Lách trần huy động bằng chứng chỉ tiền gửi

(ĐTTCO)-Trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) lãi suất 10-12%/năm đang được phát hành với mật độ dày đặc, trở thành kênh đầu tư cạnh tranh với các kênh khác, đặc biệt là kênh tiền gửi NH. Trong bối cảnh đó, các NH không những mạnh tay tăng lãi suất kỳ hạn dài, còn đẩy lãi suất chứng chỉ tiền gửi (CCTG) lên hơn 10%/năm.
Viet Capital Bank hiện là ngân hàng có mức lãi suất chứng chỉ tiền gửi cao nhất: 10,2%/năm
Viet Capital Bank hiện là ngân hàng có mức lãi suất chứng chỉ tiền gửi cao nhất: 10,2%/năm
Lãi suất liên tục tăng
Ngày 19-8, Viet Capital Bank công bố phát hành CCTG ghi danh dành cho khách hàng cá nhân và tổ chức với lãi suất lên đến 10,2%/năm. Mức này cao hơn 2-3% so với mặt bằng lãi suất huy động hiện thời, cao hơn 1% so với đỉnh của lãi suất CCTG 2 năm trước. 
Cụ thể, CCTG dành cho khách hàng cá nhân có mệnh giá từ 10 triệu đồng, dành cho khách hàng tổ chức mệnh giá từ 100 triệu đồng với 4 kỳ hạn 24, 36, 48 và 60 tháng. Tương ứng với các kỳ hạn gửi là mức lãi 9,5%/năm, 9,8%/năm, 10%/năm và 10,2%/năm.
Lãi suất CCTG được cố định trong suốt thời hạn gửi và tiền lãi được trả định kỳ 6 tháng, 12 tháng hoặc cuối kỳ. Chủ sở hữu CCTG còn được chuyển nhượng dưới nhiều hình thức bất cứ lúc nào, vẫn được hưởng mức lãi suất cạnh tranh so với gửi tiết kiệm thông thường cùng kỳ hạn và khoản tiền gửi. 
CCTG là công cụ được triển khai lần đầu tiên tại Việt Nam vào năm 1994 để các TCTD huy động vốn trung hạn, đa dạng hóa hình thức huy động vốn. Tuy nhiên, CCTG thực sự bùng nổ từ năm 2017, vì lãi suất cao hơn so với mặt bằng chung.
Khi đó VietABank phát hành CCTG với lãi suất 8,2%/năm, VIB áp dụng lãi suất 8,5%/năm cho kỳ hạn 61 tháng và 8,7%/năm cho kỳ hạn 84 tháng, NCB và SHB phát hành với mức 8,8%/năm, Sacombank áp dụng lãi suất 8,88%/năm, VPBank với lãi suất kỷ lục 9,2%/năm. 
Mức lãi suất hấp dẫn này đã đẩy tỷ trọng tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá năm 2017 tăng từ 73,7% lên 76,9%, tỷ trọng huy động vốn trên thị trường liên NH giảm từ 11,1% xuống 10,8%.
Thời điểm hiện tại, phát hành CCTG đã trở thành cuộc đua của các nhà băng, trong đó có sự góp mặt đầy đủ các NHTM có vốn nhà nước đến NHTMCP quy mô lớn, vừa và nhỏ. Cụ thể, BIDV từ tháng 3-2019 đã có chương trình CCTG trung, dài hạn lãi suất 7,6%/năm cho hình thức lãi suất cố định, 7,5%/năm cho lãi suất thả nổi.
CCTG dài hạn ghi danh của Sacombank mệnh giá tối thiểu 1 triệu đồng, thời hạn 7 năm (84 tháng) có lãi suất 8,6%/năm. LienVietPostBank huy động vốn bằng CCTG cho các kỳ hạn 15, 18, 24 và 36 tháng với lãi suất 8,1%/năm (cao hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm cùng kỳ hạn 0,7-1%/năm). SHB phát hành 10.000 tỷ đồng cho cá nhân và doanh nghiệp với lãi suất 8,9%/năm. VIB và VietABank cũng có lãi suất CCTG rất cao 9,1%/năm. 

