo luật sư-tiến sỹ Bùi Quang Tín (Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh), ngoài yếu tố lạm phát giảm, lãi suất liên ngân hàng hiện ở mức thấp nhất trong 3 tháng gần đây và đang ở mức xấp xỉ 5%, cho thấy thanh khoản của các ngân hàng dồi dào, đặc biệt đối với nguồn vốn ngắn hạn dưới 3 tháng. 

Đây là bệ đỡ về nguồn vốn giúp cho các ngân hàng thương mại có thể giảm lãi suất cho vay ngắn hạn cho doanh nghiệp. 

Với 10 ngân hàng thí điểm thực hiện basel II (là phiên bản thứ hai của Hiệp ước Basel, trong đó đưa ra các nguyên tắc chung và các luật ngân hàng của Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng), như Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại Thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam… sẽ hạn chế cho vay các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán…

Lượng vốn từ các ngân hàng này và một số ngân hàng khác cho vay lĩnh vực phi sản xuất sẽ giảm đồng nghĩa với giảm áp lực cung vốn từ hệ thống ngân hàng. Từ đó, có điều kiện tăng nguồn vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh. 
Theo Luật sư Bùi Quang Tín, với các dấu hiệu này, khả năng lãi suất cho vay sắp tới sẽ được ổn định và nếu có điều kiện giảm được từ 0,5-1% sẽ là lý tưởng cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm nay. 

Chuyên gia tài chính-ngân hàng, tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu cũng nhận định chính sách tiền tệ đã đạt được những thành công đáng kể, kiểm soát lạm phát tốt, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế với những công cụ giữ ổn định tỷ giá, đẩy lùi hiện tượng vàng hóa và USD hóa. 

Thanh khoản VND của hệ thống tổ chức tín dụng được đảm bảo, thị trường liên ngân hàng hoạt động thông suốt. 

Tuy nhiên, theo tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, với những nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ để hạ lãi suất hỗ trợ các doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với tốc độ nhanh hơn, lãi suất cho vay vẫn chưa hạ ở mức độ mong muốn, trong khi lãi suất huy động lại có chiều hướng tăng. 

Với điều kiện thị trường hiện nay, lãi suất ngân hàng cả huy động lẫn cho vay trong thời gian tới sẽ khó giảm thêm thậm chí còn tăng vào nửa năm sau năm 2017 do thị trường ẩn chứa những điều kiện không thuận lợi. 

Chuyên gia này phân tích, tỷ lệ lạm phát hiện nay khoảng 4% và cho cả năm lạm phát dự kiến sẽ tăng lên đến 5%. Với mức lãi suất huy động thường cao hơn 2% so với tỷ lệ lạm phát thì lãi suất huy động kỳ vọng sẽ là 7%. 

Như vậy, để đảm bảo được chi phí hoạt động và có lãi, chênh lệch lãi suất phải ở mức 3%, do đó, lãi suất cho vay phải khoảng từ 9-10% trở lên. 

Thêm nữa, Chính phủ đặt quyết tâm đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm nay là 6,7% như Quốc hội đề ra, theo đó sẽ cần phải đẩy một lượng vốn vay vào nền kinh tế. Muốn vậy, các ngân hàng phải tăng huy động vốn và kéo theo việc phải tăng lãi suất để đáp ứng được nguồn tiền cần thiết để cho vay. 

Thêm vào đó, lãi suất trái phiếu Chính phủ vẫn ở mức cao cũng ảnh hưởng tới mặt bằng lãi suất. 

Kể từ đầu năm 2017 đến nay, Kho bạc Nhà nước đã huy động thành công trên 97.500 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ. Theo đó, mức lãi suất huy động kỳ hạn 5 năm, 7 năm, 20 năm, 30 năm từ 5,03% đến 7,55%. 

Trên thị trường tài chính, chuyên gia này phân tích, trái phiếu kho bạc nhà nước, nguồn tài trợ chính cho chi tiêu và đầu tư của Chính phủ, cạnh tranh trực tiếp với tiền gửi ngân hàng. 

