Không sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu

(ĐTTCO)-Sáng nay, 7-6, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng.
 
ĐB Phạm Phú Quốc (TPHCM) phát biểu tại phiên thảo luận về xử lý nợ xấu
ĐB Phạm Phú Quốc (TPHCM) phát biểu tại phiên thảo luận về xử lý nợ xấu

Sáng nay, 7-6, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng.

Nhiều ý kiến phát biểu cho rằng việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý nợ xấu theo hình thức ban hành Nghị quyết của Quốc hội là rất cần thiết, nhằm thể chế hóa chủ trương chính sách của Đảng, thực hiện các nhiệm vụ theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, cũng như đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn.

Là một trong những đại biểu phát biểu đầu tiên, ĐB Phạm Phú Quốc (TPHCM) cho biết, qua thời gian 2012 -2016 toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý được khoảng 600.000 tỷ đồng nợ xấu, trong đó các tổ chức tín dụng (TCTD) xử lý được 55% và Công ty VAMC xử lý 44,6%. Tuy về mặt bản chất VAMC chỉ là “nhà kho” tạm giữ nợ xấu vì chi phí áp dụng cho trích lập dự phòng và tiền mặt vẫn thuộc về các TCTD, nhưng VAMC đã cho thị trường thấy rõ được bức tranh xử lý nợ xấu của nền kinh tế.

“Cái được trong nợ xấu của nền kinh tế nước ta là tài sản, có được tài sản đảm bảo bán được ngân hàng, nhưng TCTD lại rất khó vì bán cho nước ngoài thì vướng trần room nhà đầu tư nước ngoài. Đối với các TCTD và doanh nghiệp trong nước thì nguồn lực nhỏ lẻ không đủ sức mua” – ĐB Phạm Phú Quốc phân tích.

Vì thế, nếu bán từng nhóm nợ xấu có tài sản đảm bảo để lành mạnh thị trường là bước đi cấp thiết. Vấn đề là phải tạo được thị trường mua bán nợ với sự tham gia của các thành phần kinh tế và người dân.

ĐB Phạm Phú Quốc cho rằng, nếu tài sản bảo đảm là bất động sản doanh nghiệp bất động sản và người dân sẽ quan tâm. Nếu tài sản bảo đảm là chiếc xe hơi thì các hãng kinh doanh vận tải như Uber, Grab, taxi và người dân sẽ quan tâm. Thị trường không chỉ dành cho TCTD xử lý nợ xấu mà các thành phần kinh tế khác đều tham gia.

ĐB Phạm Phú Quốc bày tỏ sự thống nhất cao cần phải có nghi quyết xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, về đối tượng điều chỉnh, bên cạnh các ngân hàng, TCTD thì bổ sung quỹ đầu tư phát triển địa phương vì các quỹ này cũng hoạt động như TCTD và có nợ xấu. ĐB Phạm Phú Quốc cũng cho rằng, việc áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm và quyền xử lý tài sản bảo đảm là cần thiết, nhưng cần hướng dẫn đồng bộ với Bộ luật Dân sự và phối hợp với cơ quan công quyền thu giữ tài sản.

Theo ĐB Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh), giải quyết nợ xấu cần sự vào cuộc của khách hàng, ngân hàng và cả hệ thống chính trị. Ông đồng tình bổ sung vào nghị quyết nguyên tắc không sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu. Đồng thời Chính phủ cần làm rõ trách nhiệm những tổ chức cá nhân có vi phạm trong xử lý nợ xấu. “Tôi đồng tình rằng mua bán nợ xấu cần theo giá thị trường nhưng phải công khai minh bạch” – ĐB Nguyễn Sơn nêu quan điểm.

Trong khi đó, ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) kiến nghị cần đánh giá tác động xã hội khi ban hành nghị quyết vì có một số biện pháp mang tính chế tài như thu giữ tài sản. Muốn nghị quyết khả thi và có sự đồng thuận cao thì nên hình dung trước được khó khăn thách thức để có giải pháp phù hợp.

Một ví dụ được ĐB Lưu Mai đưa ra là xử lý tài sản bảo đảm, cần cân nhắc thêm để hài hoà lợi ích. Theo nghị quyết, thời hạn thu giữ tài sản tương đối ngắn (10 ngày). Vì thế, cần có thêm thời gian để người bị thu hồi thu xếp nơi ở mới, nhất là đối người già, trẻ em.

Công tác trong ngành thi hành án dân sự, ĐB Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An cho biết việc thu hồi tài sản bảo đảm trong xử lý nợ xấu là rất khó khăn. Thực tế thi hành án dân sự có nhiều trường hợp bị thu hồi tài sản quay ra tấn công lại lực lượng thi hành án.

“Vậy TCTD khi thu hồi tài sản phải làm thế nào, họ tự làm hay thuê lực lượng khác, cần có cơ chế rõ ràng. Hơn nữa, trong quá trình thu hồi tài sản nếu có tranh chấp, khiếu nại tố cáo thì giải quyết thế nào? Cần làm rõ những vấn đề này trong nghị quyết nếu không việc xử lý nợ xấu sẽ vào vòng luẩn quẩn và nghị quyết sẽ không có hiệu quả trong thực tế” – ĐB Hoàng Thị Thu Trang đề nghị.

Liên quan đến thời hạn thi hành nghị quyết, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng ban hành nghị quyết để xử lý những vấn đề cấp bách nhưng chỉ là giải pháp tạm thời. Thời hạn hiệu lực của nghị quyết nếu chỉ trong 5 năm là không hợp lý. Nếu chưa có luật thì chúng ta vẫn phải dùng nghị quyết để điều chỉnh, vì nợ xấu có thể vẫn phát sinh.

“Một vấn đề quan trọng khác là nghị quyết cần làm rõ để người vay hiểu rằng vốn vay là vốn của người dân, ngân hàng là trung gian, nếu có rủi ro thì phải chấp nhận mất tài sản đã mang đi bảm đảm để vay vốn” - ĐB Nguyễn Ngọc Phương nói.
ĐB Mai Sỹ Diến (Thanh Hoá) cho rằng, để xử lý tận gốc, nghị quyết cần nêu ra nguyên nhân gây ra nợ xấu, quy định cụ thể rõ ràng về xử lý những tổ chức cá nhân vì chủ quan mà gây ra nợ xấu.

Các tin khác