Kỳ vọng chống chuyển giá, né thuế

(ĐTTCO) - Vấn đề chuyển giá, trốn thuế làm thất thoát nguồn thu ngân sách vốn làm đau đầu các nhà làm chính sách, các chuyên gia. 
Kỳ vọng chống chuyển giá, né thuế

Nghị định 20/2017/NĐ-CP có hiệu lực ngày 1-5-2017 quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết (GDLK) được đánh giá là dấu mốc phát triển quan trọng trong hệ thống quy định pháp luật, và được xem là một trong những giải pháp đề giải quyết vấn đề này.

Coi trọng bản chất và thực tiễn kinh doanh

Nghị định 20 không chỉ nhằm đến doanh nghiệp FDI mà còn nhắm đến doanh nghiệp lớn trong nước đang có hành vi chuyển giá. Thực tế, không ít tập đoàn đã chuyển giá từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác để được giảm, miễm thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm tối thiểu hóa việc đóng thuế.

Sẽ có thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 20/2017/NĐ-CP của Chính phủ sau khi Bộ Tài chính hoàn tất lấy ý kiến về dự thảo thông tư hướng dẫn một số điều của nghị định này. Theo Điều 5 tại dự thảo thông tư hướng dẫn, người nộp thuế được lựa chọn miễn lập hồ sơ xác định giá GDLK khi thực hiện hoạt động kinh doanh phải thỏa mãn 3 điều kiện.

Thứ nhất, phát sinh doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ với các bên liên kết dưới 200 tỷ đồng trong kỳ tính thuế. Thứ 2, người nộp thuế không phát sinh doanh thu, chi phí từ hoạt động khai thác, sử dụng tài sản vô hình, không sở hữu, thực hiện hoặc tham gia thực hiện, chia sẻ chi phí đối với tài sản vô hình và các quyền, lợi ích liên quan trong toàn bộ chuỗi phát triển, thúc đẩy, duy trì, bảo vệ và khai thác tài sản vô hình.

Thứ 3, người nộp thuế thực hiện chức năng đơn giản đối với các lĩnh vực như phân phối (bán buôn, bán lẻ, đại lý thương mại bán hàng cho các sản phẩm của bên liên kết), sản xuất theo hợp đồng sản xuất, đơn đặt hàng của các bên liên kết, gia công từ nguyên vật liệu bên liên kết.

Như vậy, với quy định này việc chống chuyển giá và gian lận chủ yếu hướng đến các đối tượng là các doanh nghiệp lớn, công ty đa quốc gia. Những doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ hoạt động bình thường sẽ được miễn nghĩa vụ soạn lập hồ sơ xác định giá GDLK. Do đó Nghị định này không làm xáo trộn hoạt động của doanh nghiệp.
Cũng tại dự thảo hướng dẫn, bản chất giao dịch được đối chiếu giữa hợp đồng hoặc văn bản, thỏa thuận giao dịch của các bên liên kết với thực tiễn thực hiện của các bên. Chẳng hạn cơ quan nhà nước sẽ thu thập thông tin, xác định bản chất các GDLK, quan hệ kinh tế, thương mại, tài chính và thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh, chức năng của người nộp thuế bằng cách rà soát việc thực hiện phân tích hợp đồng, thỏa thuận, văn bản của người nộp thuế với các bên liên kết; đồng thời căn cứ đối chiếu các thỏa thuận kinh tế, thương mại, tài chính trong các GDLK của người nộp thuế là dữ liệu thực tế thực hiện giao dịch giữa các bên. Nguyên tắc đối chiếu áp dụng trong phân tích so sánh coi trọng bản chất và thực tiễn kinh doanh, rủi ro gánh chịu của các bên liên kết hơn là các thỏa thuận được dàn xếp bằng văn bản.

Trên thực tế việc xác định chuyển giá rất khó khăn. Vì thế, Nghị định 20 quy định rõ như thế nào là quan hệ liên kết giữa các bên. Theo đó bên tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư vào bên kia. Hoặc các bên trực tiếp hay gián tiếp cùng chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư của một bên khác.

Chẳng hạn, một doanh nghiệp nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp kia; hay cả 2 doanh nghiệp đều có ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu do bên thứ ba nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp, sẽ được coi là các bên liên kết.

 Trọng tâm doanh nghiệp FDI

Hiện nay, trong 3 loại hình doanh nghiệp hoạt động ở nước ta, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có tỷ lệ thua lỗ luôn cao nhất, có thời điểm lên đến 51% (năm 2008), trong 3 năm 2012-2014 xấp xỉ 48%. Thế nhưng, dù thua lỗ liên tục nhiều doanh nghiệp FDI vẫn mở rộng quy mô sản xuất. Trong khi đó, hầu hết doanh nghiệp trong nước cùng ngành nghề lại có lãi.

Trước tình hình đó, đã có nhiều câu hỏi đặt ra, thực chất tình trạng lỗ này là lỗ thật hay lỗ do chuyển giá. Các nghi án chuyển giá này gây khó khăn cho ngành thuế vì không thể tìm ra “bằng chứng”, và việc chứng minh có chuyển giá bất hợp pháp hay không lại hết sức phức tạp, do không có cơ sở so sánh, đối chiếu giá nguyên liệu với các doanh nghiệp khác cùng ngành nghề.

Trong những năm qua, Tổng cục Thuế đã tích cực kiểm tra các doanh nghiệp FDI bị nghi ngờ có dấu hiệu chuyển giá. Chẳng hạn, năm 2010 cơ quan thuế đã tiến hành thanh tra tại 575 doanh nghiệp FDI, trong đó phát hiện 43 doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá và xử lý 37 doanh nghiệp vi phạm, truy thu thuế và phạt hành chính hơn 27 tỷ đồng.

Năm 2011, cơ quan thuế cũng tiếp tục thanh tra tại 921 doanh nghiệp FDI kê khai lỗ và có dấu hiệu chuyển giá. Kết quả đã xử lý giảm lỗ 6.617 tỷ đồng, tiến hành truy thu và phạt hơn 1.669 tỷ đồng, tăng 4 lần so với năm 2010. Gần đây, Thanh tra Tổng cục Thuế cũng công bố báo cáo thanh tra chuyên đề về chuyển giá, trong đó trọng tâm là chống chuyển giá đối với các doanh nghiệp FDI có GDLK, có kết quả tài chính thua lỗ nhưng vẫn tiếp tục có kế hoạch mở rộng đầu tư kinh doanh. Kết quả thanh tra tại 870 doanh nghiệp FDI có đến 720 doanh nghiệp vi phạm.

Tuy nhiên, hiện hành lang pháp lý cho việc chống chuyển giá vẫn còn nhiều điểm bất cập. Đánh giá về tính thực tiễn trong thực thi của Nghị định 20 vẫn còn không ít lo ngại. Chẳng hạn cơ sở để xác định chuyển giá không phải dễ dàng xác định. Số lượng doanh nghiệp bị buộc làm hồ sơ quá lớn nên việc rà soát để xác định việc chuyển giá sẽ tốn rất nhiều nguồn lực. Dù vậy, Nghị định này vẫn được đánh giá cao bởi đây là bước đầu tiên để Tổng cục Thuế có cơ sở hạn chế việc chuyển giá, tránh thất thu ngân sách nhà nước.

Các tin khác