Nếu các ngân hàng huy động tiền gửi với lãi suất bằng lãi suất của trái phiếu Chính phủ thì nhiều thành phần kinh tế sẽ mua trái phiếu Chính phủ thay vì gửi tiền ngân hàng có hệ số rủi ro bằng 0% trong khi gửi tiền ngân hàng vẫn có rủi ro, nhất là khi Chính phủ và Quốc hội đang xem xét việc cho ngân hàng phá sản. 

Vì vậy, để thu hút nguồn vốn huy động các ngân hàng phải trả lãi suất cao hơn lãi suất trái phiếu Chính phủ và lãi suất huy động tăng sẽ kéo theo lãi suất cho vay cũng tăng. 

Cũng theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, mặt bằng lãi suất tiếp tục chịu những tác động bất lợi từ thị trường tài chính thế giới. Quyết định tăng lãi suất của Fed cũng tác động đến tỷ giá và lãi suất của tiền đồng. 

Lãi suất đồng USD tăng sẽ tạo áp lực lên tỷ giá tiền đồng với USD. Để hạn chế tác dụng phụ của việc tỷ giá tăng, các ngân hàng sẽ phải tăng hay ít nhất giữ nguyên lãi suất tiền đồng để hạn chế việc chuyển dịch tiền gửi bằng tiền đồng sang USD. 

Trở về tình hình tài chính nội địa, yếu tố nợ xấu buộc các ngân hàng thương mại phải tăng tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro do đó tăng chi phí hoạt động, dẫn đến việc lãi suất cho vay tăng để bù trừ cho chi phí vốn và chi phí hoạt động cho xu hướng tăng. 

"Thêm vào đó, cũng chính vì nợ xấu mà dòng vốn khả dụng không quay trở lại với ngân hàng, buộc các ngân hàng phải huy động mới để trả lại các khoản huy động trước đây. Với tổng dư nợ xấu lên đến khoảng 600.000 tỷ đồng, các ngân hàng phải tăng lãi suất để thu hút tiền gửi, tránh tình trạng mất thanh khoản do nợ xấu," chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho hay. 

Hiện dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đang được bàn thảo trên nghị trường kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV. Nhiều ý kiến kỳ vọng dự thảo Nghị quyết đi vào cuộc sống sẽ sớm giải quyết vấn đề nợ xấu, tháo gỡ nút thắt vốn tín dụng cho thị trường. 

Tiến sỹ Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, nếu dự thảo Nghị quyết được thông qua tại kỳ họp này, chỉ đến quý I/2018, có thể giảm được 0,75 điểm % lãi suất. Và dự kiến trong 3-4 năm thì gần như toàn bộ phần nợ xấu đang nằm ở Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và ở các tổ chức tín dụng sẽ được xử lý xong. 

Luật sư-tiến sỹ Bùi Quang Tín cũng bày tỏ hy vọng với sự cấp thiết trong xử lý nợ xấu hiện nay, Nghị quyết xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sẽ được phê chuẩn và sớm thực thi. 

“Như vậy sớm nhất trong quý 4/2017, lãi suất cho vay sẽ thay đổi, cùng lúc với nhu cầu vốn cho sản xuất tăng dịp cuối năm, sẽ là cơ hội tốt cho nền kinh tế,” luật sư Bùi Quang Tín cho biết. 

Về phía nhà điều hành, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, trong thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, theo đó, sẽ đặc biệt quan tâm các dự án hiệu quả, các doanh nghiệp, dự án đầu tư có chiều sâu, ứng dụng khoa học công nghệ để sản xuất các sản phẩm thương hiệu Việt Nam cạnh tranh được trong khu vực và thị trường thế giới. 

Các doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp sạch, các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng được ngành ngân hàng chú ý tạo điều kiện về nguồn vốn. 

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nghiên cứu, đổi mới cách thức cấp tín dụng theo hướng có sự chọn lọc ưu tiên phân loại doanh nghiệp góp phần vào các chương trình tái cơ cấu sản xuất. 

Về lãi suất, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để điều hành lãi suất ổn định, phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, đồng thời tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay.

Các tin khác