Sức ép cho nhà băng
 Khi gửi tiết kiệm dài hạn, người gửi cần tiền có thể rút trước hạn và chấp nhận lãi suất không kỳ hạn. Nhưng khi tham gia CCTG, NH có các yêu cầu ràng buộc khách hàng trong kỳ hạn dài cố định, không được phép rút tiền, nếu cần tiền chỉ có thể chuyển nhượng hoặc cầm cố CCTG để vay lại.
TS. Bùi Quang Tín,
Trường Đại học NH TPHCM
Thời gian qua, các NHTM liên tục đẩy mạnh lãi suất huy động kỳ hạn dài, phát hành trái phiếu, CCTG để hút vốn trung và dài hạn. Tuy nhiên, gần đây kênh đầu tư vàng cũng đang có dấu hiệu hấp dẫn trở lại khi giá vàng tăng khá mạnh.
Đáng chú ý hơn, kênh TPDN với lãi suất lên đến 10-12%/năm ngày càng phổ biến, đã xuất hiện trái phiếu có lãi suất hơn 14%/năm. Theo đó, nhà đầu tư cá nhân có từ 100 triệu đồng trở lên có thể chọn mua trái phiếu của doanh nghiệp để được hưởng lãi suất cao hơn 2-3% so với tiền gửi NH. Đây là sức ép lớn các NH phải đối mặt. 
Nửa đầu năm 2019, vốn huy động chậm hơn so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt đã xuất hiện nhiều NH có mức tăng trưởng huy động âm. Giới chuyên gia tài chính cho rằng mức lãi suất TPDN đang cạnh tranh trực tiếp với trái phiếu của NHTM và các công cụ khác của kênh gửi tiết kiệm NH. Để đối phó, phát hành CCTG là giải pháp. 
Nếu huy động tiền gửi tiết kiệm với lãi suất 9%/năm, các nhà băng có thể bị tuýt còi. Còn việc phát hành các giấy tờ, trong đó bao gồm CCTG với lãi suất quanh mốc 9%/năm, thời gian qua vẫn rất thuận lợi. So với trái phiếu, CCTG cũng dễ phát hành hơn. Khi muốn thực hiện, các nhà băng có thể chủ động triển khai.
Còn muốn huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu, NH phải lập hồ sơ phát hành và được sự chấp thuận của cả NHNN và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Dù vậy, huy động vốn dưới hình thức này, NH cũng phải đánh đổi sự ổn định bằng cách trả lãi suất cao hơn cho người gửi tiền.
Hiện tại, lãi suất liên NH ở mức ngắn hạn như qua đêm đến 1 tháng liên tục giảm nhẹ, dao động quanh mức 3%/năm. Trong khi đó, lãi suất liên NH kỳ hạn dài tăng khá nhanh. Kỳ hạn 3 tháng ở mức 4,08%/năm, tăng so với mức 3,85%/năm hồi tháng 7; kỳ hạn 6 tháng cũng tăng từ 4,28% lên 5,63%/năm.
Diễn biến này cho thấy định hướng thắt chặt vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn đang ảnh hưởng mạnh trên thị trường OMO. Các NH dư thừa vốn ngắn hạn nhưng thiếu hụt nguồn dài hạn. 
Như vậy, nhu cầu huy động vốn trung và dài hạn sẽ còn tiếp tục kéo dài, các kênh huy động CCTG dự kiến vẫn còn gia tăng. Đối với người mua, đây là cơ hội tốt để tối ưu lợi nhuận và đầu tư an toàn, vì lãi suất cao, gốc và lãi đều được bảo đảm trong toàn bộ thời gian gửi tiền như một hình thức gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, để đi đến quyết định đầu tư CCTG cần cân nhắc, thận trọng. 

Các tin khác