Kiểm soát rủi ro trong hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

(ĐTTCO)-Trong 8 tháng qua, bất động sản là lĩnh vực có số doanh nghiệp tham gia chào bán trái phiếu doanh nghiệp đông đảo nhất với 44/108 doanh nghiệp.
Khu tái định cư 160 hécta Khu đô thị mới Thủ Thiêm. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)
Khu tái định cư 160 hécta Khu đô thị mới Thủ Thiêm. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Đầu tháng 2/2019, Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp chính thức có hiệu lực với những quy định mới nới lỏng hơn về điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Quy định này đã giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở nên sôi động, đặc biệt là nhóm trái phiếu doanh nghiệp bất động sản.

Theo báo cáo mới đây của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, trong 8 tháng năm nay, bất động sản là lĩnh vực có số doanh nghiệp tham gia chào bán trái phiếu doanh nghiệp đông đảo nhất với 44/108 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành 36.876 tỷ đồng, chiếm hơn 31% tổng giá trị phát hành, đứng thứ hai sau khối ngân hàng thương mại.

Nguyên nhân của việc bùng nổ trái phiếu bất động sản trong thời gian qua được cho là do tác động từ các chính sách của Ngân hàng Nhà nước, như giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, giới hạn cho vay với một khách hàng không quá 15% vốn tự có, điều chỉnh hệ số rủi ro với cho vay bất động sản… Trong khi đó, thị trường bất động sản khá trầm lắng trong những tháng đầu năm. Những điều này đã tạo ra sự dịch chuyển của các doanh nghiệp bất động sản từ kênh huy động tín dụng ngân hàng sang kênh phát hành trái phiếu.

Tuy vậy, thống kê của SSI cho thấy, qua 139 đợt chào bán với 47.800 tỷ đồng trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản, chỉ có trên 36.000 tỷ đồng trái phiếu được phát hành, tương đương với tỷ lệ hơn 77% - mức thấp nhất trong các nhóm.

Điều này cho thấy, thị trường có chọn lọc đối với hình thức trái phiếu doanh nghiệp này và bất động sản là lĩnh vực kinh doanh đòi hỏi vốn lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro và bản thân các ngân hàng thương mại cũng phải áp hệ số rủi ro lớn cho lĩnh vực kinh doanh này.

Theo Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thì hiện các ngân hàng áp hệ số rủi ro lên đến 50% đối với cho vay đảm bảo bằng nhà ở, quyền sử dụng đất; 200% với cho vay đầu tư, kinh doanh bất động sản. Hệ số này còn tăng cao hơn nữa trong dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 36.

Rủi ro cao hơn nên lãi suất trái phiếu bất động sản cũng thuộc nhóm cao nhất, bình quân là 10,01%/năm trong tám tháng năm nay. Theo đó, chỉ có bốn doanh nghiệp huy động được trái phiếu có lãi suất từ 8% trở xuống; có tám lô phát hành của năm doanh nghiệp với tổng giá trị phát hành là 2.079 tỷ đồng trái phiếu có lãi suất từ 12%/năm trở lên (tương đương tỷ trọng 5,7%).

Đáng chú ý, trong tổng số 36.876 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản được phát hành thì các ngân hàng thương mại mua chiếm tới hơn 20%, tương ứng 7.410 tỷ đồng; các Công ty chứng khoán chiếm 8,8% và 61,5% là thông tin chung chung do nhà đầu tư trong nước mua. Ngoài trái phiếu bất động sản, các ngân hàng cũng mua 3.750 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác.

Theo SSI, so với cho vay, việc mua trái phiếu doanh nghiệp sẽ giúp các ngân hàng thương mại linh hoạt hơn bởi có thể bán lại một phần trái phiếu này cho các tổ chức, quỹ đầu tư và khách hàng cá nhân khi cần điều chỉnh các khoản mục tài sản trên bảng cân đối kế toán. Tuy nhiên, một số ngân hàng có thể sử dụng công cụ trái phiếu doanh nghiệp thông qua các giao dịch tài chính phức tạp để cơ cấu lại nợ của tổ chức phát hành hoặc các mục đích khác.

Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, qua công tác quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng trong những tháng đầu năm nay cho thấy hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng thương mại còn tiềm ẩn rủi ro. Một số ngân hàng có số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn (nhất là lĩnh vực xây dựng, bất động sản) trong tổng tài sản và tiếp tục tăng nhanh. Trong khi đó, thị trường bất động sảnchưa phục hồi vững chắc, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn.

Trước tình hình này, để đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại phải kiểm soát rủi ro trong hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp; đồng thời sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.

Kiem soat rui ro trong hoat dong dau tu trai phieu doanh nghiep hinh anh 2
Một điểm giao dịch của Vietcombank. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Theo các chuyên gia, sự phát triển của trái phiếu doanh nghiệp là một tất yếu và cũng phù hợp với định hướng của Nhà nước trong việc phát triển thị trường vốn song song với thị trường tín dụng. Tuy nhiên, để thị trường này lớn mạnh và phát triển đúng hướng thì cần phải tạo hành lang pháp lý cho thị trường thứ cấp phát triển và bảo vệ nhà đầu tư.

SSI cho biết nhìn một cách tổng thể, lãi suất trái phiếu doanh nghiệp vẫn nằm trong mức tương đối an toàn bởi xấp xỉ bằng với lãi suất vay ngân hàng. Tuy nhiên, nếu thiếu một cơ quan định mức tín nhiệm đủ uy tín, người mua trái phiếu, nhất là các nhà đầu tư cá nhân sẽ rất khó xác định mức lãi suất hợp lý. Đặc biệt, khi chính sách liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp thông thoáng hơn thì các cơ chế bảo vệ nhà đầu tư cũng cần phải hoàn chỉnh.

Các chuyên gia Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) cũng cho rằng, để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp lớn mạnh và bền vững, Chính phủ cần nhanh chóng xây dựng các quy định về tổ chức xếp hạng tín nhiệm cho trái phiếu doanh nghiệp để tạo khung pháp lý cho thị trường thứ cấp phát triển, bảo vệ nhà đầu tư; đồng thời trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ cần được niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán nhằm cung cấp đầy đủ thông tin và đăng ký tại Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD).

Các tin khác