Kiểm soát chặt thị trường liên ngân hàng

Khi tăng trưởng tín dụng trên thị trường dân cư và doanh nghiệp chưa có dấu hiệu khả quan, các NHTM có vốn lớn đã tận dụng đẩy vốn cho vay trên thị trường liên NH. Tuy nhiên, tình trạng này có thể bị hạn chế khi tới đây NHNN ban hành quy định về hoạt động thị trường liên NH, theo đó sẽ quản lý thời hạn, mục đích vay vốn trên thị trường này.

Khi tăng trưởng tín dụng trên thị trường dân cư và doanh nghiệp chưa có dấu hiệu khả quan, các NHTM có vốn lớn đã tận dụng đẩy vốn cho vay trên thị trường liên NH. Tuy nhiên, tình trạng này có thể bị hạn chế khi tới đây NHNN ban hành quy định về hoạt động thị trường liên NH, theo đó sẽ quản lý thời hạn, mục đích vay vốn trên thị trường này.

Lớn ép nhỏ

Một nguồn tin riêng của ĐTTC cho biết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN giao Vụ Chính sách tiền tệ theo dõi và quản lý hoạt động của thị trường liên NH, nhằm hướng tới ban hành thông tư quy định về vay vốn giữa các TCTD trên thị trường này. Trong đó, quy định rõ thời hạn vay vốn, mục đích sử dụng tiền vay…

Điều này xuất phát từ việc các NHTM lớn với thế mạnh vốn lớn bắt tay “làm giá” trên thị trường liên NH trong thời gian qua, đẩy lãi suất liên NH có thời điểm tăng 25-27%/năm.

Khách hàng giao dịch tại VietABank. Ảnh: LÃ ANH

Khách hàng giao dịch tại VietABank. Ảnh: LÃ ANH

Những NHTM nhỏ buộc phải “ngậm bồ hòn” vay lãi suất “cắt cổ” này để giải quyết nhu cầu thanh khoản đột xuất khi dòng vốn huy động có dấu hiệu tăng chậm lại. Vừa qua Thanh tra NHNN đã phát hiện nhiều NHTM có tỷ lệ sử dụng vốn trên thị trường liên NH so với dư nợ cho vay thị trường 1 lớn hơn 20%, như NH Dầu khí toàn cầu, GiaDinhBank… 

Một NHTM lớn đã tiết lộ có ngày cho vay trên thị trường liên NH 1000-2.000 tỷ đồng nhưng trên báo cáo sổ sách với NHNN để tỷ lệ rất nhỏ. Điều này cho thấy hành lang pháp lý về cho vay trên thị trường liên NH hiện nay chưa thật rõ ràng nên các NHTM lớn vẫn có cửa lách để đẩy vốn liên NH.

Theo một lãnh đạo NH cổ phần, sở dĩ các NHTM cổ phần nhỏ chấp nhận vay lãi suất cao ở các NHTM lớn vì việc vay vốn trên thị trường mở (OMO) khó khăn do các NH nhỏ thiếu giấy tờ có giá để giao dịch, một phần do NHNN cũng chủ trương hạn chế lượng tiền cung ứng để kiềm chế lạm phát. Ngoài ra, do yếu về thương hiệu, mạng lưới, những NHTM nhỏ rất khó cạnh tranh với các NHTM lớn trong việc huy động vốn, nhất là khi NHNN ấn định trần lãi suất huy động tối đa 14%/năm.

Tuy nhiên, khi NHTM lớn bắt tay “lũng đoạn” trên thị trường liên NH sẽ khiến đồng vốn chỉ chạy lòng vòng trong các NH mà không đi vào nền kinh tế, phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh. Vì vậy, việc NHNNN sớm ban hành thông tư ngăn chặn tình trạng này là cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Cần trị tận gốc

Cuối tuần qua, lãi suất cho vay trên thị trường liên NH có xu hướng giảm tiếp. Nguồn tin từ các NHTM cho biết lãi suất cho vay qua đêm ở mức 12-13%/năm, cho vay 1 tuần ở mức 15%/năm. Các NHTM lớn hiện đã giảm dần vay vốn trên thị trường mở  (OMO) vì không còn lợi khi xu hướng lãi suất OMO và liên NH đang gần bằng nhau. Lý do hạ nhiệt của lãi suất liên NH là thanh khoản của các NHTM đã ổn định khi NHNN đẩy mạnh ngoại tệ cung ứng tiền đồng ra thị trường. Điều này giúp cho lãi suất trên thị trường tiền gửi cũng giảm nhanh.

Một NH cổ phần có trụ sở ở quận 1, TPHCM, cho biết NH chỉ còn thỏa thuận vượt trần 14%/năm kỳ hạn 1 -2 tháng, các kỳ hạn khác lãi suất không quá 14%/năm. Hiện tại, kỳ hạn 1 tháng lãi suất 16,5%/năm đang là giá lãi suất được nhiều NHTM thỏa thuận với khách hàng tiền gửi. Tuy nhiên, theo một chuyên gia NH, mặc dù lãi suất liên NH ổn định nhưng chưa bền vững về dài hạn. Vì vậy, cần thiết phải trị tận gốc căn bệnh gây ra biến động lãi suất liên NH.

Thực tế hiện nay các NHTM nhỏ vốn huy động còn chậm nhưng lại có dư nợ cho vay trung dài hạn quá lớn. Số liệu mới nhất từ NHNN cho biết dư nợ để đầu tư kinh doanh bất động sản là 222.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay trung và dài hạn chiếm tỷ trọng khá lớn, tới 77%, trong khi vốn huy động của các tổ chức tín dụng chủ yếu là ngắn hạn, nên việc phát sinh thiếu thanh khoản ở các NHTM nhỏ là tất yếu. Đây là cơ hội cho vay “cắt cổ” của các NHTM lớn trên thị trường liên NH.

 Khi không thể chấp nhận vay vốn trên thị trường liên NH với lãi suất cao, các NHTM nhỏ quay lại thị trường 1 (thị trường tiền gửi dân cư) để huy động vốn bằng mọi giá. Và khi các NHTM nhỏ khởi động cuộc đua, để giữ vốn, các NHTM lớn cũng buộc phải vào cuộc, khiến cuộc đua lãi suất từ đó bùng phát. Bởi vậy, nhiều chuyên gia NH đã kiến nghị để thị trường tiền tệ ổn định bền vững, NHNN cần quản lý chặt thị trường liên NH, đồng thời mở rộng cửa hơn để các NHTM nhỏ tham gia thị trường OMO với cơ chế hợp lý hơn, tránh tình trạng bơm vốn qua OMO không đúng đối tượng. 

Các tin khác